Trước giải, ai cũng cho rằng chỉ có 3 đội vượt trội hơn cả. Bây giờ, một trong ba đội ấy - á quân thế giới Hà Lan - đã sớm về nước. Còn lại, Đức và Tây Ban Nha vẫn là 2 ứng cử viên vô địch sáng giá nhất khi EURO tiến vào giai đoạn knock-out. Dựa vào những gì đã thể hiện ở vòng bảng, có thể nhận định: có vẻ Đức hơi nhỉnh hơn TBN trong lúc này.
Một cách đơn giản nhất, Đức hơn rõ ràng về mặt thành tích. Họ rơi vào "bảng tử thần" nhưng lại toàn thắng 3 trận (và đấy là đội duy nhất toàn thắng ở vòng đấu bảng tại EURO này). Chưa bao giờ vị thế của Đức bị BĐN, Hà Lan hoặc Đan Mạch làm cho lung lay. Ngược lại, TBN chỉ hòa ngay trận ra quân, và đấy là trận hòa trong hoàn cảnh TBN bị dẫn điểm. Ở trận cuối vòng đấu bảng, TBN thắng CH Ireland 1-0, với bàn duy nhất được ghi vào cuối trận. Trên thực tế, đã có những thời điểm TBN đối diện với nguy cơ thua trận (mà nếu thua trận ấy, TBN dĩ nhiên là đã bị loại)!
Điều đáng nói là: giai đoạn knock-out có thể sẽ khác với vòng đấu bảng. Thể thức thay đổi, đối thủ cũng thay đổi, và mục tiêu cụ thể trong từng trận đấu lại càng thay đổi. Thế nên, cái sự nhỉnh hơn của Đức tính đến lúc này chỉ có giá trị tham khảo. Do phải sớm gặp các đối thủ mạnh nên rất có thể Đức đã bung hết sức mạnh, bài bản vốn có. Với TBN, chúng ta không dễ kết luận như vậy. Đến đây, lại nảy sinh một vấn đề khác: phải chăng việc TBN bộc lộ một vài trục trặc trong lối chơi ở vòng bảng đến từ nguyên nhân là họ không phải cố gắng hết sức trong những trận đấu vừa qua?
Cứ theo phong độ hiện tại, Đức sẽ gặp TBN ở chung kết
Ở trận gặp Đan Mạch, mọi chuyện có thể đã khác nếu như trọng tài cho đội Đan Mạch hưởng quả phạt đền vì pha phạm lỗi rõ rệt của Holger Badstuber đối với Nicklas Bendtner. Trước đó, Pepe không mở được tỷ số cho BĐN trong trận gặp Đức chỉ vì kém may mắn (bóng dội xà). Đấy là những chi tiết cho thấy, Đức dù có mạnh đến mấy thì cũng vẫn còn nhược điểm. Và nhược điểm ngay giữa hàng thủ của Đức là điều mà ai cũng đã có thể chỉ ra từ trước khi EURO bắt đầu.
Nhưng phải thừa nhận: Đức mạnh thật! Cách chơi rất khoa học của họ làm cho đối phương đôi khi thấy rõ sẽ thua nhưng không thể nào cứu được. Các pha ghi bàn của Lukas Podolski hoặc Lars Bender cho thấy rất rõ khả năng ấy. So với hình ảnh thường thấy trước đây, đội Đức bây giờ đã mạnh hơn hẳn về kỹ thuật, tốc độ và sự uyển chuyển trong lối chơi. Sức trẻ đáng gờm của Đức vẫn được giữ nguyên trong khi kinh nghiệm thì đã tăng lên so với lúc đội tuyển này đoạt hạng 3 tại World Cup 2010
Thế còn TBN? Điểm yếu ở khâu kết thúc, trong hoàn cảnh không còn David Villa đã được chứng minh.
Trung phong Torres ghi được 2 bàn vào lưới CH Ireland, nhưng đấy là trận đấu quá dễ dàng, tính chuyên môn không cao. Vẫn như mọi khi, toàn bộ những gì ưu việt trong cách chơi kỹ thuật mà TBN thể hiện thường vẫn chỉ đưa tới kết quả là 1 bàn thắng trong mội trận đấu. Đã có đến 6/7 trận như vậy, tính từ giai đoạn knock-out của World Cup 2010 đến thời điểm này (chỉ tính các trận ở VCK EURO và World Cup). TBN vẫn là đội bóng số 1 xét trên phương diện kỹ thuật, nghĩa là vẫn chưa ai đủ tư cách khai tử Tiqui-taca.
Mỗi bên một vẻ. Có lẽ phải chờ đến khi Đức và TBN trực tiếp gặp nhau, thì mới thấy được ai mạnh hơn ai!
CHUYỀN NHIỀU CHƯA HẲN ĐÃ HAY
Khi gặp Hà Lan ở vòng bảng, Đức thua trong hầu như mọi số liệu thống kê chuyên môn. Họ giữ bóng ít hơn (49% so với 51%), chuyền ít hơn (555 đường chuyền so với 638), tỷ lệ chuyền chính xác cũng thấp hơn (86% so với 91%). Đức có 11 pha dứt điểm trong khi Hà Lan dứt điểm 12 lần.
Nhưng trên thực tế, đấy lại chính là trận thắng dễ dàng nhất của Đức. Họ nhanh chóng tạo ra cách biệt an toàn 2-0 ngay trong hiệp 1. Sang hiệp 2, tuy Hà Lan rút ngắn được tỷ số nhưng người xem vẫn không mảy may có chút cảm giác rằng Đức sẽ đánh mất chiến thắng. Khi Đức thắng BĐN và Đan Mạch, họ luôn vượt trội trong những thống kê chuyên môn, nhưng đấy lại là những trận thắng khó hơn!
Thế còn TBN? Họ thực hiện đến 780 đường chuyền, vượt trội hoàn toàn so với 426 đường chuyền của Italia (trận gặp Italia là trận đấu đáng chú ý nhất của TBN ở vòng bảng). Và với tỷ lệ chuyền chính xác lên đến 88% (Italia chỉ có 76%), chỉ tính riêng số đường chuyền chính xác của TBN đã cao gấp rưỡi so với tổng số đường chuyền của đối phương. Những thống kê khác liên quan đến cách chuyền bóng (chuyền lên, chuyền ngang, chuyền về, chuyền ngắn hoặc chuyền dài...) đều nói lên sự vượt trội của TBN so với Italia.
Nhưng tóm lại, kết quả thế nào? TBN bị dẫn điểm trước khi gỡ hòa 1-1. Đấy chính là trận đấu mà Italia đã làm thay đổi cái nhìn của khán giả trung lập về họ. Giới chuyên môn đánh giá: đấy là một Italia vừa có lối chơi đẹp mắt, vừa đảm bảo tính hiệu quả!
Còn một số liệu nữa, rất đáng chú ý. Khi mà ưu thế của TBN được chứng tỏ một cách rõ ràng nhất trước Italia (trong 15 phút chót) thì đấy chính là lúc họ đã thay người, thay đổi lối chơi, và chuyền bóng ít hơn so với khoảng thời gian trước đó. Ngược lại, ở trận gặp Đức, khi mà ưu thế về thời gian giữ và chuyền bóng của Hà Lan tăng đến mức cao nhất, thì đấy lại chính là lúc họ bị thủng lưới liên tiếp 2 bàn!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)