Không có đội tuyển nào ăn mừng lạ kỳ như Tây Ban Nha. Sau khi Cúp được trao, họ chạy khắp sân với những lá cờ khác nhau: Xavi khoác cờ vàng sọc đỏ của xứ Catalonia, Silva và Pedro khoác cờ xanh-vàng-trắng của Đảo Canary, Santi Carzola khoác cờ xanh có chữ thập vàng của xứ Asturias...
ĐẤT MẸ, CÓ NHIỀU ĐẤT MẸ
Các vùng miền của Tây Ban Nha đã từ lâu nổi tiếng vì tinh thần địa phương. Mỗi xứ trên đất nước này, với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, lại tự coi mình là một vùng lãnh thổ độc lập. Thậm chí ở xứ Basque, trong suốt nửa thế kỷ từ 1959 đến 2011, lực lưỡng vũ trang ETA đã tìm mọi phương thức (kể cả khủng bố) để giành quyền độc lập cho vùng đất này.
Nhà độc tài quân sự Franco, trong thời gian cầm quyền (1939-1975), đã ra sức chống lại chủ nghĩa địa phương, nhưng cũng theo một cách rất cực đoan, tìm mọi cách để xóa bỏ sự đa dạng văn hóa của Tây Ban Nha. Những ngôn ngữ địa phương bị cấm, những truyền thống văn hóa riêng cũng không được phổ biến.
Chính điều này lại càng làm cho những người dân Basque hay Catalonia thêm bất mãn. Thời kỳ này, chính bóng đá trở thành vũ khí để người ta chống lại sự áp đặt của Franco: người ta nói tiếng Catalonia trong sân bóng, những chiến thắng của Barca trước Real trên sân cỏ mang tính chất của những cuộc trả thù trong tinh thần... Không biết từ bao giờ, Barca trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa địa phương xứ Catalonia, và điều này vẫn tồn tại ngay cả khi nền dân chủ được tái xác lập sau khi Franco qua đời.
Với chủ nghĩa địa phương nặng nề như thế, không có gì quá khi nói rằng mỗi thành viên trong đội tuyển Tây Ban Nha có một quê hương khác nhau. Chính cách họ ăn mừng đã nói lên điều đó. Nó gợi lại cách Man City ăn mừng chức vô địch Premiership, khi HLV Mancini khoác cờ Italia, Dzeko khoác cờ Bosnia, Kolarov khoác cờ Serbia... tạo nên một thông điệp rõ ràng rằng đây là một đội bóng "hợp chủng quốc" và mỗi người mang tự hào về cho quê hương của mình. Việc làm của các cầu thủ Tây Ban Nha không hề là tự phát. Đầu tiên, họ chắc chắn đã phải chuẩn bị sẵn những lá cờ này từ trước khi bước vào phòng thay đồ. Thứ hai, chuyện đã tái diễn nhiều lần, khi lá cờ Catalonia đã được phủ trên người Xavi trong cả 2 trận chung kết EURO 2008 và World Cup 2010.
Sau trận đấu, trên mạng barcablaugranes.com, một trong những diễn đàn lớn nhất trên Internet của CĐV Barca, người ta thấy ngay một bài viết: "Có phải xứ Catalonia đã nâng Cúp EURO 2012 không?", kèm những phân tích về một đội hình Tây Ban Nha có và không có cầu thủ Barca.
Chính chủ nghĩa địa phương nặng nề đã từng một thời được xem là nguyên nhân khiến cho đội tuyển Tây Ban Nha thất bại. Họ không đoàn kết trên sân cỏ, khi gốc gác cầu thủ tạo ra những nhóm lợi ích khác nhau.
CHỦ NGHĨA DÂN TỘC “MỚI”
Xavi khoác cờ Catalonia ăn mừng chiến thắng. Nhưng đó chỉ là một biểu hiện "tàn dư" của chủ nghĩa địa phương vốn đã chôn sâu bám chặt trong nhiều người Tây Ban Nha. Không thể quy kết anh truyền bá chủ nghĩa Sô vanh cực đoan. Khoác lá cờ Catalonia, nhưng anh vẫn bá vai những người đồng đội ở Real Madrid ăn mừng, anh vẫn cùng hô vang câu "Viva Spain". Khi cả đội tuyển chụp ảnh chung với chiếc Cúp, những lá cờ địa phương được gấp lại cẩn thận, đặt xuống mặt cỏ. Xavi có 2 danh tính cùng một lúc: anh vừa là người Catalonia, vừa là người Tây Ban Nha. Nói như học giả Simon Kuper, người đã có nhiều năm nghiên cứu mối quan hệ giữa bóng đá và chính trị: "Đó là một hình thái chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha mới mà Franco không hiểu, và thậm chí là một vài nhà đấu tranh xứ Catalonia cũng không thể hiểu".
Franco muốn có một đất nước Tây Ban Nha "đại đồng" không có sự đa dạng về văn hóa. Các nhà Sô vanh chủ nghĩa của mỗi địa phương thì muốn quê hương mình độc lập, không phải "chung chạ" với các vùng miền khác. Nhưng những người Tây Ban Nha mới như Xavi thì muốn có cả một tinh thần trung hòa hơn: vẫn giữ vững bản sắc và tinh thần địa phương, nhưng vẫn đoàn kết thành một khối dưới màu cờ Tây Ban Nha.
Một hình ảnh khác minh chứng cho chủ nghĩa dân tộc "mới" này là lá cờ của Đảo Canary trên vai Pedro. Anh là một sản phẩm của lò đào tạo La Masia, và đáng ra phải là người đại diện cho xứ Catalonia, nhưng quê của Pedro là ở Đảo Canary, và anh đã quyết định khoác lá cờ xanh-trắng-vàng của hòn đảo này sau trận chung kết. Không thể quy kết Pedro phản bội "cái chung", bởi như thế khác nào nói rằng từ trước tới nay anh không trung thành với Barca? Lá cờ trên vai Pedro, không mang một thông điệp sắc tộc nào: nó chỉ đơn giản là một cử chỉ gợi nhớ đến quê hương.
CỞI TRÓI QUAN ĐIỂM
Thành công của đội tuyển Tây Ban Nha đã thổi một luồng gió mới cho tinh thần dân tộc của đất nước này. Nó thể hiện qua quan điểm của báo chí. Cần phải biết rằng bản thân báo chí Tây Ban Nha vốn cũng mang nặng tính cục bộ, với "phe" Real gồm AS và Marca, "phe" Barca gồm Mundo Deportivo và Sports. Suốt nhiều thập kỷ, họ đã ra sức bài xích nhau bằng ngòi bút. Thậm chí, những ngày mà Barca chiến thắng vang dội trên đấu trường châu Âu, AS và Marca chẳng buồn đưa lấy một dòng.
Nhưng một ngày trước trận chung kết, tờ AS giật tít lớn: "Cùng nhau chiến thắng", kèm lời dẫn: "Không Madrid, không Barca, từ Andalucia đến Catalonia", đi cùng một bức ảnh Ramos và Pique, hai đại diện của "thế lực vùng miền" trong bóng đá Tây Ban Nha cùng giơ cao một lá cờ có viết dòng chữ "La Roja".
Việc Tây Ban Nha liên tục chiến thắng trên đấu trường quốc tế, với thành công đến từ sự đoàn kết của một tập thể đa gốc gác, đã cởi trói quan điểm cho một bộ phận lớn những người Tây Ban Nha vẫn mang nặng tư tưởng vùng miền. Người Catalonia có thể tự hào vì họ đã đóng góp nhiều cho đội tuyển, nhưng không thể phủ nhận công lao của những người như Alonso hay Casillas. Khi họ ăn mừng thành công, đó là thành công của một màu cờ sắc áo chung.
Đó là một tín hiệu vui, không chỉ của riêng bóng đá. Hầu hết các vấn đề trọng đại của đất nước này đều gặp phải vật cản là "Chủ nghĩa Sô vanh". Ví dụ, một quyết sách lớn của Bộ trưởng tài chính có thể bất thành nếu không nhận được sự tán đồng của các lãnh đạo xứ Basque. Trong bối cảnh kinh tế Tây Ban Nha đang khủng hoảng như hiện nay, sự đoàn kết có ý nghĩa vô cùng lớn.
(Theo Bóng đá và cuộc sống)