Người Tây Ban Nha cười khẩy vào lo ngại của người Italia về khả năng họ bắt tay Croatia để "đá" Italia về nước sớm, trong khi người Croatia thì nổi giận nói rằng niềm tự hào dân tộc không cho phép họ làm điều sai trái. Nhưng lịch sử các giải đấu lớn từng chứng kiến nhiều vụ bị nghi ngờ đã được dàn xếp trơ trẽn.
Sở dĩ chỉ là "nghi ngờ" bởi người ta không thể tìm ra được bằng chứng "giấy trắng, mực đen" để vạch mặt những kẻ gian dối, nhưng sự lộ liễu của những kết quả vừa đủ để tạo nên một bê bối thật khó có thể che giấu toan tính tiêu cực trước mắt dư luận. Trận hòa 2-2 của Thụy Điển và Đan Mạch ở EURO 2004 không thể xem là bình thường, khi đó là kết quả duy nhất làm cả hai đội bóng Bắc Âu này hài lòng, khiến Italia bị loại trong ấm ức. Nếu tỷ số ấy một lần nữa lặp lại đêm nay giữa TBN và Croatia, thì hẳn là có muốn thuyết phục dư luận cũng khó, nhất là khi TBN cũng từng "dính" một vụ bê bối gian lận tương tự.
Kết quả "mờ ám" đã khiến Italia khóc hận 8 năm trước
Đó là ở vòng loại EURO 1984, lượt trận cuối cùng. Để giành được ngôi đầu bảng từ tay Hà Lan và chiếm vé duy nhất lọt vào vòng chung kết, TBN buộc phải thắng đội nhược tiểu Malta ít nhất 11 bàn cách biệt. Kết quả: sau khi bị sốc nặng bởi bàn gỡ 1-1 ở phút 24, đội bóng xứ đấu bò đã làm cách nào đó để ghi tới 11 bàn nữa trong 66 phút còn lại, tương đương mỗi 6 phút lại có 1 bàn, để tạo nên thắng lợi "vừa xinh" 12-1 làm người Hà Lan phẫn uất. TBN đã làm cách nào thì chắc không cần phải nói ra, bởi Malta, dù thuộc hàng yếu nhất châu Âu, cũng chưa từng có trận nào khác thủng lưới nhiều hơn 9 bàn thua.
Người TBN cười khẩy vào lo ngại của Italia, rằng đừng lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử, nhưng "quân tử" không phải là khái niệm có thật trong thế giới bóng đá. Ở vòng bảng World Cup 1998, Brazil đã dẫn trước Na Uy ở phút 78 nhưng đột nhiên "suy yếu trầm trọng" và để đối thủ lật ngược thế cờ thắng lại 2-1 chỉ trong ít phút sau đó, với bàn quyết định đến từ pha penalty mà hậu vệ Brazil kéo áo cầu thủ Na Uy rất lộ trong khu cấm địa. Kết quả này giúp Na Uy vượt mặt Maroc ngoạn mục để theo chân Brazil đi tiếp. Hai đội sau đó đã kịch liệt tranh cãi về quả penalty, nhưng được cho là chỉ để lấp liếm ý đồ câu kết nhằm dắt tay nhau qua vòng bảng.
Nhưng Brazil từng là một nạn nhân của âm mưu đen tối trước đó đúng 20 năm, ở World Cup 1978 trên đất của địch thủ truyền kiếp Argentina. Ở lượt cuối vòng bảng thứ 2, Argentina được đá sau cùng và họ cần thắng Peru tối thiểu 4-0 để vượt lên trên Brazil, qua đó giành vé vào chung kết trên sân nhà. Họ làm được nhiều hơn thế, những 6-0, trong một màn trình diễn ngờ nghệch của thủ môn Ramon Quiroga bên phía Peru. Điều đáng nói, Quiroga vốn là một người Argentina nhập cư. Tám năm sau trận đấu đó, thủ môn này tiết lộ với báo chí rằng "Chúng tôi đã bị mua chuộc".
Tại World Cup 1982 còn có một bê bối trắng trợn hơn, khi Tây Đức thắng Áo 1-0 để cả hai dắt tay nhau đi tiếp trong sự giận dữ không chỉ của Algeria, đội bị loại đau, mà của cả thế giới bóng đá. Sau khi Hrubesch ghi bàn ở phút thứ 10, hai đội đá qua đá về cho đến hết giờ, bởi đó là tỷ số vừa đủ để đôi bên cùng có lợi. Trận này sau đó được gọi là "Nỗi ô nhục Gijon" (thi đấu tại Gijon). Mọi dấu hiệu đều cho thấy có sự dàn xếp, nhưng FIFA chẳng thể kết tội vì hai đội thi đấu đúng luật và không có bằng chứng cụ thể về một sự thỏa thuận ngầm.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)