Andrea Pirlo một lần nữa tỏa sáng. Italia một lần nữa vượt lên dẫn trước. Nhưng một lần nữa, đội bóng áo màu Thiên thanh đánh mất lợi thế một cách đáng tiếc. Và một lần nữa, hình bóng của cơn ác mộng EURO 2004 lại hiện về với những người Italia.
Nhìn cách đoàn quân áo màu xanh thẳm của huấn luyện viên Cesare Prandelli chơi ở EURO 2012, không thể nghĩ rằng chỉ mới hai tuần trước thôi, sơ đồ chiến thuật 3-5-2 vẫn còn là một khái niệm mới mẻ với họ. Sơ đồ thiên về độ chắc chắn trong phòng ngự, thể hiện qua sự đông đúc nơi hàng tiền vệ và xu hướng đá thấp của cặp tiền vệ biên, đã phát huy được hiệu quả trong trận đấu ra quân gặp Tây Ban Nha, nhưng ngay cả khi cần chơi tấn công trước người Croatia, Italia cũng đã vận hành 3-5-2 một cách ấn tượng. Trong lối đá lên công về thủ nhịp nhàng theo phong cách Juventus đó, nhạc trưởng Pirlo cũng như cá trong nước, chơi xuất sắc như những gì anh đã thể hiện trong suốt một mùa giải chói sáng để đưa Juve trở lại đỉnh cao Serie A. Sau pha kiến tạo tuyệt vời giúp Di Natale chọc thủng lưới Tây Ban Nha, hôm qua Pirlo đã đích thân ghi bàn, bằng một cú sút ở phạt đẳng cấp cao nhất.
Theo năm tháng, Pirlo có thể già đi, nhưng tài năng (và thậm chí là cả sức mạnh) của anh dường như không hề già đi so với thời điểm sáu năm trước, khi anh là linh hồn đưa Italia vô địch World Cup 2006. Thời gian gần đây, Pirlo không còn được đánh giá cao ở khả năng sút phạt trực tiếp nữa, khi mà trong gần 3 năm qua, anh chỉ ghi được vẻn vẹn 1 bàn từ đá phạt, cho Juventus mùa vừa rồi. Song khi niềm cảm hứng, sự khao khát trở lại với Pirlo ở mức cao nhất, như anh đã từng hồi sinh với thách thức mới ở Juventus sau khi rời ngôi nhà Milan, những phẩm chất thuộc về bản năng cũng đã trở lại. Pha sút phạt "thần sầu" ở phút 39 của anh như một nét họa thiên tài tôn vinh chất nghệ sĩ trong thời đại bóng đá đang bị cơ bắp hóa. Đó là lần đầu đầu tiên bàn thắng được ghi từ đá phạt trực tiếp ở EURO 2012, nhưng đã là lần thứ hai Pirlo chiến thắng đối thủ của anh ở giữa sân. Trận trước, anh làm lu mờ Xavi, còn hôm qua, anh khiến người ta nhìn Modric bằng sự vô cảm.
Nhưng chỉ một mình Pirlo là chưa đủ cho ước mơ của người Italia, khi mà Balotelli vẫn chưa có duyên ghi bàn (dù đã chơi khá tốt và rất tích cực dứt điểm) và hàng thủ vẫn mắc sai lầm trong khả năng phán đoán tình huống (dù là rất nhỏ, chỉ một tích tắc). Hệ thống 3 hậu vệ của Italia, đặc biệt khi De Rossi không giỏi về chống bóng bổng do chỉ là một tiền vệ phải đá trung vệ bất đắc dĩ, vốn được xem là một hạn chế khi đá với Croatia, đội sử dụng lối chơi tấn công biên. Đã được cảnh báo về độ nguy hiểm từ những pha tạt cánh sở trường của Croatia, nhưng cuối cùng Italia cũng không giữ được sạch lưới sau một tình huống như thế, khi Mandzukic tận dụng hoàn hảo lỗi đứng sai vị trí của cả hàng thủ Italia để ấn định tỷ số hòa 1-1 ở phút 72, từ một pha câu bóng chính xác của Strinic.
Tất cả những nỗi ám ảnh quá khứ đã hiện về với Italia. Vẫn không thể thắng ở trận thứ hai tại vòng bảng. Croatia vẫn cứ là một con "ngoáo ộp" với họ. Và Italia lại bị đẩy vào tình thế ác mộng giống như ở EURO 2004, khi quyền tự quyết có thể không còn nằm trong tay họ nữa nếu Tây Ban Nha thắng đậm Ireland ở trận còn lại.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)