Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Hủy diệt Italia, nhà vua TBN bảo vệ thành công ngai vàng châu Âu một cách hoành tráng

Thứ Hai 02/07/2012 01:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Một kịch bản khó tin đã xảy ra ở trận chung kết Euro 2012 khi TBN đánh bại Italia bằng tỷ số kinh hoàng 4-0. Đội tuyển số 1 hành tinh đã vùi dập ý chí chiến đấu và giấc mộng to lớn của đối thủ ngay trong hiệp đầu với 2 pha lập công của Silva và Alba. Đến khi Italia chỉ còn 10 người trên sân (không phải do có cầu thủ nhận thẻ mà bởi Motta không thể tiếp tục thi đấu bởi chấn thương trong bối cảnh Azzurri đã hết quyền thay người) thì tất cả đều hiểu chức vô địch khó tuột khỏi tay La Furia Roja. Kể ra, Italia đã nỗ lực đến hơi thở cuối cùng song rốt cục vẫn phải đón nhận một thảm họa khi liên tiếp chịu thêm 2 bàn thua nữa trong những phút cuối, đến từ bộ đôi của Chelsea và đều được vào sân từ băng ghế dự bị: Torres - Mata.

Về mặt lý trí, hẳn nhiều người sẽ nghiêng về TBN bởi nhà ĐKVĐ sở hữu lực lượng hùng hậu hơn, đồng đều hơn, dồi dào kinh nghiệm hơn khi đã sát cánh bên nhau nhiều năm trời và quan trọng nhất, lối chơi tiqui-taka đã đạt đến trình độ thượng thừa. Tính đến thời điểm này, hóa giải được chiến thuật truyền thống của La Furia Roja là một bài toán chưa đội tuyển nào trên thế giới làm nổi. Tuy nhiên, về mặt con tim, đa phần sẽ chọn Italia vì họ đều thích bất ngờ trong môn thể thao Vua chứ một đội cứ thắng mãi, giành hết thành công này đến thành công khác thì e rằng quá nhàm. Bên cạnh đó, với những gì đã trình diễn từ đầu giải, Italia xứng đáng được tôn vinh. Đội hình của họ khá "bình dân" (chỉ có Pirlo, Buffon và phần nào là Chiellini đạt đến tầm cỡ thế giới, còn lại toàn diện tầm khu vực là cùng), HLV trưởng cũng chẳng lẫy lừng như đối thủ, trước giải còn gặp phải một số rắc rối nho nhỏ do scandal  dàn xếp tỷ số đang rung chuyển quê nhà song rốt cục, Italia đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Họ thể hiện phong cách catenaccio cách tân (vẫn dựa trên nền tảng phòng ngự đổ bê tông đặc trưng nhưng triển khai tấn công lại mang hơi thở thời đại: nhanh, mạnh, ít chạm).

Rất nhiều đồn đoán về danh sách xuất phát của hai đội ở trận chung kết, trong đó có khá nhiều những phương án lựa chọn đầy bất ngờ (nhằm tạo ra đột biến khi mà hai đội đã từng chạm trán ở vòng bảng nên phần nào nắm được "bài vở" của nhau) tuy nhiên, cuối cùng, cả hai chiến lược gia đều tung ra sân toàn các gương mặt đã quá nhẵn mặt ở Euro lần này và không hề có một "nhân tố mới" nào. HLV Del Bosque từng hùng hồn tuyên bố sẽ đưa ra sân tới 3 tiền đạo thực thụ nhưng rồi con số đó vẫn là số 0 tròn trĩnh như phần lớn các trận đấu vừa qua. Cesc Fabregas tiếp tục sắm vai "tiền đạo ảo" với sự hỗ trợ đắc lực của "bộ 6 siêu đẳng" S.I.X (six trong tiếng Anh có nghĩa là số sáu) quen thuộc. Alonso và Busquets vẫn nắm giữ trung tuyến còn hàng thủ còn ai khác ngoài 4 cầu thủ Ramos - Pique (trung vệ), Arbeloa - Alba (2 cánh) cùng Casillas trong khung gỗ.

Bên phía Italia, ngay khi hết án treo giò, Abate, cầu thủ đang khoác áo AC Milan, đã quay trở lại đội hình và chiếm lại vị trí hậu vệ phải mặc cho Federico Balzaretti được đánh giá cao hơn về mặt phong độ. Chiellini bị đẩy sang cánh trái, hòng tạo ra sự chắc chắn, nhất là khi cánh phải của TBN do Andres Iniesta, một trong 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu "Quả bóng vàng Euro 2012" (cùng với Andrea Pirlo của Italia). Bởi thế, Bonucci lại được đá trung vệ cùng Barzagli. Tuyến giữa của Azzurri vẫn do thủ lĩnh Pirlo và hai "cộng sự đắc lực" De Rossi, Marchisio đảm nhận. Ricardo Montolivo sẽ chơi nhô cao, sát với bộ đôi tiền đạo Cassano - Balotelli nhưng anh không hẳn là một nhạc trưởng đích thực mà đơn thuần chỉ là cung cấp thêm một phương án tấn công. Trước trận, anh chàng "lắm tài nhiều tật" Balotelli khẳng định sẽ quyết tâm đoạt lấy danh hiệu "Vua phá lưới Euro 2012" và giúp đội nhà bước lên ngôi cao nhất.

Trận đấu được khởi đầu và Italia lộ ngay ý đồ dùng tấn công để "chọi" lại người TBN dù ai cũng biết, "Cuồng phong đỏ" cầm bóng siêu đến mức nào (theo thống kê, 22 trận đấu gần đây, kể từ trận gặp Đức ở chung kết Euro 2008, TBN chưa bao giờ khống chế bóng dưới 60% thời lượng). Italia cũng sớm tạo được sóng gió khi mà Sergio Ramos bật cao chặn đứng Balotelli ở trên không. Sự cởi mở của Italia nhanh chóng được TBN đáp ứng. Nhà vô địch châu Âu và thế giới cũng thi đấu khá thoáng, hào hứng, đầy sôi nổi chứ không còn mang tính "ru ngủ" (do đập - nhả quá nhiều). Chiellini đã phải xuất sắc cản phá quả tạt khó chịu của Jordi Alba còn Ramos đánh đầu vọt xà trong một tình huống phạt góc. Phút thứ 10, Xavi bật tường nhịp nhàng với Cesc trước khi tự mình tung ra pha dứt điểm căng ở gần vòng cấm và trái bóng bay sạt xà ngang trong sự tiếc nuối của nhiều CĐV TBN.

Và rồi, lúc kim đồng hồ mới chỉ sang phút 14, La Furia Roja đã vươn lên dẫn trước. Andres Iniesta ghi điểm quý giá trong cuộc chạy đua với Pirlo bằng pha chọc khe hoàn hảo cho đồng đội cùng khoác áo Barcelona, Cesc Fabregas. Sau cú bứt tốc, Cesc kịp đón được bóng ngay sát đường biên ngang và tạt vào phía trong, rất đúng tầm di chuyển xuống của Silva và ngôi sao lớn nhất Man City mùa trước nhẹ nhàng đánh đầu chéo góc, làm tung lưới Italia. Có một thống kê rất đáng lưu ý: Kể từ thất bại 2-3 trước Bắc Ai Len vào tháng 9 năm 2006, TBN toàn thắng 61 trận mà họ là đội mở tỷ số. Italia suýt tìm được bàn gỡ không lâu sau đó nếu cú sút phạt của Pirlo ở chếch bên cánh trái và cách cầu môn khoảng 20m đi chính xác hơn.

Pha lập công của Silva đã làm TBN chơi ngày một hứng khởi hơn còn khó khăn chồng chất khó khăn với người Italia sau khi Chiellini không thể tiếp tục thi đấu do chấn thương. Không còn cách nào khác, Cesare Prandelli phải tung Balzaretti vào thay. Phút 25, Pique ăn ngay tấm thẻ vàng vì pha vào bóng bằng hai chân khá quyết liệt, hạ đo ván Cassano. Mấy phút sau, thánh Iker Casillas chứng minh đẳng cấp của mình bằng pha lao ra đấm bóng ngay trên đầu Balotelli và tiếp đó, anh dễ dàng tóm gọn cú kết thúc của Cassano, xuất phát từ một tình huống Xavi bị De Rossi cướp bóng. Italia dần dâng cao đội hình mà chẳng mấy bận tâm về hậu phương. Với phương châm "cọp chết còn để lại da", Italia chẳng ngại gì mà không hết mình. Chỉ có điều, dù không quá thua thiệt về khả năng cầm bóng và nỗ lực tổ chức tấn công, Italia không dễ đe dọa được cầu môn đối phương. Phút 33, lần hiếm hoi từ đầu trận, Pirlo có đường chuyền đẹp cho Cassano nhưng tiền đạo của AC Milan đã không thể thắng nổi thủ quân TBN.

Trong tình cảnh khó khăn, Italia rất cần đến sự tỏa sáng, bùng nổ của những ngôi sao hoặc có tố chất sao. Balotelli có pha dẫn bóng dũng mãnh từ cánh trái vào trung lộ nhưng cú nã đạn của anh đạt độ chuẩn xác quá thấp. Khi mà tinh thần của Italia đang lên mức rất cao, thì họ phải chịu gáo nước lạnh toát và cơ hội lội ngược dòng cũng như đăng quang Euro 2012 gần như tiêu toan hoàn toàn. Phút 42, TBN triển khai tấn công cực nhanh từ phần sân nhà và Xavi có cú chọc khe thiên tài (nhưng lại quá tầm thường với anh bởi đơn giản, Xavi đã cống hiến vô số các đường kiến tạo tương tự) để Alba lẹ làng thoát xuống rồi không mấy khó khăn sút bóng qua người thủ môn số 1 Italia và hàng đầu thế giới trong nhiều năm trời. Đây là pha lập công đầu tiên của Alba, phát hiện lớn nhất của La Liga và ĐTQG Tây Ban Nha mùa vừa rồi. Như vậy, Alba đã có màn tự giới thiệu với Barcelona không thể hoành tráng hơn (cách đây vài ngày, "gã khổng lồ" xứ Catalan tuyên bố đã chiêu mộ thành công Alba từ Valencia). Những phút còn lại của hiệp 1 là quá ít ỏi để Italia thắp lại ngọn lửa hy vọng đã tắt ngóm ở cuối đường hầm tối đen.

Sau giờ nghỉ giải lao, Prandelli lập tức có hành động điều chỉnh nhân sự, một quyết định hết sức ... tất yếu. Lão tướng Antonio Di Natale vào thay Cassano và không mất nhiều thời gian, tiền đạo của Udinese tạo được dấu ấn với cố gắng bật nhảy đánh đầu từ quả tạt ngon ăn của Abate (cần nhớ rằng, Di Natale sở hữu chiều cao khiêm tốn). Ngay tức thì, TBN đưa ra câu trả lời. Cesc Fabregas có pha sút chìm, chệch cột dọc trong gang tấc. Phút 49, Ramos đòi trọng tài thổi phạt 11m vì cho rằng trái bóng đã trúng vào tay Bonucci nhưng ông vua sân cỏ người BĐN chẳng hề "lay động". Vài phút sau, hàng thủ TBN bị Montolivo loại bỏ bằng một đường chuyền thông minh và Di Natale rơi vào thế đối đầu với Casillas. Nhưng thật đáng tiếc, chân sút 33 tuổi này đã thất bại bởi Thánh Iker phản xạ quá nhanh. Bóng bật ra và lại là Di Natale định đưa vào cho Balotelli và mưu đồ này không thể qua mặt Casillas.

Phút 54, Fabregas khống chế quá tồi pha kiến tạo ngon ăn của Iniesta, bỏ qua cơ hội vàng để chính thức định đoạt số phận trận chung kết. HLV Prandelli mau chóng sử dụng nốt quân bài cuối cùng (Thiago Motta). Nhưng chưa kịp thể hiện được gì, tiền vệ gốc Brazil và đang đầu quân cho PSG (Pháp) phải rời sân trên cáng do đau dầy chằng. Italia đã hết quyền thay người, đồng nghĩa sẽ phải chơi trong tình cảnh "bất khả kháng" chỉ còn 10 người trên sân cho tới hết trận. Xem ra, cục diện coi như đã an bài bởi đủ người đã chẳng ăn ai, nữa là mất quân. TBN quá thoải mái điều khiển trận đấu theo ý muốn chủ quan của mình. Họ chủ động làm giảm nhịp độ chứ không nhân cơ hội để ào lên uy hiếp hòng ghi thêm bàn thắng.

Nhận thấy chiến thắng và chiếc cúp vô địch đã nằm chắc trong tay, Del Bosque thoải mái đưa Cesc ra nghỉ để có chỗ cho Fernando Torres. Thế trận chẳng biến động gì nhiều trong những phút cuối và có lẽ các cầu thủ TBN chỉ mong tiếng còi mãn cuộc để họ còn được ăn mừng tưng bừng một chiến tích vĩ đại (lần đầu tiên, có một ĐT bảo vệ thành công chức vô địch Euro. Thêm vào đó, TBN còn đoạt 3 danh hiệu lớn liên tiếp). Tuy nhiên, không vì thế mà TBN lại không có được bàn thắng thứ 3. Phút 84, lại là một cú chọc khe hoàn hảo khác của Xavi, đặt Torres vào thế "mặt đối mặt" với Buffon và cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử đảo quốc sương mù bình tĩnh hạ gục thủ thành Italia để lập nên kỳ tích: Cầu thủ đầu tiên ghi bàn trong 2 trận chung kết Euro. Chẳng những lập công, El Nino còn có pha kiến tạo để người đồng đội cùng sát cánh tại Chelsea, Juan Mata đưa tên lên bảng điện tử ngay khi vào sân được vài phút (hôm nay, cũng là lần đầu tiên kể từ đầu Euro 2012, Mata được ra sân thi đấu). Khoảng thời gian bù giờ, Ramos có cú giật gót đầy ngẫu hứng, buộc Buffon phải ra tay. Dẫu sao kết quả 4-0 là quá nặng nề và nằm ngoài dự đoán của tất cả.

Vậy là, chiếc cúp vô địch Euro sẽ ở lại xứ sở bò tót thêm tối thiểu 4 năm nữa và có lẽ, trong tương lai gần, chẳng có đội nào đủ sức địch lại TBN ở khu vực châu Âu, thậm chí xét rộng ra cả phạm vi thế giới thì TBN nghe chừng vẫn "vô đối". Hai năm nữa sẽ là World Cup 2014 được tổ chức tại Brazil và nếu TBN lại bảo vệ được vị trí số 1 thì hãy tin rằng đến cả thế hệ vàng của bóng đá Brazil với 3 chức vô địch World Cup cũng không thể sánh bằng Tây Ban Nha phiên bản tiqui-taka.

Đội hình thi đấu
Tây Ban Nha:
Casillas, Arbeloa, Pique, Ramos, Alba, Busquets, Xavi, Alonso, Iniesta (Mata 87'), Silva (Pedro 57'), Fabregas (Torres 75')
Italia: Buffon, Abate, Barzagli, Bonucci, Chiellini (
Balzaretti 21'), Pirlo, Marchisio, De Rossi, Montolivo (Motta 57'), Cassano (Di Natale 46'), Balotelli

  • Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

VIDEO: Cristiano Ronaldo phát biểu hùng hồn sau chức vô địch Euro 2016

VIDEO: Cristiano Ronaldo phát biểu hùng hồn sau chức vô địch Euro 2016

VIDEO: Cristiano Ronaldo phát biểu hùng hồn sau chức vô địch Euro 2016

Khoảng thời điểm này ba năm trước, Trận chung kết Euro 2016, Bồ Đào Nha đánh bại Pháp đầy bất ngờ với bàn thắng duy nhất của Eder trong hiệp phụ thứ hai. Cristiano Ronaldo phải rời sân từ khá sớm do chấn thương. Nhưng anh đã nói gì với đồng đội và BHL sau chiến thắng lịch sử này?

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

Tương lai nào cho các ngôi sao Real Madrid sau Euro 2012?

Tương lai nào cho các ngôi sao Real Madrid sau Euro 2012?

Tương lai nào cho các ngôi sao Real Madrid sau Euro 2012?

Real Madrid chính là đội bóng ấn tượng nhất ở Euro 2012 khi họ sở hữu đến 10 cầu thủ tại vòng bán kết Euro 2012. Tuy nhiên, không ngôi sao nào đạt được danh hiệu cá nhân tại Ba Lan-Ukraine và đó là điều mà những người yêu mến “Kền kền trắng” chạnh lòng...

Chiến thuật ở EURO 2012: Sự lên ngôi của trường phái Nam Âu

Chiến thuật ở EURO 2012: Sự lên ngôi của trường phái Nam Âu

Chiến thuật ở EURO 2012: Sự lên ngôi của trường phái Nam Âu

Việc 3 trong 4 đội bóng có mặt ở vòng bán kết đều là các đội thuộc Nam Âu và Tây Ban Nha bảo vệ thành công vương miện EURO tiếp tục cho thấy sự thống trị của trường phái kỹ thuật và đề cao quyền sở hữu bóng trước lối chơi kiểu khoa học và đề cao sức mạnh kiểu Bắc Âu, hay bài miếng cổ điển kiểu Đông Âu.

Xavi: Trái tim Tây Ban Nha

Xavi: Trái tim Tây Ban Nha

Xavi: Trái tim Tây Ban Nha

Khi còn là một cậu bé, Xavi Herandez chỉ thích giữ gôn. Còn bây giờ, anh là trái tim của đội tuyển Tây Ban Nha trong cả ba chiến thắng vang dội vừa rồi giúp đội bóng áo đỏ đi vào lịch sử. Những đường chuyền như có khả năng ngoại cảm của anh khiến các đồng đội của Xavi ca ngợi, không hề quá rằng anh “chơi bóng với cỗ máy thời gian”.

Từ bộ não Xavi, đôi mắt Oezil đến chân phải siêu đẳng của Ronaldo...

Từ bộ não Xavi, đôi mắt Oezil đến chân phải siêu đẳng của Ronaldo...

Từ bộ não Xavi, đôi mắt Oezil đến chân phải siêu đẳng của Ronaldo...

Mỗi cầu thủ đều sở hữu một phẩm chất riêng, một tài năng đặc biệt để làm nên tên tuổi của họ. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta kết hợp các khả năng của họ lại với nhau trong một hình hài cụ thể? Nhân dịp EURO 2012 vừa kết thúc, trang Goal đã tạo ra một cầu thủ hoàn hảo của bóng đá châu Âu bằng cách kết hợp từng bộ phận của các danh thủ hàng đầu lại với nhau.

Xem thêm
top-arrow
X