EURO 2008 đã diễn ra vô cùng hấp dẫn với sự thống trị của trường phái tấn công. Nhưng EURO 2012 có thể sẽ đi theo chiều hướng ngược lại bởi chủ nghĩa thực dụng dường như đã tái xuất.
Chơi tấn công là một phương án thu hút các CĐV hữu hiệu nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, không dễ để theo đuổi trường phái này. Người Đức phải mất tới 10 năm, dồn toàn tâm lực, đổ cả núi tiền vào công tác đào tạo trẻ mới chuyển đổi thành công từ một cỗ xe tăng lạnh lùng thành một đội bóng chơi quyến rũ như hiện nay. Ngay cả khi đã đầu tư khủng khiếp như vậy, khả năng gặp rủi ro cũng luôn ở mức rất cao. Trận thua 1-7 của Leverkusen trước Barcelona ở Champions League mùa vừa qua có thể xem là một thất bại điển hình của những kẻ dám liều mạng tấn công.Hà Lan sẽ chơi chặt chẽ với bộ đôi Van Bommel và De Jong
Nếu khôn ngoan chọn cách dựng “xe bus hai tầng” trước khung thành, những đội bóng trung bình như Leverkusen đã không bị vùi dập khủng khiếp như vậy. Còn nhớ tại các vòng knock-out World Cup 2010, dù luôn tấn công như một cơn lốc đỏ, Tây Ban Nha cũng chỉ có thể đánh bại được các đối thủ chủ trương phòng ngự với tỷ số 1-0. Thế nên sẽ không bất ngờ nếu ở EURO 2012 sẽ chứng kiến một loạt đội bóng “giơ mình chịu đấm” với phần đông cầu thủ ở phần sân nhà.
Ở những bảng tử thần như B và C, đây gần như sẽ là lựa chọn duy nhất của các đội bóng nhỏ. Ở cùng bảng với Bồ Đào Nha, Đức và Hà Lan, Đan Mạch sẽ trở thành sọt đựng bóng nếu dám chơi đôi công. Còn Cộng hòa Ireland cũng sẽ khó có thể đi tiếp nếu vẫn giữ phong cách tấn công đơn giản kiểu Anh truyền thống trong bảng đấu có TBN, Italia và Croatia. Dựng xe bus hai tầng, phát bóng thật mạnh cho các tiền đạo xoay xở, tận dụng tình huống cố định và chờ may mắn mỉm cười sẽ dễ mang lại thành công hơn lao lên tấn công như thiêu thân.
Ở bảng A, nơi các đội bóng khá ngang tài, tình trạng lấy thủ làm trọng thậm chí sẽ rõ nét nhất. Đội chủ nhà Ba Lan sẽ chơi thận trọng để tránh bị loại ngay từ vòng bảng. Còn Hy Lạp, từng lên ngôi với “đặc sản” phòng ngự và đang sở hữu nhiều hậu vệ tài năng, chắc chắn sẽ lại theo đuổi lối chơi này. Czech và Nga từng một thời là tín đồ của bóng đá tấn công nhiều khả năng cũng sẽ chơi thực dụng bởi đang thiếu các chân sút tài, lại sở hữu những thủ môn giỏi. Czech là đội lọt vào vòng chung kết lần này với hàng công kém cỏi nhất: Chỉ ghi được 12 bàn ở vòng sơ loại.
Chiến thắng nhờ “giơ mình chịu đấm” vừa qua của Chelsea sẽ càng thúc đẩy một số đội bóng, từ nhỏ tới lớn, chơi phòng ngự để giành được vinh quang. Tuyển Anh với một lực lượng nát bươm, lại mất Wayne Rooney trong hai trận đầu, cùng một HLV mới nhậm chức chắc chắn sẽ copy mô hình của Chelsea. Trong những trận giao hữu gần đây, “Tam sư” đã thi đấu chặt chẽ và gặt hái được những kết quả khả quan nên không có lý do gì HLV Roy Hodgson phải thay đổi. Thực tế cũng cho thấy trong những năm gần đây, tuyển Anh dưới thời Sven Goran Eriksson luôn chơi phòng ngự khó chịu mới là đội có thành tích tốt nhất (đều vào tứ kết và bị loại trong thế ngang ngửa với đối thủ).
“Đội bóng Thiếu lâm” Hà Lan với thành công tương đối tại World Cup 2010 nhờ lối chơi chặt chém chắc hẳn sẽ tiếp tục sử dụng món võ này bởi nếu HLV Bert van Markwijk quay trở lại tấn công tức đã phủ nhận hoàn toàn công trình mình dày công xây dựng. Bên cạnh đó, dù sở hữu Robin van Persie và Klaas Jan Huntelaar, hai Vua phá lưới của những giải hàng đầu châu Âu, nhưng “Oranje” cũng không đủ lực để quay trở lại lối đá tấn công hoa mỹ. Ở vòng loại, tuy Hà Lan ghi được 37 bàn nhưng có đến…25 vào lưới San Marino và Hungary.
Trước sự bành trướng của chủ nghĩa thực dụng, mối lo lắng về một kỳ EURO tẻ nhạt đã xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đội bóng theo trường phái tấn công như Bồ Đào Nha, Đức hay Tây Ban Nha. Sự đối lập giữa hai trường phái thậm chí có thể sẽ khiến giải vô địch châu Âu lần này diễn ra sôi động hơn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)