Cảm giác nổi bật nhất mà đội tuyển Đức đem lại cho người xem trong trận thắng BĐN là sự chờ đợi. Chờ đợi một thế trận tốc độ và giàu màu sắc của họ. Chờ đợi những pha phối hợp như được lập trình, sắc nét và bài bản. Chờ mãi mà không đến, dù bàn thắng đã xuất hiện khi trận đấu chỉ mới trôi qua 3/4 thời lượng. Như đợi chờ Godot.
Godot đã không đến, cho đến cuối vở kịch “Đợi chờ Godot” của kịch tác gia Samuel Beckett. Một đội tuyển Đức trình diễn cũng đã lạc lối ở đâu đó, trong suốt 90 phút nhạt nhẽo và buồn tẻ. 10 phút đầu, với một thế trận rời rạc và thiếu sinh khí, chúng ta tự hỏi rằng họ chưa nóng máy hay chăng? Thêm 20 phút, cơ hội đã xuất hiện, nhưng lác đác và bột phát. Phút cuối cùng của hiệp một, khi xà ngang và cả số phận khung thành của họ “run” lên bần bật sau cú đá của Pepe, thì các CĐV Đức đã bắt đầu chuyển từ chờ đợi nét đẹp xuất hiện trong lối chơi sang lo lắng cho đội tuyển Đức.
àn thắng đã đến, nhưng phong cách thì không
Và ngay cả khi Mario Gomez đánh đầu mở tỉ số cho người Đức, thì khoảnh khắc ấy giống như một sự giải tỏa, hơn là niềm vui vỡ òa. Khi tiếng còi kết thúc 90 phút vang lên, thì đó cũng giống như một sự “giải thoát” cho tất cả chúng ta, khỏi một trận cầu nhạt nhẽo và không có quá nhiều điểm nhấn. Nếu đặt một “gánh nặng” phải trình diễn lên vai Đức, một đội tuyển đã nhận được rất nhiều lời tụng ca suốt nửa thập kỷ qua vì cuộc cách mạng tấn công của họ, thì rõ ràng đội bóng của HLV Joachim Loew đã làm chúng ta phải thất vọng.
Không trình diễn, cũng chẳng thực dụng
Những người tích cực có thể cho rằng bàn thắng duy nhất của Mario Gomez là một khoảnh khắc gợi nhớ lại sự thực dụng vốn có của người Đức: Không phải những bài tấn công ít chạm tinh xảo, Đức chỉ đưa bóng xuống biên và tạt vào cho Gomez ghi bàn khá đơn giản. Không chơi hay như ở vòng loại và trong những trận giao hữu tưng bừng, nhưng người Đức vẫn biết cách chiến thắng.
Đó thậm chí có thể xem như một dấu hiệu đáng mừng, trong bối cảnh người Đức đang phải đặt ra những nghi ngờ về sự suy giảm bản sắc. Nhưng có phải đó là một chiến thắng thật sự được xây dựng từ bản lĩnh?
Đội tuyển Đức cổ điển cũng luôn bắt chúng ta phải chờ đợi, nhưng là một sự chờ đợi có ý thức định hướng rõ ràng và ổn định như những sản phẩm của một nhà máy công nghiệp: Họ thường chơi chắc chắn trong phần lớn thời gian thi đấu, rồi chỉ thực sự bung sức vào cuối trận (thật trùng hợp, thời điểm Gomez ghi bàn vào lưới BĐN vốn là thời điểm bắt đầu của khoảng thời gian mà đội tuyển Đức “cổ điển” hay chọn để bung sức). Đội tuyển Đức vào rạng sáng qua bắt chúng ta chờ đợi trong sự thất vọng, với cái cách mà họ bất lực với việc triển khai lối chơi quen thuộc đã được xây dựng trong 5-6 năm qua, đánh mất tốc độ, sự nhuần nhuyễn, và đáng tiếc nhất là cả nhiệt huyết chơi bóng.
Nếu cho rằng chiến thắng ấy được xây dựng dựa trên sự thực dụng, thì cũng không phải. Đội tuyển Đức “cổ điển” vốn kìm hãm cực tốt sự hưng phấn trong lối chơi chung của đối phương, còn đội tuyển Đức rạng sáng qua thậm chí không thể kìm hãm nổi những phút hưng phấn cá nhân của một đội tuyển BĐN rời rạc, với ngôi sao lớn nhất (C. Ronaldo) lại tỏ ra nhút nhát trước một đối thủ mạnh. Hai lần bóng đập xà ngang khung thành Manuel Neuer và vài cơ hội ngon ăn khác bị người Bồ bỏ lỡ, trong một thế trận phòng ngự không hề kín kẽ, tất cả “tố cáo” sự nửa vời của tuyển Đức.
Đây đơn giản là một trận đấu mà đội Đức không thể thi triển được những gì họ đã vận hành một cách suôn sẻ và liên tục trong nửa thập kỷ tấn công vừa qua. Đó là điều đáng lo ngại, vì “hiện tượng” này xuất hiện khi những nghi ngờ về bản lĩnh của được đặt ra thời gian gần đây. Một sự hoang mang manh nha của một nền bóng đá đang ngỡ mình ở gần chiếc vương miện của một cuộc cách mạng.
Chúng ta sẽ chờ đợi thêm đội Đức ở những trận đấu tiếp theo để kiểm chứng sự kiên định của họ. Nếu đội Đức vẫn bị lâm vào một trạng thái hoang mang như thế này, thì đợi chờ họ cũng giống như cho đến cuối vở kịch “Đợi chờ Godot”, chẳng ai biết Godot là ai. Một con người? Một lý tưởng? Một đổi thay? Hay đơn giản là sự dở dang mãi mãi?
* Đợi chờ Godot là vở kịch tiếng Anh được đánh giá là đáng lưu ý nhất thế kỷ XX của Samuel Beckett, kịch tác gia đã từng đoạt giải Nobel văn học năm 1969, kể về hai người đàn ông cả đời chờ đợi một nhân vật không quen biết tên là “Godot”. Cho đến khi vở kịch kết thúc, Godot không đến, và cũng chẳng ai biết Godot là ai.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)