Những pha đập nhả ăn ý, tỷ lệ kiểm soát bóng cao và 2 bàn thắng trong hiệp một trận bán kết đêm qua cho thấy Italy đã học hỏi được rất nhiều từ lối chơi tiqui-taca của Tây Ban Nha.
Hôm 10/6, trên kênh BBC, cựu cầu thủ Danny Mills bình luận về trận Italy - Tây Ban Nha: “Italy có hiệp một khác thường và chiến thuật đúng đắn. Nếu cứ chơi tốt như thế, họ sẽ là mối đe dọa đáng sợ cho mọi đối thủ”.
Có Pirlo, Italy thường chiếm ưu thế trong khâu kiểm soát bóng và tổ chức tấn công.
Nhận xét của Mills không chỉ đúng với đội tuyển Anh "ruột thịt", mà còn đúng với cỗ xe tăng Đức. Trong trận mở màn với Tây Ban Nha, Italy đạt tỷ lệ chuyền bóng thành công 76%, chỉ kém 12% so với các nhà đương kim vô địch. Trong hai trận thắng Anh và Đức, đoàn quân thiên thanh thậm chí còn đạt tỷ lệ cao hơn. Nói cách khác, Italy đang chơi tiqui-taca thành công chẳng kém Tây Ban Nha.
Với sự hiện diện của Andrea Pirlo, cầu thủ có khả năng chuyền bóng và nhãn quan chiến thuật không thua Xavi hay Iniesta, Italy đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho đối thủ từ hàng tiền vệ. Các cầu thủ áo xanh thường đập nhả “ru ngủ” ở giữa sân, chờ hậu vệ đối phương lỡ nhịp, sau đó bất ngờ tăng tốc, tạt bóng hoặc chuyền dài cho tiền đạo cắm. Bàn thắng vào lưới Tây Ban Nha trong trận ra quân và cả hai bàn thắng của Balotelli đều được thực hiện bằng chiến thuật này. Trong tình huống ghi bàn đầu tiên vào lưới Đức, Cassano xoay người khéo léo đủ khiến hàng thủ đối phương lỡ nhịp trước khi tạt bóng cho số 9 đánh đầu thoải mái ngay trước mặt thủ môn Neuer. Trong tình huống ghi bàn thứ hai, Italy lại tận dụng thành công một sai lầm của Đức, chuyền dài cho Balotelli dứt điểm trong tư thế đối mặt Neuer. Hai bàn thắng khác nhau nhưng đều xuất phát từ “biến thể” tiqui-taca với mục tiêu làm chủ khu trung tuyến.
Trước trận bán kết, HLV Cesare Prandelli từng thừa nhận Đức có lối chơi nguy hiểm và thể lực tốt hơn. Nhưng cựu chiến thuật gia Fiorentina cũng khẳng định Italy sẽ chủ động tấn công. “Biến thể” tiqui-taca trong hiệp một đã chứng minh cho phát biểu của Prandelli. Và khi thể lực giảm sút, đoàn quân thiên thanh nhanh chóng quay về lối chơi phòng ngự phản công truyền thống trong hiệp hai. Việc thay đổi chiến thuật linh hoạt có thể là điểm mạnh của Italy so với Tây Ban Nha - đội trung thành với tiqui-taca ngay cả khi dẫn trước 4-0.
Sự kiện Italy và Tây Ban Nha cùng vào chung kết, kết quả bất ngờ so với dự đoán đầu giải, đã cho thấy kiểm soát bóng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng lối chơi. Đoàn quân thiên thanh đã học hỏi được rất nhiều từ tiqui-taca, đồng thời khiến nó trở nên khó nắm bắt hơn khi kết hợp với chiến thuật phòng ngự phản công truyền thống. Không phải ngẫu nhiên mà sau trận mở màn, Fabregas đã hẹn tái ngộ Italy trong trận chung kết.
(Theo Vnexpress)