Cuối cùng thì Roy Hodgson và các học trò đã phải dừng bước tại Euro 2012 theo kịch bản quen thuộc nhất với họ: thua trên chấm luân lưu. Tuy nhiên, người Anh có quyền mơ mộng về những điều tốt đẹp hơn trong tương lai gần khi niềm tin đã được thắp lại.
Thật ra, không nên chỉ trích “Tam Sư” chỉ vì lối chơi phòng ngự theo kiểu xe bus hai tầng mà họ sử dụng tại Ba Lan và Ukraine năm nay. Thành công nhiều lúc được đong đếm bằng kết quả và với vô vàn sao quả tạ chiếu lên trước thềm Euro 2012, việc Roy Hodgson hướng tuyển Anh đến lối đá thiên về sự chắc chắn trên phần sân nhà cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài bất lợi khi không có nhiều thời gian làm quen và thử nghiệm đội hình do bổ nhiệm vội vàng Roy Hodgson, “Tam Sư” còn gặp khó khăn từ một loạt những ca chấn thương quá đáng tiếc (đây cũng là một “truyền thống” đen đủi khác của người Anh bên cạnh đá 11 mét) của Frank Lampard, Gareth Barry, Jack Wilshere, Kyle Walker hay Gary Cahill.Tuyển Anh đã phải hứng chịu rất nhiều ca chấn thương đáng tiếc trước thềm Euro
Rất không may cho xứ sương mù khi hầu hết các trường hợp vắng mặt của họ đều tập trung vào vị trí tiền vệ trung tâm, nơi đóng vai trò trọng yếu trong việc kiểm soát và điều tiết nhịp độ trận đấu. Và quả thật, hai cái tên mà Roy Hodgson đo ni đóng giày ở tuyến giữa ở giải đấu này đều đã thể hiện đúng với “đẳng cấp” của họ.
Nếu như Steven Gerrard ngoài tầm ảnh hưởng của một thủ quân còn cho thấy được đẳng cấp siêu sao của mình ở những thời khắc quyết định bằng 3 đường kiến tạo cho các đồng đội lập công thì đối tác của anh là Scott Parker lại thi đấu khá nhạt nhòa.
Tiền vệ của Tottenham chạy rất nhiều trên sân và dĩ nhiên tất cả các CĐV của “Tam Sư” đều trân trọng những nỗ lực đó của Parker. Tuy nhiên, hạn chế và mặt tư duy chiến thuật lẫn thể lực (do phải cày ải quá nhiều mùa giải qua ở tuổi 32) đã khiến Parker chơi không mấy hiệu quả, đặc biệt là khi cần theo kèm một “nhà ảo thuật” như Andrea Pirlo.
Hơn nữa, một mình Gerrard là không đủ để vừa quán xuyến khu trung tuyến, vừa nhận nhiệm vụ tổ chức tấn công trong sơ đồ 4-4-2 được. Nếu được đá cặp với Jack Wilshere thì chắc chắn Gerrard sẽ phát huy được nhiều hơn nữa khả năng tấn công và kiến tạo của mình.
Scott Parker là mẫu cầu thủ thuộc diện “ong thợ” và ít có khả năng sáng tạo dù vậy, vấn đề này sẽ được cải thiện trong tương lai khi người Anh được hưởng lợi từ sự trưởng thành của Jack Wilshere hay Jack Rodwell. Thất bại ở VCK Euro 2012 sẽ càng thôi thúc “Tam Sư” trao nhiều cơ hội hơn cho lớp trẻ, đặc biệt là ở vị trí mà luôn làm họ đau đầu nhiều năm qua như tiền vệ trung tâm.
Đó là câu chuyện ở hàng tiền vệ còn tại “hậu phương”, tuyển Anh thực sự đã thoát ra khỏi nỗi ám ảnh thế kỉ mang tên thủ môn với sự chói sáng của Joe Hart. “Người gác đền” này thậm chí còn mang lại cảm giác an tâm hơn kể cả khi đặt bên cạnh tiền bối David Seaman, thủ thành “khá khẩm” nhất của người Anh khoảng 2 thập kỉ trở lại đây, chứ đừng nói là những thảm họa kiểu Robert Green hay Paul Robinson.
Hơn nữa, Joe Hart chỉ mới 25 tuổi và được thi đấu ở một môi trường giàu tính cạnh tranh như Man City cho nên chắc chắn anh sẽ còn tiến bộ nhiều nữa. Tương tự, người Anh còn có quyền chờ đợi và tin tưởng vào sự trưởng thành từ lứa trẻ như Kyle Walker, Phil Jones hay Chris Smalling trong tương lai.
Ngay cả trên hàng công - tuyến đã chơi có phần “thầm lặng” ở giải đấu này, những sự tiến bộ của Danny Welbeck, Andy Carroll trong tương lai bên cạnh ngôi sao lớn nhất Wayne Rooney là tín hiệu vui với đoàn quân của Roy Hodgson. Dù vậy, rõ ràng “Tam Sư” cần một cú hích lớn ở tuyến đầu với nhiều hơn những làn gió mới kiểu Alex Oxlade-Chamberlain, kiểu cầu thủ trẻ sở hữu kĩ thuật, tốc độ lẫn khả năng tạo đột biến cao.Sự đoàn kết và ít bị truyền thông soi mói là điều cần thiết với “Tam Sư” ở các giải đấu lớn trong tương lai
Bên cạnh chất lượng đội hình, người Anh còn rút được khá nhiều kinh nghiệm quý giá từ chuyến phiêu lưu dù có phần ngắn ngủi hè này. Chưa bao giờ dư luận thấy một tuyển Anh ít ồn ào như thế và việc ít bị giới truyền thông “chăm sóc” đã giúp họ bớt đi được những áp lực đè nặng như các giải đấu khác.
Ngoài ra, quyết định loại Rio Ferdinand của Roy Hodgson cũng tỏ ra hợp lí bởi dù mất đi một trung vệ có đẳng cấp nhưng bù lại, “Tam Sư” có được bầu không khí đoàn kết và tránh mâu thuẫn không đáng có trong lòng đội tuyển. Tấm gương thảm bại của tuyển Pháp ở World Cup 2010 và Euro 2012 đúng là lời cảnh tỉnh cho mọi HLV nào còn muốn “nhẹ nhàng” và thỏa hiệp với những mầm mống của sự nổi loạn.
Một tuyển Anh đoàn kết và đồng lòng là điều người ta đã muốn được thấy từ lâu. Hãy nhìn vào cách Theo Walcott động viên Ashley Young, Ashley Cole hay việc thủ quân Steven Gerrard an ủi các đồng đội sẽ thấy được những thay đổi từ trong lòng tuyển Anh lúc này.
Cơn khát danh hiệu kéo dài hơn nửa thế kỉ của người Anh vẫn chưa được đền đáp bởi bóng ma quá khứ từ những cú sút 11 mét định mệnh song giải đấu ở Ba Lan và Ukraine vừa qua sẽ là những viên gạch đầu tiên trong công trình xây dựng một “Tam Sư” tươi mới.
Sau thất bại muối mặt trước Đức ở Nam Phi 2 năm trước, lần này tuyển Anh tiếp tục phải dừng cuộc chơi từ khá sớm nhưng chính những “hạt giống” niềm tin đã gieo ở Euro 2012 này sẽ là nguồn động viên lớn lao cho Rooney và các đồng đội để chinh phục những vinh quang trong tương lai.
(Theo Dân Trí)