'Brazil của châu Âu' sở hữu các cầu thủ đá cánh xuất sắc, nhưng thiếu một nhạc trưởng đủ tầm bao quát, truyền cảm hứng sáng tạo cho lối chơi.
Sự thiếu vắng một tiền vệ đủ tầm để lĩnh trọng trách của một số 10 đang là vấn đề nhức nhối của tuyển Bồ Đào Nha. Cộng thêm việc thiếu một trung phong đáng tin cậy, đây là một trong những lý do khiến lối chơi của Bồ Đào Nha trở nên thiếu độ độ biến và khả năng bùng nổ cần thiết khi hướng đến trận ra quân Euro 2012 gặp Đức hôm nay.
Trong cả ba trận giao hữu gần nhất, Bồ Đào Nha đều bất khả chiến thắng và phơi bày rõ những hạn chế kể trên khi chỉ ghi được vẻn vẹn một bàn. Trước khi thua Thổ Nhĩ Kỳ 1-3 trong cữ dượt chót cho Euro 2012, họ lần lượt hòa Ba Lan rồi Macedonia với cùng tỷ số 0-0.Ronaldo và Nani chơi tốt, nhưng không thể lấp đầy khoảng trống ở vị trí tiền vệ dẫn dắt lối chơi
Mạch ba trận không thắng trên là báo động đỏ và cho thấy cuộc khủng hoảng nhân sự ở vị trí tiền vệ dẫn dắt lối chơi vốn bắt đầu từ khi Deco kết thúc sự nghiệp sau World Cup 2010, nay đã lên đến đỉnh điểm. Trước đó, suốt sáu năm, từ 2004, bằng khả năng và sức sáng tạo thiên bẩm, cầu thủ gốc Brazil này đã truyền lửa rất hiệu quả cho lối chơi của Bồ Đào Nha. Có Deco, họ không chỉ vơi đi nỗi nhớ về một Rui Costa - số 10 xuất sắc từ Euro 1996 và là hạt nhân trong lần đội về nhì ở Euro 2004 trên sân nhà, mà còn xuất sắc vào tới bán kết World Cup 2006.
Nhưng giờ thì tất cả chỉ còn là hoài niệm. Tuyển Bồ Đào Nha hiện tại không có một "số 10" nào ở đẳng cấp thế giới - tương tự kiểu Mesut Oezil bến phía đối thủ Đức hôm nay - để đóng vai trò hòa nhịp, dẫn dắt hàng công.
Bên cạnh đó, Bồ Đào Nha cũng thiếu một tay săn bàn đủ chất lượng, năng lực và đây là lý do khiến họ khan hiếm bàn thắng đến cùng cực trong quá trình chuẩn bị cho Euro 2012.
Cristiano Ronaldo từng ghi tới 60 bàn ở Real Madrid mùa vừa qua và được xem như niềm tự hào của bóng đá Bồ Đào Nha thời hậu thế hệ vàng của Rui Costa, Figo, Conceicao, Baia... Nhưng cũng như đàn em, đồng đội Nani, Ronaldo chỉ là một cầu thủ đá cánh. Cả hai đều chơi rất nỗ lực, gây ấn tượng mạnh ở các tình huống đi bóng, qua người, xuyên thủng tuyến phòng ngự đối phương trước khi dứt điểm hoặc chuyền bóng. Nhưng họ chưa thể và có lẽ, không bao giờ làm thay được nhiệm vụ của một nhà đạo diễn lối chơi, hoặc một trung phong lãnh trách nhiệm chính trong việc ghi bàn.
Khi lên danh sách sơ bộ chuẩn bị cho Euro 2012, HLV Paulo Bento đã nhắm Carlos Martins - cầu thủ của Benfica đá cho Granada ở La Liga mùa vừa qua. Nhưng đến thời điểm tập trung, Martins lại không kịp bình phục chấn thương cơ và Bento vì thế phải gạt "số 10" này khỏi danh sách đi Ba Lan - Ukraine.
Sự cố này buộc Paulo Bento phải chắp vá bằng các phương án B, với việc để Joao Moutinho và Raul Meireles cùng san sẻ, luân phiên vào vai một tiền vệ công trong sơ đồ 4-3-3. "Chúng tôi đến đây để cống hiến hết khả năng, bất kể đá ở vị trí nào. HLV sẽ quyết định đặt chúng tôi ở vị trí nào mà ông ấy thấy có thể đem lại hiệu quả cao nhất", Moutinho nói trước khi lên đường sang Ukraine.
Nhưng sự khiên cưỡng thể hiện rõ trong cách chơi của bộ đôi kể trên, vì cả hai sở trường chỉ là những tiền vệ trung tâm thuần túy. Moutinho thuộc tuýp cầu thủ công nhân, lấy sự cần mẫn làm tiêu chí hàng đầu, hơn là một nghệ sĩ có những khoảnh khắc thăng hoa sáng tạo. Thậm chí anh này còn thiếu sự định và bị chê là thiếu luôn cả tham vọng. Khi Bồ Đào Nha dự World Cup 2010, Moutinho từng bị HLV khi đó là Carlos Queiroz bỏ rơi. Hơn nữa, với kinh nghiệm đỉnh cao chỉ gói gọn trong màu áo hai CLB trong nước là Sporting Lisbon rồi Porto, cầu thủ 25 tuổi này bị cho là dễ bị "cóng" khi bước ra các sân chơi lớn.
Meireles có thiên hướng phòng ngự, chơi thiên về sức mạnh và là được xem như một chốt chặn từ giữa sân, hơn là người truyền cảm hứng sáng tạo, sự tinh tế cho cách chơi của cả đội. Hugo Viana, người được gọi bổ sung thay Carlos Martins, thì chỉ đơn thuần là một phương án lấp khoảng trống, không tạo đủ niềm tin cần thiết.
Nếu không cầu thủ nào đủ khả năng đeo vừa chiếc áo "số 10", nếu các tiền đạo vẫn tiếp tục vô duyên như ba trận giao hữu gần đây, có lẽ chẳng quá khó để nhìn ra một kết cục bi kịch cho Bồ Đào Nha khi họ nằm chung bảng tử thần với Đức, Hà Lan và Đan Mạch.
(Theo Vnexpress)