Đức và Italia là 2 trong số 3 đội bóng (cùng TBN) đang có màn trình diễn được đánh giá là ấn tượng nhất tại EURO 2012. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cả hai đã hoàn toàn sẵn sàng cho trận bán kết vào ngày 29/6 tới…
Italia đã vượt qua Anh một cách xứng đáng. dù vậy, trận đấu với Tam sư cho thấy đội bóng của HLV Prandelli vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề lớn trên hàng công. Cả trận, Italia tạo ra tới 35 tình huống uy hiếp với 20 lần trong số đó đưa bóng đi trúng đích. Tuy nhiên, kết thúc 120 phút, Azzurri vẫn không thể ghi bàn. Đó là một hiệu suất đáng báo động, nhất là khi trong những cơ hội đó, có cả những tình huống đá ra ngoài còn khó hơn vào trong.
HLV Prandelli vẫn còn nhiều việc phải làm để ĐT Italia sắc bén hơn
Balotelli đã chơi tích cực nhưng tính hiệu quả thì lại cực thấp. Trong khi Cassano chơi khá mờ nhạt. Vũ khí sút xa cũng được Italia sử dụng nhưng ngoại trừ pha dứt điểm dội cột dọc của De Rossi ở đầu trận thì hầu hết những cú sút còn lại đều vô hại. Ngay cả tình huống Diamanti đưa bóng chạm cột dọc lần thứ hai, đó cũng chỉ là một pha bóng may mắn khi chủ ý của cầu thủ này là… tạt vào trong.
Nhưng sự kém cỏi trong tấn công của Italia không chỉ thể hiện ở trận đấu với Anh mà còn xuyên suốt hành trình EURO 2012. Cụ thể, trong 4 lần Azzurri làm rung lưới đối phương, chỉ 1 lần bàn thắng đến sau tình huống tổ chức tấn công (bàn thắng ở trận hòa Tây Ban Nha 1-1). 3 bàn còn lại đều đến từ những pha bóng cố định với quả sút phạt thành bàn của Pirlo (hòa Croatia 1-1), hai tình huống Cassano và Balotelli kết thúc thành công những quả đá phạt góc (2-0 với Ireland).
Không quá đau đầu như Prandelli nhưng người đồng nghiệp Joachim Loew bên phía Đức cũng gặp những vấn đề trên hàng công. Với 9 bàn thắng sau 4 trận đã đấu, Mannschaft đang là đội bóng sở hữu hàng công hiệu quả nhất EURO 2012. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các chân sút của Đức đã khiến Loew hoàn toàn yên tâm. Trước trận bán kết với Italia, vẫn chưa biết Loew sẽ sử dụng bộ ba Podolski - Gomez - Mueller hay Schuerrle - Klose - Reus. Bộ ba đầu tiên phù hợp hơn với lối chơi chặt chẽ và toan tính trong khi tam tấu thứ hai được ưu tiên trong thế trận tấn công bùng nổ.
Với Schuerrle, Klose và Reus, Đức đã ghi tới 4 bàn vào lưới Hy Lạp. Thế nhưng, đó là trận đấu mà các chân sút của Mannschaft đã phung phí rất nhiều cơ hội ngon ăn. Chưa kể, việc tin dùng hai cầu thủ trẻ Schuerrle và Reus trong trận đấu quan trọng, trước đối thủ kỵ giơ, cũng sẽ là một nước cờ mạo hiểm của Loew. Chẳng có gì đảm bảo hai cầu thủ non kinh nghiệm này tiếp tục tỏa sáng. Nhưng dù sao thì so với Prandelli, cơn đau đầu của Loew cũng dễ chịu hơn nhiều!
(Theo báo Bóng Đá)