Giới chuyên môn có thể rút ra khá nhiều bài học thú vị, liên quan đến vấn đề chiến thuật, từ những gì đã thể hiện tại EURO 2012. Ngoài các sơ đồ chiến thuật (4-3-3, 4-2-3-1, 4-4-2…) hoặc quan điểm xuyên suốt (thiên về tấn công hay phòng ngự, chơi cá nhân hay phối hợp nhóm…) thì bóng đá còn được quyết định bởi các mảng, miếng chiến thuật trong từng trường hợp cụ thể.
1.Nên có nhiều tiền đạo, hoặc… không dùng tiền đạo
Tất nhiên, không dùng tiền đạo, như cách chơi của TBN, chỉ là một cách nói ước lệ. Họ vẫn bố trí tiền vệ Cesc Fabregas vào vị trí của một tiền đạo và giao cho anh vai trò của một tiền đạo. Nhưng rõ ràng, đấy là cách chơi không cần tiền đạo đích thực. Nhược điểm của cách chơi này là có rất nhiều tình huống, các tiền vệ TBN rơi vào vị trí có thể tính chuyện ghi bàn (bằng cách đột phá, lừa bóng qua người hoặc tung luôn cú dứt điểm), nhưng họ lại chỉ tiếp tục phối hợp. Đấy là tư duy chơi bóng của một tiền vệ.
Mặt khác, vì không có tiền đạo thực thụ nên TBN không có cầu thủ giỏi “chạy chỗ” để nhận lấy đường chuyền cuối cùng, hoặc tạo khoảng trống cho đồng đội dễ tung ra đường chuyền cuối cùng. Ngược lại, ưu điểm trong cách chơi của TBN là hàng thủ đối phương không có một điểm cố định để phòng ngự, họ không thể chủ trương “bắt chết” chân sút nào, cũng lúng túng trong việc phải chọn hướng tấn công nào của TBN để tập trung phong tỏa.
Nếu không chơi được như TBN thì tốt hơn hết là nên dùng 2 hoặc 3 tiền đạo, như BĐN, Anh, Croatia hoặc Italia. Vì có 2 tiền đạo nên ngoài việc hỗ trợ tốt cho nhau, các tiền đạo còn dễ dàng di chuyển đến khoảng trống thích hợp để nhận lấy đường chuyền cuối cùng. Cự ly di chuyển gần, ít tốn sức. Các đội chỉ chơi với 1 tiền đạo, như Đức hoặc Hà Lan, sẽ bế tắc nếu như mắt xích này không giỏi cầm bóng, phối hợp, cũng không giỏi “độc lập tác chiến”, tự tìm cơ hội cho mình. Một tiền đạo mà đã bế tắc thì rất khó xoay chuyển tình thế, chưa kể bản thân tiền đạo ấy phải di chuyển rộng, dễ tốn sức.
Thực tế cho thấy: khi Mario Gomez của Đức hoặc Robin van Persie của Hà Lan nhận được đường chuyền cuối cùng của đồng đội thì họ cũng thường rơi vào vị trí khó khăn, không đủ thời gian hoặc không gian để thực hiện pha dứt điểm. Ngược lại, Mario Balotelli và Antonio Cassano của Italia thường nhận bóng một cách dễ dàng hơn vì hàng thủ đối phương phải chia quân để kèm họ. Khi Cristiano Ronaldo hoặc Nani của BĐN di chuyển từ biên vào trong, trở thành tiền đạo, họ luôn tỏ ra nguy hiểm.
2. Phải phòng thủ với 4 hậu vệ
Một cách đơn giản, phải có ít nhất 4 hậu vệ thì mới đảm bảo an toàn ở hàng phòng ngự. Mà trong bóng đá hiện đại, thành công đến từ hàng thủ chứ không phải hàng tấn công (TBN không hề thủng lưới ở giai đoạn knock-out trong 3 giải lớn gần đây. Hy Lạp tại EURO 2004 cũng vậy. Các nhà vô địch World Cup từ năm 1998 đến nay đều không thủng lưới nhiều hơn 1 bàn ở giai đoạn knock-out).
Ban đầu, Italia gây được ấn tượng sâu đậm với cách chơi đẹp mắt, tự tin tấn công và chỉ sử dụng 3 hậu vệ. Trên thực tế, cách chơi của Italia rất thành công, nhưng nhiệm vụ phòng thủ đúng là quá sức đối với hàng hậu vệ 3 người của họ. Khi Italia thủng lưới trước TBN (ở vòng bảng) và Croatia thì nguyên nhân duy nhất chỉ là khoảng trống giữa các hậu vệ quá lớn, dù muốn họ cũng không kịp di chuyển để bịt kín những khoảng trống. Dùng 4 hậu vệ thì tất nhiên phải bớt người ở phía trên, đấy là bài toàn dành cho các nhà cầm quân. Trên lý thuyết, Italia cũng có khả năng chơi theo sơ đồ 3-4-1-2, khá hay. Nhưng đấy là cách chơi dùng đến 3 trung vệ, và 2 tiền vệ biên thực chất cũng chỉ là hậu vệ dâng cao.
Phòng thủ với 5 hậu vệ thì hầu như chẳng còn ai ở khu giữa sân, chưa kể các đội phòng thủ với 5 hậu vệ phải rất nhuần nhuyễn trong cách phòng thủ 3 người (vì có đến 3 trung vệ), nếu không thì sẽ gây tác dụng ngược là rối loạn đội hình ngay trước mắt thủ môn. Trên lý thuyết, 4 hậu vệ vẫn là công thức “chuẩn” nhất.
3. Không nên quá xem trọng bẫy việt vị
Bẫy việt vị mà thành công thì bất quá chỉ được hưởng một quả phát bóng lên, trong khi chỉ cần thất bại một lần thì nguy cơ thủng lưới rất cao. Lý thuyết là vậy, ai cũng biết. Nhưng cần nhấn mạnh: tại EURO 2012, việc sử dụng bẫy việt vị đã trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, cho chính đội bóng giăng bẫy. Chỉ vì một chút sơ suất mà Croatia từ chỗ có thể loại TBN ở vòng bảng, hoặc ít ra cũng bảo đảm một suất dự vòng tứ kết cho chính mình, rút cuộc đã bị loại một cách oan uổng vào giờ chót. Đức cũng thua Italia chủ yếu vì Philipp Lahm tự làm hỏng bẫy việt vị. Cần nhớ: Lahm rất già dặn kinh nghiệm, lại là thủ quân đội Đức. Có thể anh đã chủ trương không bắt việt vị, nhưng đồng đội ở hàng thủ của Đức lại không hiểu ý.
Bây giờ, luật việt vị mới quá bất công (hoàn toàn “bênh” cầu thủ tấn công), nên các hậu vệ luôn căng thẳng quá mức cần thiết khi bắt việt vị. Đấy là chưa kể nguy cơ “chết oan” vì sai lầm của trọng tài. Giới nghiên cứu cũng đã chứng minh: trên thực tế, trọng tài không thể bắt việt vị chính xác trong một vài tình huống cụ thể. Thế nên, tốt hơn hết là các hàng thủ từ nay chỉ bắt việt vị theo tình huống cụ thể, chứ không thể xem đấy là một chủ trương trong lối chơi.
4. Nên hay không nên đẻ cầu thủ “ôm cột dọc”?
Có một chi tiết vào loại “kinh điển” trong các tình huống phạt góc trước đây: các đội thường cử hẳn 2 cầu thủ đứng sát hai cột dọc để phòng ngự khi đối phương sút phạt góc. Tác dụng của việc này là để làm cho cầu môn “hẹp” bớt trước nguy cơ bị bắn phá bởi các pha bóng khó đoán trước. Bây giờ, đã có nhiều đội không cần bố trí cầu thủ “ôm cột dọc” nữa, hoặc chỉ cần dùng một người.
Giới chuyên môn cho rằng khi bị phạt góc thì đấy đồng thời cũng là một cơ hội tốt để tung đòn phản công (trung vệ đối phương thường xuyên dâng cao để hỗ trợ tấn công trong pha phạt góc). Đội nào xoay chuyển thật nhanh từ thế thủ sang thế công có thể tận dụng tốt cơ hội này. Muốn vậy, cũng phải có đủ quân số ở các vị trí dễ tung đòn phản công. Khoa học kỹ thuật và các chuyên gia thống kê trong bóng đá bây giờ cũng giúp các nhà cầm quân dễ dàng nhận biết đâu là khu vực mà quả bóng xuất hiện nhiều nhất, khi bóng văng ra sau tình huống sút phạt góc không thành công. Vì yêu cầu phải có đủ người để sẵn sàng phản công nên các cầu thủ chuyên “ôm cột dọc” từ bỏ nhiệm vụ quen thuộc như trước đây. Cũng cần lưu ý: người “ôm cột” thường là cầu thủ tấn công, vì các hậu vệ đã lo kèm người theo đúng nhiệm vụ của họ.
Tất nhiên, muốn phản công tốt thì phải chấp nhận nguy cơ thủng lưới khi không còn cầu thủ bảo vệ cầu môn ở vị trí sát cột dọc. Tùy theo quan điểm, cách chơi mà các đội bóng chọn lựa. Cũng cần nói thêm: không ai việt vị trong tình huống sút phạt góc, nhưng bẫy việt vị có thể phát huy tác dụng trong tình huống tiếp theo. Khi có hậu vệ “ôm cột” thì đội tấn công có thể yên tâm, không lo việt vị trong các tình huống tiếp theo.
(Theo báo Bóng Đá)