Shakespeare là biểu tượng văn hóa của nước Anh, là một vĩ nhân mà thế giới phải cúi đầu cảm phục. Thế nhưng đã có những hồ nghi rằng, Shakespeare chưa bao giờ tồn tại. Tuy nhiên với người Anh, Shakespeare phải sống…
Trớ trêu thay, chính người Anh chứ không phải ai khác đã lập những tổ chức khoa học để nghiên cứu thực chất Shakespeare là ai khi mà lịch sử đề cập quá ít đến đời sống thường nhật, thân thế của ông. Hàng trăm cuộc khảo cứu đã diễn ra và từng có kết luận: Shakespeare thực chất chỉ là bút danh của các nhân vật vĩ đại cùng thời như nhà triết gia Francis Bacon, thậm chí là Nữ Hoàng Elizabeth. Dù sự thật có như thế nào thì Shakespeare vẫn là một vĩ nhân. Shakespeare đã từng sống. Và Shakespeare sẽ mãi tồn tại như một biểu tượng của nước Anh.
Roy Hodgson đang suy tính gì cho trận đấu gặp Thuỵ Điển
Tam sư cũng đã từng tồn tại, từng là một hình tượng kỳ vĩ. Nhưng ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, người Anh đã phải dằn lòng ngẫm ngợi lại: Liệu sự vĩ đại đó có thực sự tồn tại hay không? Từng giải đấu trôi qua, ĐT Anh giống như kẻ hành khất, thèm khát vinh quang đi săn lùng danh hiệu trong tấm áo của một vĩ nhân. Từng thất bại trôi qua đắng ngắt, đến mức trước khi vào mùa EURO này, 74% CĐV Anh không buồn để ý đến thành tích của đội nhà. FA theo đó mà chẳng đặt mục tiêu nào cho thày trò Hodgson. Gây sức ép chỉ gánh lấy thất bại. Chi bằng cứ đá tự nhiên có khi lại khác!
Tuy nhiên, không hẳn người Anh hay FA chán Tam sư. Mà thực tế Anh đang găp quá nhiều rắc rối về nhân sự với một ĐT đang trong quá trình chuyển giao. Nói như vậy không có nghĩa Tam sư chỉ là đội bóng hạng trung, mà ngược lại, họ vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng của bất kỳ đối thủ nào. Có thể Cahill, Lampard, Barry chấn thương, Rooney vẫn chưa thể có mặt, nhưng bù lại Hodgson đang bước đầu cho thấy ông đã lựa chọn cho ĐT Anh một cách chơi phòng ngự phản công vừa sức, hợp lý, khi quay trở lại gần hơn với truyền thống là những pha bóng bổng. Thậm chí, có thể nói mang hơi hướng thực dụng, lì lợm và vô cảm của Chelsea.
Giải pháp chiến thuật này sẽ giúp Anh đánh thẳng vào điểm yếu hàng thủ của Thụy Điển, nơi họ đã nhận 2 bàn thua chí mạng từ 2 cú đánh đầu của Sheva ở trận gặp Ukraine. Hơn nữa, Young, Walcott hay Chamberlain vẫn còn đó như mối hiểm họa từ những pha công phá tốc độ dữ dội, bất ngờ ở hai biên, với khả năng tạt bóng và dứt điểm đa dạng.
Thụy Điển có gì? Ý chí, tốc độ của những người Viking vượt biển có thể đưa 5.000 người trên 200 chiến thuyền vượt 300 hải lý trong một đêm? Không! Thụy Điển bây giờ đã khác xa dĩ vãng. Họ gần như đội bóng một người giống như Bồ Đào Nha với ngôi sao duy nhất Ibrahimovic để chờ đợi. Mà một người thì không thể chèo thuyền vượt biển. Sẽ chỉ có những quả tạt nhằm vào Ibra, hoặc những pha bóng dồn cho tiền đạo này sút xa hoặc bí lắm thì đột phá... bừa. Những miếng chiến thuật của Thụy Điển khá nghèo nàn khi họ không có đủ nhân tố để thực hiện ý đồ. Thiếu một nhạc trưởng thực thụ có thể cầm trịch, vắng một người có thể phối hợp ăn ý với Ibra, và vắng luôn những cá nhân có khả năng tạo đột biến.
Xem ra Tam sư đang có cơ hội. Trận gặp Pháp cho thấy HLV Hodgson cũng có lý của mình. Vì thế mà báo chí Anh đã hết lời ca ngợi ông dù ĐT của họ chỉ có 1 trận hòa. Đã đến lúc người Anh lên tiếng. Đã đến lúc Tam sư thực sự tồn tại. Cũng như với họ, Shakespeare luôn phải sống để là một biểu tượng không bao giờ chết…
Đội hình dự kiến
Anh: Hart, Johnson, Terry, Lescott, Cole, Milner, Gerrard, Parker,Young, Welbeck, Carroll.
Thuỵ Điển: Isaksson, Lustig, Mellberg, Granqvist, Martin Olsson, Svensson, Kallstrom, Larsson, Ibrahimovic, Toivonen, Elmander.
Dự đoán: Anh thắng 2-0
(Theo báo Bóng Đá)