Không được đánh giá cao trước EURO 1988 nhưng Hà Lan vẫn giành được chức vô địch nhờ một sự đoàn kết hiếm thấy và cả phong độ chói sáng của thiên tài Marco van Basten.
Hà Lan năm 1974 được coi là một trong những đội bóng xuất sắc nhất trong lịch sử với lối chơi tấn công tổng lực cùng những tên tuổi lẫy lừng như Johan Cruyff hay Johan Neeskens. Hà Lan năm 1988 dù cũng được dẫn dắt bởi HLV huyền thoại Rinus Michels nhưng không phải là một đội bóng được đánh giá cao như thế hệ trước.
Từ năm 1982 đến 1986, “Oranje” sa sút nghiêm trọng, không vượt qua nổi vòng loại World Cup hay EURO. Đội bóng năm 1988 xuất sắc hơn đôi chút nhưng cũng chỉ gồm hầu hết những gương mặt chưa ở đỉnh cao phong độ (trừ Ruud Gullit). Nhưng tại sao một Hà Lan không xuất sắc như vậy lại có thể giành chức vô địch EURO 1988 còn đội bóng trong mơ trước đây lại liên tục trắng tay?Van Basten giúp Hà Lan giành chức vô địch với những bàn thắng để đời
Sự đoàn kết chính là khác biệt lớn nhất. Các cầu thủ Hà Lan thường đặt cái tôi cá nhân lên trên lợi ích của tập thể và Cruyff có thể xem như một trong những điển hình. Tại World Cup 1978, do mâu thuẫn với HLV, “Thánh” Johan đã quyết định từ chối khoác áo ĐTQG. Trước đó, trong trận chung kết World Cup 1974, Cruyff cũng gián tiếp khiến đội nhà thua trận.
Trong trận đấu với Đức, Hà Lan của Cruyff thi đấu xuất sắc tới mức khi ghi được bàn mở tỷ số, họ chưa cho hầu hết cầu thủ đối phương được chạm chân vào bóng! Nhưng sau bàn thắng này, “Oranje” đã bất ngờ mất thế trận do phe của Cruyff muốn tiếp tục thi đấu cống hiến còn phe của Van Hanegem muốn chơi chặt chẽ để bảo toàn tỷ số. Chính sự lục đục, không thèm chuyền bóng cho phe đối phương đã khiến Hà Lan bị Đức lội ngược dòng.
Trong khi đó, “Oranje” năm 1988 tỏ ra có kỷ luật hơn hẳn. Van Basten, trước đó cũng là một ngôi sao của đội bóng, tuy bị xếp đá dự bị cho John Bosman nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận: “HLV chọn Bosman bởi tôi phải dưỡng thương gần như cả mùa bóng. Cậu ấy đã chơi tốt vài trận và chẳng bao giờ lại thay đổi đội hình đang chiến thắng cả. Ngồi dự bị không phải là một vấn đề lớn với tôi, nhất là khi đang không có phong độ tốt”.
Nhưng sự đoàn kết không phải là yếu tố duy nhất bởi Hà Lan năm 2010 còn thi đấu gắn bó hơn hẳn nhưng vẫn phải về nhì. Sự tỏa sáng của một ngôi sao kiệt xuất là yếu tố khác giúp đội bóng của ông Michels có thể bước lên đỉnh vinh quang. Trong trận chung kết với Tây Ban Nha, Arjen Robben dù đối mặt với Iker Casillas nhưng cũng không thể đánh bại được đồng đội cũ. Trong khi đó, ở EURO 1988, Van Basten đã đưa Hà Lan vượt qua mọi khó khăn với những bàn thắng có thể đến chỉ từ nửa cơ hội.
Trong trận đấu với tuyển Anh ở vòng bảng, Hà Lan khi đó đang gặp khủng hoảng khi để thua Liên Xô ở trận mở màn, Van Basten đã giải tỏa bế tắc cho đội nhà bằng một hat-trick. Ở trận bán kết với Đức, tiền đạo của Milan lại tỏa sáng với bàn thắng quyết định ở phút 88. Nếu trận đấu kéo sang hiệp phụ rồi bước vào loạt đá penalty, chưa chắc “Oranje” sẽ đi tiếp bởi ai cũng biết, Đức là “vua” trên chấm phạt đền còn người Hà Lan thường run sợ trong những loạt “đấu súng”.
Nhưng bàn thắng trong trận chung kết mới là đỉnh cao của Van Basten. Nhận đường chuyền từ Arnold Muhren ở một góc cực hẹp, chân sút khi đó 23 tuổi thay vì khống chế rồi xử lý lại đưa ra một phương án không tưởng: Sút thẳng. Dường như tất cả kỹ thuật đỉnh cao và cả may mắn của Van Basten đã dồn cả vào pha bóng này và bàn thắng đã đến với chân sút lừng danh này. Pha lập công của Van Basten đã nhấn chìm hoàn toàn Liên Xô, mang chức vô địch về cho Hà Lan.