Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Euro 2004: Hy Lạp và câu chuyện thần thoại của thế kỉ 21

Thứ Tư 06/06/2012 21:12(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
(Bongda24h) - Người hâm mộ túc cầu giáo một lần nữa được chứng kiến lối chơi tổng lực tại Euro 2004. Nhưng không giống như lối đá tấn công tổng lực của Hà Lan trước đây, Hy Lạp đã ghi tên mình vào lịch sử nhờ chiến thuật phòng ngự tổng lực. Tất cả các vị trí trên sân của Hy Lạp, từ tiền đạo đến tiền vệ đều là những cầu thủ biết phòng ngự. Họ đã lên ngôi nhờ vào phong cách chơi thực dụng do HLV người Đức,
Otto Rehhagel, đem lại.

 

Euro 2004 diễn ra tại đất nước Bồ Đào Nha, từ ngày 12/6 đến 4/7/2004. Giống như hai kì Euro 1996 và 2000, 16 đội bóng mạnh nhất châu Âu đã góp mặt ở vòng chung kết. Chỉ với 10 triệu dân, nhưng Bồ Đào Nha đã rất cố gắng trong việc xây mới và sửa chữa 10 sân vận động tại 8 thành phố lớn của đất  nước mình để đáp ứng yêu cầu của UEFA. Các trận đấu của Euro 2004 đều có số khán giả dự khán đông đảo, khác hẳn với không khí buồn tẻ thường thấy của giải đấu quốc nội. Đây cũng được coi là kì Euro thành công nhất trong lịch sử.

Không khó để người ta khẳng định Euro 2004 là giải đấu bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Trong khi Đức, Italia và Tây Ban Nha phải ngậm ngùi về nước sau vòng bảng, thì  ĐKVĐ Pháp lại phải dừng bước ở vòng tứ kết trước hiện tượng Hy Lạp. Bồ Đào Nha, sau cú vấp ở trận mở màn, đã lần lượt đốn ngã những gã khổng lồ như Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan trên đường tới trận chung kết của họ. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai đội đá trận khai mạc đồng thời cũng là hai đối thủ của nhau ở trận đấu bế mạc: trận chung kết. Và đội chủ nhà đều là người phải đón nhận cả hai thất bại trước Hy Lạp, ĐT mà lần tham dự Euro gần nhất (và cũng là duy nhất ngoài Euro 2004) là năm 1980. Đó là giải đấu mà Hy Lạp thậm chí không giành nổi một trận thắng.

Hy Lạp làm nên câu chuyện thần thoại của thế kỷ 21
Hy Lạp làm nên câu chuyện thần thoại của thế kỷ 21

Euro 2004 cũng là giải đấu quốc tế đánh dấu lời chào tạm biệt của các lão tướng ngôi sao như như Frank de Boer, Jaap Stam, Marc Overmars (Hà Lan), Marcel Desailly (Pháp), Rui Costa (Bồ Đào Nha) và Karel Poborsky (CH Séc).

Còn nhớ ở lễ khai mạc, nước chủ nhà Bồ Đào Nha đã miêu tả lại hình ảnh của một con tàu, biểu tượng cho những chuyến thám hiểm của người Bồ Đào Nha trong những thế kỷ trước. Nhưng thật khôi hài khi người Hy Lạp lại biến biểu tượng đó của người Bồ Đào Nha thành hình ảnh đặc trưng của đội tuyển mình sau khi các cầu thủ con cưng vượt qua nước chủ nhà trong cả hai lần đối mặt. Họ đã đặt tên cho đội bóng thân yêu là "Pirate Ship" (Tàu cướp biển), và cái tên đó nhanh chóng trở thành nickname của Hy Lạp.
 


Euro 2004 đã bãi bỏ luật bàn thắng vàng, và áp dụng luật bàn thắng bạc. Theo đó, nếu đội nào ghi bàn trước và duy trì thành tích đó trong thời gian của hiệp phụ thứ nhất, đội đó sẽ giành thắng lợi chung cuộc ngay mà không cần phải thi đấu nốt hiệp phụ còn lại. Ở vòng bảng, với lợi thế chủ nhà, BĐN có ngôi đầu bảng A (dù thua ở trận khai mạc trước … Hy Lạp) còn ĐT đến từ xứ sở thần thoại đã lách qua khe cửa hẹp để xuất hiện ở tứ kết khi chỉ hơn Tây Ban Nha về số bàn thắng (cả hai bằng điểm, bằng hiệu số bàn thắng – bại và hoà ở trận đối đầu). Tại bảng B, hai đội mạnh nhất (Pháp và Anh) đã giành quyền đi tiếp trong đó, Wayne Rooney đã có màn trình làng đầy ấn tượng trong màu áo ĐT Anh ở các giải đấu lớn khi ghi tới 4 bàn thắng sau 3 trận. Italia đã phải ngậm ngùi trở về nhà khi kém hiệu số bàn thắng – bại so với 2 đối thủ Đan Mạch và Thuỵ Điển ở bảng C. “Cỗ xe tăng” Đức nối gót Azzurri khi chỉ xếp thứ 3 bảng D sau CH Séc và Hà Lan. Á quân Euro 1996, CH Séc đã có màn trình diễn ấn tượng và trở thành đội duy nhất toàn thắng ở vòng bảng.

 

Nedved và đồng đội tiếp tục duy trì phong độ khi thắng thuyết phục Đan Mạch tới 3-0 để có mặt ở bán kết. Nước chủ nhà đã loại “Sư tử Anh” bằng những loạt đá luân lưu 11m sau khi hoà 2-2 trong những phút thi đấu chính thức. Đến loạt đá thứ 7, thủ thành Ricardo của BĐN thực hiện thành công còn Vassell (hiện khoác áo Manchester City) lại sút trượt. Đau đớn nhất là ĐKVĐ Pháp khi bị Hy Lạp đánh bại nhờ bàn duy nhất của Charisteas. Cả trận, Pháp với những gương mặt như Zidane, Trezeguet, Henry, Viera không tài nào tìm được đến khung thành Nikopolidis và chỉ cần một đợt phản công duy nhất, Hy Lạp đã có bàn thắng để tiễn Pháp về nước. Suất còn lại của bán kết thuộc về Hà Lan (cũng vượt qua Thuỵ Điển ở loạt đấu súng).

 

Từ đầu giải, CH Séc đã chứng tỏ họ chẳng ngán bất kỳ đội bóng nhưng rồi, họ vẫn phải chịu bó tay trước một Hy Lạp “siêu thực dụng” và chịu chung số phận như Pháp. Trung vệ Dellas đã ghi “bàn thắng bạc” và giúp đội nhà vào chung kết trước sự ngỡ ngàng của không ít chuyên gia. Đối thủ của họ không ai khác ngoài Bồ Đào Nha. Đội chủ nhà hạ gục Hà Lan 2-1 và Cristiano Ronaldo đóng góp 1 bàn thắng.

Ngày 4/7/2004, trận chung kết giữa hai đội từng gặp nhau ở trận khai mạc được diễn ra dưới sự chứng kiến của 62.865 khán giả. Và một lần nữa, Bồ Đào Nha một lần nữa gục ngã trước những đứa con của vùng đất sản sinh ra các câu chuyện thần thoại nổi tiếng. Chỉ có điều lần này Hy Lạp giành thắng lợi 1-0 suýt sao thay vì 2-1 như lần gặp nhau đầu tiên.

Suốt cả trận đấu, Bồ Đào Nha áp đảo hoàn toàn. Hy Lạp chỉ duy nhất một lần được hưởng phạt góc hhưng chính từ pha đá phạt góc ấy của đội quân "Pirate Ship", mọi chuyện đã được định đoạt. Phút 57, Basinas đưa bóng bổng vào khu cấm địa, Charisteas nhanh như cắt, bật cao hơn hẳn tiền vệ phòng ngự Costinha và đánh đầu cận thành chính xác. Trong khi bên phía Bồ Đào Nha, những Simao, Rui Costa, Ronaldo hay Figo sẽ còn day dứt mãi không nguôi khi không thể tận dụng những cơ hội có được. Đặc biệt là pha xử lý thiếu tinh tế của C.Ronaldo ở phút 74 khi anh một mình băng xuống đối mặt với Nikopolidis nhưng lại đưa bóng đi vọt xà từ cự ly chỉ khoảng 8m. Trận đấu kết thúc cũng là lúc những giọt nước mắt tuôn rơi trên gương mặt những chủ nhân của vòng chung kết (nhưng không đồng thời là chủ nhân của chiếc cúp vô địch) còn nhiều cầu thủ Hy Lạp vẫn không thể tin nổi vào mắt mình trước chiến công ngoài sức tưởng tượng này.

Hy Lạp đã lên ngôi khi trong đội hình không có một ngôi sao nào được coi là có “số má”. Nhưng trong câu chuyện thần thoại của Hy Lạp cũng cần phải nhắc đến những cá nhân xuất sắc như chiến lược gia Otto Rehhagel; lão tướng 32 tuổi đa năng, công thủ toàn diện Theodoros Zagorakis và tất nhiên, "thiên thần" Charisteas, người đã ghi 3/7 bàn thắng cho Hy Lạp tại Euro 2004.

Otto Rehhagel (người từng thành công khi dẫn dắt một số CLB của Đức như Werder Bremen, Bayern Munich) thực sự là người có công sức lớn nhất cho thành công mà có lẽ Hy Lạp khó có thể tái lập lần thứ hai. Sau Euro 2004, tên tuổi của HLV người Đức chiếm lĩnh mọi trang báo, trên cửa miệng của tất cả những người dân, trên mọi ngõ phố của Hy Lạp và bản thân ông đã được phong “Thánh”. Ngay bản thân Otto Rehhagel cũng tự hào: "Nếu cảnh sát Athens bắt được tôi vượt đèn đỏ, thì chỉ cần đưa bút cho chữ ký là xong''. Mặc dù sau chiến thắng này, các cầu thủ Hy Lạp cũng không thể nâng tầm của mình lên được ở châu Âu nhưng rõ ràng, đến thời điểm này, hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên câu chuyện thần thoại mà “chàng David” Hy Lạp làm được cách đây 4 năm.

Thông tin xung quanh Euro 2004

- Số trận đấu: 31
- Số bàn thắng: 77 (Trung bình: 2,48 bàn/1 trận)
-
Vua phá lưới: Milan Baros (CH Séc, 5 bàn)
- Cầu thủ xuất sắc nhất:  Theodoros Zagorakis (Hy Lạp)
- Bàn thắng nhanh nhất: Dmitri Kirichenko (Nga, phút thứ 2 trong trận gặp Hy Lạp)
- Đội hình tiêu biểu:
Petr Cech (CH Séc) - Traianos Dellas, Giourkas Seitaridis (Hy Lạp); Ricardo Carvalho (BĐN); Gianluca Zambrotta (Italia) – Maniche (BĐN); Pavel Nedved (CH Séc); Theodoros Zagorakis (Hy Lạp) – Milan Baros (CH Séc); Cristiano Ronaldo (BĐN); Wayne Rooney (Anh)



  • Huy Nam

Có thể bạn quan tâm

Mario Balotelli: Cho những cái gồng mình quả cảm vì Azzurri

Mario Balotelli: Cho những cái gồng mình quả cảm vì Azzurri

Mario Balotelli: Cho những cái gồng mình quả cảm vì Azzurri

Balotelli, chỉ một cái tên thôi cũng đủ để khiến các cổ động viên Italia trào lên một cảm giác khó tả. Đó là sự tự hào về một trong những chân sút tài năng nhất của bóng đá Ý sau đỉnh cao World Cup 2006; là sự khó hiểu về một cá tính phức tạp và đa chiều trong giới túc cầu giáo; và là sự nuối tiếc về một tài năng sớm nở chóng tàn. Nhưng nếu phải chọn ra một từ để miêu tả con người Balotelli, đó có lẽ là “bản năng”.

Xem thêm
top-arrow
X