Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Phát xít mới & phân biệt chủng tộc tại EURO 2012: Hiểm họa hay sự lo xa của truyền thông?

Chủ Nhật 03/06/2012 15:49(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hai nước đồng chủ nhà EURO 2012 Ba Lan và Ukraina mới đây đã lên tiếng phản bác mạnh mẽ khi truyền thông Anh mà cụ thể là kênh BBC đã cho đăng tải một loạt thông tin và hình ảnh làm dẫn chứng cho Chủ nghĩa phát xít mới và nạn phân biệt chủng tộc có thể đe dọa đến tính mạng những CĐV xứ sương mù khi tới đây dự khán giải đấu hấp dẫn nhất châu lục.

Hiểm họa từ các SVĐ

Chương trình được phát sóng của BBC đã cho đăng tải hình ảnh CĐV với những hành động chỉ tay đặc trưng của phát xít, những tiếng giả tiếng khỉ hay một nhóm sinh viên châu Á bị tấn công tại sân Metalist Stadium, thuộc Kharkiv, một trong 4 thành phố sẽ diễn ra các trận đấu tại EURO. Mục đích của BBC là gửi lời cảnh báo với người hâm mộ giống như cựu danh thủ Sol Campbell, người từng e ngại “đến EURO và trở về trong quan tài”. Thế nhưng nó cũng đã tác động mạnh và có thể hủy hoại chiến lược PR công phu và tỉ mỉ cho giải đấu mà Chính phủ hai nước Đông Âu đã lên kế hoạch từ cách đây rất lâu.

Một khẩu hiệu tại bến chờ xe bus ở Ukraina Hãy nghĩ rằng đây như là nhà của bạn
Một khẩu hiệu tại bến chờ xe bus ở Ukraina "Hãy nghĩ rằng đây như là nhà của bạn"

Trong nửa giờ đồng hồ phát sóng, BBC đã cho đăng tải rất cụ thể những hình ảnh ở cả hai quốc gia Ba Lan và Ukraina. Đầu tiên, phóng viên Chris Rogers ghi hình ở trận derby diễn ra tại trung tâm thành phố Lodz và sau đó là Krakow, nơi ĐT Anh sẽ đóng quân và tiếp đó là đến viếng thăm sân Legia Warszawa. Tại Lodz, khán giả của BBC đã được chứng kiến những hình ảnh CĐV đứng trên khán đài giả tiếng khỉ nhằm vào những cầu thủ da đen đang thi đấu bên dưới mà BTC giải đấu không hề có một biện pháp nào. Thực trạng ở trận derby Krakow giữa hai đội bóng Wisla và Cracovia, cũng không khá khẩm hơn. Toàn bộ các CĐV, đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em, đứng lên giơ tay chào kiểu phát xít. Và một lượng không nhỏ người hâm mộ, hướng về các đối thủ của họ với những sự xúc phạm “Chết đi, chết đi những con điếm Do Thái”. Ở Kharkiv, Ukraina, Rogers đã chứng kiến 2000 CĐV thể hiện sự ủng hộ của họ với đội bóng địa phương bằng cách giương cao cánh tay theo kiểu phát xít.

Bộ phim tài liệu khép lại bằng một cái kết khủng khiếp. Một nhóm sinh viên Ấn Độ nhỡ “ngồi nhầm” khu vực của một nhóm phân biệt chủng tộc tại Kharviv và đã bị tấn công bởi hàng loạt những cú đấm đá mà nhà chức trách có mặt tại đó đã gần như không có hành động nào can thiệp.

Đâu là sự thực?

Thế nhưng, những hình ảnh được phát sóng khiến dư luận tại Anh sợ hãi liệu có miêu tả đúng mối đe dọa mà những CĐV người da đen, châu Á hay Do Thái sẽ gặp phải khi đến Ba Lan và Ukraina?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan đã tỏ ra vô cùng tức giận, đăng đàn chỉ trích BBC đã cho đăng tải sản phẩm truyền hình “một chiều”. Những người khác chỉ trích bộ phim đã sử dụng “các bằng chứng được chọn lọc” (về phân biệt chủng tộc) để nhân rộng nó thành một bức tranh toàn cảnh và ảm đạm. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ukraina còn phản ứng mạnh mẽ hơn với tuyên bố: “Họ có thể chỉ trích xã hội Ukraina với nhiều thiếu sót nhưng về nạn phân biệt chủng tộc thì các thành viên khác của Liên minh châu Âu còn phải đi cả chặng đường dài mới bằng được chúng tôi.”

Với hình ảnh nhóm sinh viên Ấn Độ bị bạo hành ở sân Metalist Stadium, Kharkiv, một quan chức của Ukraina khẳng định “không hề có sự cố nào xảy ra ở trận đấu đó.” Phải chăng những thông tin từ BBC đã phóng đại thậm chí bịa đặt?

Panorama là một chương trình chuyên khai thác những tư liệu về những vấn đề chính sự nóng hổi trên thế giới. Theo đánh giá của chính cư dân Anh quốc thì đây là một chương trình cực hay, đưa ra những thông tin xác đáng, công bằng và không mang tính chủ quan của những người làm truyền hình vào trong nội dung của nó. Thế nhưng những đánh giá đó chỉ đến vào thời hoàng kim trong 3 thập kỷ 60s, 70s, 80s của Panorama. Hiện tại đã hoàn toàn thay đổi. Liên tục xuất hiện những sai sót gây tranh cãi lớn trong các chương trình của Panorama vốn đã được rút ngắn lại còn 20 phút phát sóng. Các phiên bản chỉnh sửa của chương trình cũng đã biến sự thực trở thành một câu chuyện sẫm màu hơn và khủng khiếp hơn.

Theo một nhà báo nước ngoài có mặt tại hai quốc gia đăng cai EURO 2012 thì những CĐV da màu hoặc châu Á vẫn cảm thấy rất an toàn khi tới đây giống như các nước khác ở châu Âu. Chính quyền sẽ không dễ dàng để cho những kẻ hooligan hay thành viên của nhóm đầu trọc lảng vảng trên những con đường để gây rối chứ chưa kể đến lọt vào SVĐ.

(Theo Thể Thao Văn Hoá) 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X