Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

EURO từ nước chủ nhà: Không có chỗ cho hooligan

Thứ Sáu 01/06/2012 13:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một trong những thách thức lớn nhất của hai nước chủ nhà EURO 2012 là đảm bảo an ninh cho các đội bóng cũng như các CĐV đến với giải đấu. Bongdaplus.vn xin giới thiệu bài viết riêng cho báo Bóng đá của phóng viên Ba Lan Michal Zachodny về vấn đề này...

Nỗi lo Hooligan

Ba Lan là một đất nước yên bình và mến khách, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà bầu không khí trên các sân cỏ đất nước chúng tôi không được trật tự cho lắm. Tại các giải đấu quốc nội, tình trạng đốt pháo sáng trên khán đài xảy ra như cơm bữa. Cá biệt ở trận chung kết Cúp Quốc gia năm ngoái, sau khi Legia Warsaw đánh bại Lech Poznan ở loạt sút luân lưu, những kẻ quá khích đã tràn xuống sân đập phá các biển quảng cáo, hành hung phóng viên. Chưa dừng lại ở đó, một số còn tấn công cảnh sát và lột đồ các cầu thủ làm kỷ niệm.

Sở dĩ sân cỏ Ba Lan thường trong cảnh lộn xộn là do sự có mặt của các nhóm hooligan. Những kẻ quá khích chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng bất ổn. Các tổ chức hooligan hoạt động rộng và có tầm ảnh hưởng nhất hiện nay đều theo phương châm “chống lại bóng đá hiện đại”.

 

Vài tuần trước khi EURO 2012 khởi tranh, một số nhóm đã đánh tiếng sẽ có những động thái làm gián đoạn giải đấu. Nhóm hooligan ở thành phố Lodz mới đây tuyên bố tẩy chay các hoạt động liên quan đến EURO. Do Lodz không phải địa điểm tổ chức giải đấu nên những kẻ quá khích có thể sẽ tới Warsaw (chỉ cách Lodz 130 km). Điều đáng lo ngại là nhóm hooligan này không chỉ quậy phá hay đốt pháo sáng mà còn có những hành vi phân biệt chủng tộc. Đấy thực sự là nỗi lo lớn bởi nó có thể phá hỏng hình ảnh giải đấu.

Nghiêm trị những kẻ phá phách

Vấn đề an ninh đang trở thành thách thức lớn nhất cho EURO 2012. Để đảm bảo an toàn cho giải đấu, chính phủ Ba Lan đang chuẩn bị thay đổi một số điều luật cho phép cơ quan chức năng phản ứng nhanh hơn khi các nhóm hooligan gây rối. Theo đánh giá của một số chuyên gia, đảm bảo an ninh tại các SVĐ không phải là nhiệm vụ quá khó khăn, bởi CĐV hai đội sẽ được tách ra ngồi các khán đài riêng rẽ. Họ sẽ vào sân và ra về theo từng lối đi khác nhau. Vì thế, nguy cơ xảy ra xung đột là không đáng kể.

Điều đáng lo ngại là những kẻ quá khích sẽ chạm trán tại các địa điểm công cộng trong thành phố. Một trong những nơi có khả năng xảy ra đụng độ cao nhất là Fan Zone. Đây được xem là trái tim trong mọi hoạt động của CĐV. Vào ngày diễn ra trận đấu, những NHM không có vé vào sân sẽ đến đây xem bóng đá. Fan Zone vì thế trở thành nơi rất dễ nảy sinh xung đột do nhiều nhóm CĐV của các quốc gia khác nhau cùng góp mặt trong một không gian. Nhiệm vụ của cảnh sát là phải nhanh chóng phát hiện và chia tách các nhóm CĐV đối địch.Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho giải đấu, Ba Lan sẽ mở các tòa án lưu động quanh những Fan Zone cũng như SVĐ. Đội ngũ thẩm phán, luật sư và thông dịch viên sẽ có mặt tại đây vào thời điểm diễn ra các trận đấu. Những kẻ gây rối sẽ được xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Nếu bị kết luận có tội, họ sẽ phải chịu khung hình giam giữ. Dự kiến có khoảng 350 thẩm phán tham dự các phiên xử lưu động này. Trong đó, có 170 thẩm phán làm nhiệm vụ tại Warsaw, 78 người ở Gdansk. Số thẩm phán tại Wroclaw và Poznan lần lượt là 51 và 50 người.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng tiến hành sàng lọc CĐV. Cảnh sát Ba Lan đang tiến hành hợp tác với những đồng nghiệp trên khắp châu Âu để thu thập cơ sở dữ liệu về các hooligan. Hiện tại, hồ sơ về những kẻ quậy phá đã được chuyển tới trung tâm Legionowo ở ngoại ô Warsaw. Những kẻ có tiền sử phá phách tại các giải đấu thể thao sẽ không được phép nhập cảnh vào Ba Lan.

Các biện pháp quyết liệt kể trên hứa hẹn sẽ giúp nhà chức trách kiểm soát tốt vấn đề an ninh. Bạn hãy yên tâm đến với đất nước chúng tôi để thưởng thức bầu không khí bóng đá. Tôi xin cam đoan Ba Lan là một đất nước an toàn. Những hooligan bóng đá chỉ chiếm một con số rất nhỏ và sẽ không có cơ hội quậy phá trong thời gian diễn ra EURO 2012.

Hooligan Ba Lan “gấu” có tiếng

Cách đây hơn 1 năm, CĐV Ba Lan từng mang tiếng xấu vì gây rối ở đất nước láng giềng Lithuania. Sự kiện đó diễn ra khi ĐT Ba Lan đá giao hữu và thua Lithuania 0-2. Sau trận đấu, ước tính có khoảng 200 hooligan đội khách ném pháo sáng, gạch đá và chai lọ vào cảnh sát địa phương. Một số kẻ còn dùng hung khí tấn công bất cứ ai cản đường. Ít nhất 10 hooligan Ba Lan bị bắt giữ sau đó. Trong khi, một cảnh sát của Lithuania phải cấp cứu tại bệnh viện do bị đâm.

(Theo báo Bóng Đá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X