EURO 2012 còn là màn trình diễn tiền bạc "có một không hai" khi BTC mạnh tay vung ra những khoản tiền khổng lồ, nhưng vẫn thu về lợi nhuận kỷ lục. Tuy nhiên với các nước chủ nhà, đó có thể là câu chuyện khác. Với mỗi trận đấu có thể thu hút một lượng khán giả lên tới 150 triệu người trên toàn thế giới, EURO 2012 được đánh giá có tỉ lệ người xem còn lớn hơn cả chương trình Super Bowl nổi tiếng tại Mỹ. Ngoài ra, tổng lượng khán giả lên tới 237 triệu người xem trận chung kết EURO 2008 đã lớn hơn cả sự kiện lễ khai mạc Olympic mùa Hè.
Tiền thưởng EURO “khủng” hơn World Cup
“Bạn có thể thấy đây là một sự kiện khổng lồ" - David Taylor, Giám đốc điều hành Bộ phận tổ chức sự kiện của UEFA, vốn có hợp đồng với 203 hãng phát thanh truyền hình nói. "Hiển nhiên khi chúng tôi đàm phán với các nhà tài trợ và những người khác, họ rất quan tâm tới tác động rộng lớn hơn, mang tính toàn cầu".
Việc được ưa chuộng trên quy mô toàn cầu đã cho phép UEFA dù chi mạnh tay nhưng vẫn an tâm không bị lỗ.
Theo tính toán, khoản tiền thưởng dành cho EURO 2012 mà UEFA dự tính chi ra lên đến 254 triệu USD, gấp 3 lần con số dành cho vòng chung kết bóng đá châu Âu 12 năm về trước. Trong đó, mỗi đội tham dự nhận "thù lao" tham gia giải là 10 triệu USD, còn lớn hơn cả World Cup. Thắng 1 trận vòng bảng, họ sẽ bỏ túi 1,29 triệu USD nữa. Còn nếu hòa, họ nhận được 649.000 USD. Sân vận động quốc gia Ba Lan, một trong những công trình tốn nhiều tiền để phục vụ EURO 2012
Một đội bóng có thể thu về tối đa 23 triệu USD nếu giành chiến thắng toàn bộ các vòng đấu. Để so sánh, Tây Ban Nha bỏ túi có 30 triệu USD dù giành danh hiệu vô địch World Cup 2010.
UEFA đã dành nhiều thời gian để giúp các nhà chức trách Ba Lan và Ukraina xử lý dự án EURO 2012. Một khoản chi trả lên tới 49.750 USD mỗi trận cũng được UEFA bỏ ra cho các đội bóng phải bay qua lại giữa 2 nước để thi đấu. UEFA cho biết họ đã rải 124 triệu USD cho các CLB vì đã cho phép cầu thủ tham gia EURO 2012. Trong khi đó FIFA chỉ trả có 70 triệu USD cho một lượng cầu thủ đông gấp 2 lần như thế tại World Cup 2014 tổ chức ở Brazil.
“Con bò sữa”
Một số nhà quan sát nói rằng UEFA đã đánh bạc khi quyết định đưa EURO tới các nước vốn thuộc khối Hiệp ước Warsaw cũ, trong lúc giải Champions League của họ đang rất ăn khách và ảnh hưởng của nó có thể làm lu mờ các đội tuyển quốc gia. Có những ý kiến thậm chí còn đánh giá Champions League cao hơn cả World Cup và doanh thu bản quyền của giải đấu này được dự báo sẽ vượt ngưỡng 1,6 tỉ USD trong 3 mùa giải kế tiếp. Người hâm mộ quả bóng tròn còn biến giải Ngoại hạng Anh trở thành một con bò sữa, với 20 CLB tranh tài đã chia sẻ khoản lợn nhuận lên tới 1,54 tỉ USD trong mùa giải trước. Tuy nhiên UEFA vẫn sẽ thu lợi từ EURO 2012, dù có thể còn thiếu 394 triệu USD nữa mới đạt mức lợi nhuận như tổ chức giải ở Áo - Thụy Sĩ.
“Tổng doanh thu của UEFA lần này có thể thấp hơn EURO 2008, nhưng mức lợi nhuận sẽ tương đương nhau" - Taylor nói. Một số ước tính ban đầu cho thấy UEFA sẽ thu về khoản doanh thu khoảng 1,6 tỉ USD từ việc bán bản quyền các trận đấu của 16 đội bóng tham gia tranh tài, đủ sức cạnh tranh với giải World Cup vốn có sự tham gia của 32 đội bóng. Tính trung bình giá trị tiền bản quyền trên mỗi trận đấu ở EURO 2012 sẽ lớn ngang với World Cup.
Hai nước chủ nhà méo mặt
Trong khi UEFA có thể cười hể hả vì lãi to, các chuyên gia nói rằng 2 nước đồng chủ nhà sẽ là phía thiệt thòi nhất. Trang tin Bloomberg nói rằng cả 2 nước đã bỏ ra 39 tỉ USD để chuẩn bị cho EURO, với Ba Lan là 25 tỉ USD và Ukraina khiêm tốn hơn với 14 tỉ USD. Ngoài việc phải lo chỗ ăn ở cho khoảng 1 triệu người hâm mộ bóng đá, 2 nước còn đầu tư mạnh vào các sân vận động mới, những con đường mới và các công trình cơ sở hạ tầng mới, với hy vọng giải đấu sẽ kích thích nền kinh tế và sự phát triển của các công ty địa phương.
Nhưng cho tới nay, tình hình không diễn ra theo hướng đó. 3 trong số các công ty xây dựng lớn nhất Ba Lan đã tuyên bố phá sản trong mấy tuần gần đây, sau khi thua lỗ tới hàng trăm triệu USD tại các dự án EURO 2012. Ngày 4/6 vừa qua, Tập đoàn kỹ thuật PBG (PBG), vốn xây 3/4 sân vận động mới của Ba Lan phục vụ giải đấu, đã đề nghị được tái cấu trúc khoản nợ trị giá 427 triệu USD.
“Ai sẽ phải trả khoản nợ này? Ví dụ của PBG cho thấy kẻ không may đó là các ngân hàng" - Piotr Czarnecki, giám đốc điều hành chi nhánh Ba Lan của tập đoàn ngân hàng Raiffeisen International nói với kênh truyền hình CNBC.
Giới xây dựng Ba Lan lỗ nặng bởi họ cạnh tranh quá gay gắt với nhau để giành hợp đồng. Một số công ty đã bỏ thầu thấp hơn tới 40% mức giá thấp nhất mà chính phủ đưa ra. Chi phí tăng cao đã nhanh chóng đẩy họ lâm vào cảnh nợ nần.
Trong khi đó, Ukraina đang đau đầu trước khoản nợ từ 6 tỉ tới 8 tỉ USD do công tác chuẩn bị EURO 2012 gây ra. Giới chức nơi đây dự đoán hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp thị hình ảnh liên quan tới giải đấu có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên sự kỳ vọng đã trở thành thất vọng khi mà vấn đề cơ sở hạ tầng lại không phải là điều khiến giới đầu tư e ngại, mà chính là môi trường kinh doanh ở nơi đây.
Ngoài ra, dù cơ sở hạ tầng đã có sự cải thiện, đến nay Ukraine vẫn chưa thể thu hút một số lượng đáng kể du khách từ châu Âu. Ngay cả trong dịp EURO, nhiều cổ động viên nước ngoài cũng quyết định không đến Ukraina do giá phòng khách sạn “trên trời” ở bốn thành phố tổ chức các trận đấu.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)