Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Chủ tịch UEFA cực lực phản đối chuyện áp dụng công nghệ vào môn Thể thao Vua

Thứ Tư 27/06/2012 15:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Trong khi toàn bộ những thành phần tham gia làng túc cầu giáo bao gồm cả cơ quan quyền lực cao nhất (FIFA) đang rất ủng hộ kế hoạch triển khai các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại vào các trận đấu bóng đá, nhằm hạn chế sai sót ở mức tối đa thì có một con người lại thích đi ngược xu thế thời đại. Đó là ngài chủ tịch đáng kính của Liên đoàn bóng đá chau Âu (UEFA), Michel Platini. Thậm chí huyền thoại người Pháp còn gọi đó là một sai lầm lịch sử.

Ai cũng biết bao lâu nay, sai lầm của trọng tài đã là một phần không thể thiếu của môn Thể thao Vua bởi dẫu sao họ cũng chỉ là con người đâu phải thần thánh mà không bao giờ mắc lỗi. Có những sai sót có thể cho qua một cách nhẹ nhàng và không bị chỉ trích quá nhiều song có những sự vụ mà đến giờ, nhiều người vẫn nhớ như in và luôn được nhắc đi nhắc lại không ngừng. Một trong số đó chính là phạm trù "bàn thắng ma", tức là các pha lập công thiếu hợp lệ nhưng được công nhận và ngược lại (hợp lệ mà lại bị từ chối), hoàn toàn xuất phát từ lỗi nhận định chủ quan của trọng tài xung quanh một câu hỏi duy nhất: Trái bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa.

Chủ tịch UEFA, Michel Platini
Chủ tịch UEFA, Michel Platini

Thực ra, cũng cần phải thông cảm cho trọng tài bởi tình huống diễn ra cực nhanh và không phải lúc nào trái bóng cũng nằm sâu trong khu vực phía sau vạch vôi rồi thì giới cầu thủ luôn rất láu cá nên việc xuất hiện sai lầm là rất bình thường. Vấn đề này ngày một trở nên nóng bỏng kể từ VCK World Cup 2010 khi trọng tài từ chối không công nhận bàn thắng cho ĐT Anh tại trận đấu vòng 1/8 gặp Đức dù cú sút xa của Lampard đã đưa trái bóng đến vị trí nằm sau vạch vôi đến cả nửa mét. Sau "cột mốc" đó, dư luận bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu FIFA cần phải có biện pháp trợ giúp trọng tài nhằm giảm bớt tối đa sự thiếu công bằng mà cụ thể là áp dụng công nghệ "mắt diều hâu" (hawk-eye) ở hai bên cầu môn, giống hệt như môn tennis. Hồi đầu FIFA vẫn còn khá bình thản nhưng rồi đã xuất hiện thêm một vài vụ việc tương tự và rốt cục, tổ chức này đã phải tuyên bố vào tháng 7 này, sau Euro 2012, họ sẽ nhóm họp ban lãnh đạo để đi đến thống nhất: Liệu có nên đưa công nghệ vào bóng đá (một số cuộc thử nghiệm đã được tiến hành và thu lại kết quả đáng khích lệ). Thật trùng hợp, ở Euro 2012 này, đã xảy ra một trường hợp "bàn thắng ma" nữa tại trận tứ kết giữa Anh và Italia (John Terry phá bóng giải nguy sau vạch vôi), bất chấp UEFA đã bổ sung thêm hai vị trợ lý trọng tài chỉ chuyên quan sát mọi động thái trong khu vực cấm địa. Đó như là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, khiến FIFA buộc phải đưa ra hành động và khó lòng tiếp tục nói "không" với công nghệ.

Tuy nhiên, khi mọi việc đang đi rất đúng hướng và hợp "thời thế" thì tự dưng, ngài chủ tịch UEFA lại nổi hứng phát ngôn "linh tinh" và chắc chắn huyền thoại vĩ đại nhất làng bóng đá Pháp sẽ được nhận những phản ứng dữ dội từ nhiều phía. Trên tờ Independent, Michel Platini đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Vào thời điểm này, tôi không phải là chủ tịch FIFA và cũng không chắc, tôi có trở thành người lãnh đạo tổ chức này trong tương lai nhưng tôi thấy FIFA và người Anh (lực lượng ủng hộ mạnh mẽ nhất việc áp dụng công nghệ vào bóng đá. Ngoài ra, theo quy tắc "bất di bất dịch" kể từ môn Thể thao vua ra đời, mọi thay đổi lớn của làng bóng đá thế giới cần phải được thông qua bởi một Hội đồng tối cao có quyền hạn lớn hơn FIFA và do người Anh chiếm đa số - PV) đang tạo ra một sai sót lớn mang tính lịch sử. Đó là quan điểm của riêng cá nhân tôi".

Và Platini đã lý giải vì sao ông lại nghĩ như vậy: "Tôi dị ứng với vấn đề công nghệ. Mấy năm qua, tại Champions League và Europa League (hai giải đấu cấp CLB tầm châu lục do UEFA tổ chức) không hề xảy ra sai sót nào. Theo thống kê, có khoảng 12 lần trái bóng rơi vào tình huống nhạy cảm (khá gần vạch vôi) và đều được vị trợ lý trọng tài ở khu vực vòng cấm phát hiện, từ đó có quyết định xử lý chuẩn xác. Ngoài ra, còn phải kể đến những quả phạt 11m, những pha phạm lỗi mà trước kia rất khó nhận biết nếu không có sự cải tổ đội ngũ trọng tài. Có lẽ sai sót duy nhất của trọng tài tại các giải lớn do UEFA tổ chức là bàn thắng bị từ chối của Ukraine ở trận gặp Anh. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, trước đó cầu thủ của Ukraine đã rơi vào thế việt vị. Vậy thì, công nghệ nhằm xác định chuẩn xác trái bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa liệu có ích lợi gì ở đây. Giờ tôi thử đặt giả thuyết: Nếu như công nghệ được áp dụng, đồng nghĩa bàn thắng của Ukraine được công nhận nhưng trước đó, đã xuất hiện một tình huống việt vị rõ ràng. Thế thì chúng ta sẽ phải xử trí ra sao bởi công nghệ chỉ được triển khai ở khu vực cầu môn chứ đâu có trải rộng trên cả mặt sân nên tất nhiên, không thể biết và cũng không có quyền xử lý chuyện việt vị. Mà tôi nói thực, làm sao lường hết mọi tình huống xảy ra trong một trận đấu và công nghệ chẳng phải là cây đũa thần mà nắm bắt hết được tất cả. Chưa kể, ứng dụng nhiều quá, trận đấu sẽ bị cắt vụn. Nói chung, hãy để con người điều khiển trận đấu như trước kia. Đó vẫn là phương án tối ưu nhất".

Kể ra, Platini cũng có cái đúng của mình vì công nghệ chuẩn bị được áp dụng (nếu trở thành hiện thực) mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề nhưng dẫu sao, có còn hơn không. Xem ra, Platini muốn lần nữa lại thích biến thành "mục tiêu ném đá" của dư luận như vài lần trước đó với những phát ngôn "sốc".

  • Bảo Phương

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X