- U19 Việt Nam xáo trộn lực lượng trước giờ chốt danh sách
- HLV ĐT Futsal Việt Nam: “Không có gì là không thể xảy ra”
- U16 Việt Nam chốt danh sách dự VCK U16 châu Á 2016
Một lần nữa, sự loay hoay khi triệu tập cầu thủ thi đấu ở nước ngoài như Công Phượng, Tuấn Anh lại cho thấy phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của VFF.
Vào cuối tháng 9 tới đây, ĐT Việt Nam sẽ có lần thứ 3 tập trung dưới triều đại HLV Hữu Thắng để chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup cuối năm. Trong đợt hội quân lần này, chiến lược gia người Hà Tĩnh dự định triệu tập khoảng 30 gương mặt, trong đó bao gồm bộ khung cũ và một vài tân binh mới. Mọi chuyện tưởng chừng sẽ diễn ra rất suôn sẻ bởi đó lời thời điểm V-League đã hạ màn.
Công Phượng chưa được Mito cho phép về nước |
Tuy nhiên, rắc rối đã xảy đến khi VFF cho biết họ gặp khó trong việc triệu tập bộ 3 cầu thủ của HAGL đang được cho mượn ở nước ngoài. Cụ thể, các CLB Nhật Bản là Mito Hollyhock, Yokohama FC không đồng ý nhả Công Phượng và Xuân Trường. Trong khi đó, Incheon United của Hàn Quốc cũng (một lần nữa) không hài lòng khi Xuân Trường bị triệu tập.
Tại sao các đội bóng nước ngoài lại có thái độ bất hợp tác như vậy? Ai cũng biết rằng 3 cầu thủ Việt Nam hầu như chẳng đóng vai trò gì trong lối chơi và thành tích của họ khi hầu như không có cơ hội ra sân. Vậy thì lí do họ cố giữ người như vậy là gì? Chẳng phải cứ để các cầu thủ kia về nước theo yêu cầu của VFF là đơn giản thôi sao?
Câu trả lời nằm ở sự chuyên nghiệp. Như chúng ta đều biết, các CLB quốc tế làm việc theo nguyên tắc FIFA đã quy định, tức là họ chỉ cho cầu thủ về làm nghĩa vụ quốc gia vào những dịp đã được tổ chức này định sẵn, hay còn gọi là “FIFA Day”. Trớ trêu thay, AFF Cup chỉ là những giải đấu cấp thấp và không thuộc vào hệ thống của FIFA nên các đội bóng Nhật Bản và Hàn Quốc về lý thuyết không buộc phải đáp ứng phía Việt Nam.
Về thực tế, Mito Hollyhock và Yokohama không muốn làm sai luật, tạo tiền lệ xấu trong nội bộ đội bóng. Ngoài Công Phượng, Tuấn Anh, các đội bóng vẫn còn các ngoại binh và tuyển thủ quốc gia khác. Hành động đó có thể gây ảnh hưởng tới kỷ luật chung của CLB. Quả thật, khen bóng đá Nhật Bản có ý thức chuyên nghiệp chưa bao giờ là thừa.
Yokohama có lí khi giữ Tuấn Anh |
Chỉ riêng một vấn đề rất nhỏ như vậy nhưng họ cũng phân biệt rất rạch ròi. Công Phượng và Tuấn Anh là những cầu thủ được mượn về và có đóng góp rất ít cho CLB, nhưng họ vẫn đang là thành viên của đội bóng. Mọi cầu thủ như vậy đều có quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng như nhau.
Thử hỏi nếu Mito hay Yokohama có khoảng 10 cầu thủ thuộc các quốc gia khác nhau, mỗi khi “đến hẹn lại lên” các liên đoàn nước họ lại đua nhau xin người về thì CLB sẽ hoạt động ra sao. Rõ ràng, không phải họ cố tình làm khó ta mà ngược lại phía VFF với sự thiếu chuyên nghiệp của mình đang gây phiền toái cho các CLB này.
Trường hợp của Incheon United cũng không khác là bao. Trong lần tập trung thứ hai trước đây để đá Aya Bank Cup, họ cũng đã rất khó khăn mới nhả Xuân Trường và bắt cầu thủ này quay về Hàn Quốc ngay sau khi vừa đá xong chung kết và thậm chí anh còn chẳng kịp nhận huy chương cùng đồng đội. Lần này dự kiến cũng sẽ không có gì khác biệt, thậm chí còn khó hơn gấp bội bởi K-League đang bước vào giai đoạn căng thẳng và Incheon thì đang vật lộn ở đáy BXH trong cuộc chiến trụ hạng.
Incheon không vui khi phải nhả Xuân Trường những dịp VFF thỉnh cầu |
Ấy vậy mà chỉ có VFF là không chịu hiểu điều đó. Rõ ràng đây không phải lần đầu tiên họ rơi vào cảnh khó khăn này khi phải đi “vật nài” các đội bóng nước ngoài nhả cầu thủ. Thế nhưng rõ ràng cơ quan này không hề rút ra bài học và có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Rõ ràng, VFF tỏ ra rất bị động mỗi lần có đợt tập trung ĐTQG đơn giản bởi họ không lên kế hoạch dài hạn và kỹ lưỡng mà toàn hành động theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Hiện tại, VFF đã phải cầu cứu tới đơn vị đồng cấp của Nhật Bản là JFA. Đích thân Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản Kozo Tashima hứa sẽ sắp xếp một buổi gặp mặt giữa các bên gồm VFF, HAGL và 2 CLB Mito Hollyhock cũng như Yokohama FC. Chuyện nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng quả thực khả năng để thuyết phục các đội bóng này không cao.
ĐT Việt Nam gặp khó bởi chính sự bị động của VFF |
Hơn thế nữa, ngay cả trong trường hợp đàm phán thành công, Công Phượng và Tuấn Anh cũng chỉ có thể trở về sớm trước nửa tháng trước thời điểm AFF Cup khai mạc. Riêng Xuân Trường thậm chí còn muộn hơn hoặc không thể về bởi kế hoạch của cầu thủ này với Incheon là 2 năm chứ không phải 1 năm như 2 người bạn. Khi ấy, bộ 3 này sẽ bỏ lỡ giai đoạn tập huấn rất quan trọng của ĐT Việt Nam, vốn sẽ bắt đầu ngay từ cuối tháng 9 này. Đây là bộ 3 cầu thủ được HLV Hữu Thắng coi như xương sống của ĐT Việt Nam dưới thời ông. Vì vậy, thiếu vắng họ có thể sẽ là tổn thất cực lớn tại AFF Cup 2016 tới.
Cuối cùng, rõ ràng hành trình bơi ra biển lớn của bóng đá Việt Nam vẫn còn lắm gian nan. Không chỉ từ trình độ chuyên môn mà ngay cả những điều nhỏ nhất chúng ta cũng đang phải tiếp cận một cách chật vật. Chữ chuyên nghiệp xem ra vẫn còn khó học lắm thay!
Tường Minh