Trong khi học viện HAGL-Arsenal có kế hoạch đưa cầu thủ đi tập huấn, để chuẩn bị cho VCK U19 châu Á, thì VFF lại án binh bất động. Trong khi các học viện tư nhân thuê thầy ngoại đào tạo cầu thủ trẻ nhiều năm trước, thì VFF bây giờ mới bắt đầu tính
Những nhân vật đứng đầu VFF đang gây thất vọng lớn
Ngay sau vòng loại giải U19 châu Á, ngay sau khi U19 Việt Nam giành quyền vào VCK, học viện HAGL-Arsenal.JMG đã có ngay kế hoạch đưa lứa cầu thủ U19 của học viện này đi tập huấn nước ngoài dài hạn (có thể khoảng 6 tháng), nhằm chuẩn bị cho họ trước VCK U19 châu Á vào năm sau.
Ngược lại, VFF trong vai trò là cơ quan điều hành bóng đá nội, trực tiếp quản lý đội tuyển U19 Việt Nam vẫn chưa hề nghĩ đến chuyện ấy. Đấy là một sự chậm chân đáng trách, bởi VCK giải vô địch châu Á 2014 cũng là cơ hội để U19 Việt Nam tìm chiếc vé lịch sử, vào VCK U20 thế giới 2015.
Mới đây chính phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã khẳng khái cho rằng VFF đang đi sau học viện HAGL-Arsenal.JMG về nhiều mặt, cần phải học tập mô hình hoạt động của học viện này. Ngoài kế hoạch đào tạo dài hạn cần được thay đổi, VFF cũng phải tính lại kế hoạch ngắn hạn chuẩn bị cho đội tuyển U19 trước VCK U19 châu Á năm sau. Theo ông Dũng thì VFF sẽ nghiêm túc tính đến chuyện tổ chức giải U19 quốc tế, với sự tham dự nhiều đội bóng mạnh trên khắp thế giới (có thể là U19 Brazil, Argentina, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Trung Quốc).
Giải đấu đấy sẽ giúp cho đội tuyển U19 Việt Nam cọ xát với các đối thủ trên tầm, trước khi bước vào VCK châu Á, nơi đội cũng toàn đụng phải đối thủ trên tầm. Và cũng theo chính ông Dũng, ý tưởng về giải quốc tế vừa nêu cũng xuất phát từ ý tưởng của bầu Đức – ông chủ của học viện HAGL-Arsenal.JMG.
Rõ ràng là về mặt ý tưởng, VFF đang đi sau ông Đoàn Nguyên Đức, đấy có thể là một trong những lý do khiến VFF hiện quá trì trệ so với sự chuyển động của bóng đá toàn cầu nói riêng, và trì trệ so với tốc độ chuyển động của xã hội nói chung. Tiếc hơn nữa là nhiều vị ngồi ở các vị trí chóp bu của VFF thấy cái hay không chịu học, mà toàn chọn cách phát biểu chống chế cho cái dở của chính mình (như cách chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ mấy lần phát biểu thời gian qua).
Câu chuyện về cung cách đào tạo bóng đá trẻ của VFF lại là một ví dụ khác. Trong khi các học viện bóng đá tư nhân như HAGL-Arsenal.JMG, Viettel, PVF nhiều năm qua rất chịu khó và chịu tốn kém để tuyển quân khắp nước, sàng lọc cầu thủ theo mô hình tuyển từ vòng loại đến VCK, thì VFF cho đến giờ vẫn không làm nổi kiểu ấy.
Nếu như Viettel, PVF tuyển thầy cho trung tâm bằng cách trọng dụng nguyên thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam như Trần Minh Chiến, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Phúc Nguyên Chương… (PVF), hoặc Nguyễn Hồng Sơn, Trần Tiến Anh, Nguyễn Đức Thắng… (Viettel).
Nếu HAGL-Arsenal.JMG chuộng chất xám từ chuyên gia ngoại (Graechen Guillaume), thì qua cách chọn thầy của trung tâm đào tạo trẻ của VFF, người ta không thấy tinh thần cầu thị trong việc chọn thầy cho các mầm non, khiến cho người giỏi thực sự rất ngại làm việc với VFF. Thiếu ý tưởng đang trở thành vấn đề quá lớn đối với VFF. Ở nơi ấy, từ bấy lâu nay, thay vì vạch định hướng và đi theo lộ trình đã vạch, người ta toàn chọn cách cứ đi rồi hy vọng thấy đường.
Ở nơi ấy, những ý tưởng mang tính đột phá thường vô tình bị triệt tiêu bởi cái gọi là trách nhiệm tập thể, kiểu mượn số đông để biểu quyết các vấn đề khó, dù chưa chắc số đông lúc nào cũng đúng. Không có ý tưởng mới khiến VFF luôn đi sau tốc độ phát triển của bóng đá chuyên nghiệp. Chỉ đến khi dư luận vỡ ra cái sai của VFF thì đấy thường là lúc mọi việc đã trở nên quá muộn để thay đổi (điển hình là việc họ để cho việc mua bán sang tên CLB lâm vào cảnh mất kiểm soát, việc trung tâm đào tạo trẻ đang tồn tại vừa tốn tiền vừa lãng phí…)
VFF cần phải được cải tổ gấp, bộ máy chóp bu của VFF cần phải được thay đổi gấp, nếu như tất cả những ai còn quan tâm đến bóng đá Việt Nam không muốn thấy cảnh bóng đá nội lún sâu hơn nữa.
Theo Dân Trí