Ngay từ khi còn là HLV tạm quyền, HLV Hoàng Văn Phúc đã tỏ ra là người khá hoạt ngôn. Thậm chí ông Phúc còn nói tới cả những vấn đề khá “cao siêu”. Có lẽ cần có ai đó tư vấn cho HLV Hoàng Văn Phúc, nhưng câu trả lời là gì? Không ai cả, từ phòng họp báo đến việc luận chuyên môn ở trên sân!
Nói và làm
Khi tiếp quản chiếc ghế bỏ trống mà người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng để lại, ông Phúc đã rất mạnh miệng tuyên bố rằng, ông sẽ xây dựng lối đá của các ĐTQG Việt Nam theo mô hình Tây Ban Nha (với lối chơi tiki-taka làm chủ đạo). Rất nhiều đồng nghiệp của ông Phúc (qua tham khảo của TT&VH) đã cười mỉm, bởi họ biết ông Phúc là ai và bóng đá Việt Nam đang ở đâu.Cách thức sắp xếp nhân sự cũng như bố trí chiến thuật ở ĐT U23 Việt Nam của HLV Hoàng Văn Phúc rất giống HLV Phan Thanh Hùng
Có thể thời điểm đó ông Phúc đã có chút cao hứng. Nhưng để ý rằng, sau những kết quả không mấy thành công cùng ĐT Việt Nam, ông Phúc vẫn tỏ ra rất tự tin. Từ lối chơi theo phiên bản tiki-taka của Tây Ban Nha, cựu HLV trưởng CLB Hà Nội, cũng nói luôn rằng, bóng đá Việt Nam còn tiềm ẩn rất nhiều tài năng và tiềm năng. “Tôi tự tin mình sẽ làm được và thành công”, ông Phúc nói.
Giữa nói và làm là 2 phạm trù khác nhau và rất thường xuyên, nó không đồng bộ. Thế mới có câu: “Nói thì dễ, nhưng làm mới khó”. Trong bóng đá, chiến thuật được xây dựng dựa trên nền tảng con người mà HLV có trong tay. Không có Xavi, Iniesta và Messi, Barca có thể đá tiki-taka không? Việt Nam thậm chí còn không sở hữu những bản sao của Xavi, Iniesta, Messi, dù ở đẳng cấp thấp hơn nhiều, huống hồ...
Messi hay David Villa, hoặc Torres, vẫn ghi bàn đều đặn (thậm chí là hiệu suất cao với trường hợp của Messi) trong màu áo Barca hay Tây Ban Nha, nhưng rõ ràng, tiki-taka phụ thuộc trực tiếp vào tuyến 2. HLV Phan Thanh Hùng đã từng kỳ vọng, rồi thất bại, khi tuyến 2 của ĐT Việt Nam không phát huy được vai trò. Cảm giác như ông Phúc đang dẫm lên vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Còn có lựa chọn khác?
Lựa chọn khác ở đây là việc xây dựng lối chơi đạt đến độ hợp lý và hiệu quả cho các ĐTQG Việt Nam, trong bối cảnh nền bóng đá phải chịu một cuộc khủng hoảng thiếu ở các vị trí then chốt, mà U23 Việt Nam là một điển hình. Cụ thể, chúng ta không sở hữu những trung phong giỏi để giải quyết bàn thắng, một tiền vệ tổ chức cũng không nốt và các trung vệ đẳng cấp đã mai một thực sự.
Bất cứ đội bóng nào, từ đỉnh thấp đến đỉnh cao, vai trò của trục dọc (xương sống) là cực kỳ quan trọng. Nó như cái đòn gánh, với bóng luôn được phát triển từ những vị trí này, để những vệ tinh xung quanh hưởng lợi và tỏa sáng đồng bộ. Khi chúng ta không sở hữu những con người cần thiết như thế thì cần đề cao lối chơi đồng đội, bằng sự cơ động (trong cả phòng ngự và tổ chức tấn công) của mọi vị trí trên sân.
Lấy ví dụ rất hình ảnh, mấy năm trở lại đây, các ĐTQG Việt Nam đã từng nhiều lần thất bại với sơ đồ xuất phát 4-5-1 (với trung phong cắm), vậy tại sao không dùng cặp tiền đạo đá song song? Việc tăng quân số ở khu vực giữa sân không những không phát huy hiệu quả (vì dứt điểm kém), mà ngược lại, việc dẫm chân lên nhau xảy ra rất thường xuyên, vậy sao không khu biệt vai trò rõ ràng hơn?
Không cần phải bậc chuyên gia mới có thể nhìn ra, bởi trong nhiều trận đấu, với những đối thủ ngang hoặc dưới “cơ”, chỉ cần dùng nhiều nhất 4 cầu thủ ở tuyến 2 là đủ. Nhưng từ HLV Phan Thanh Hùng đến Hoàng Văn Phúc bây giờ, đều không cho rằng cần thiết phải thế. Mỗi HLV đều có quan điểm làm chiến thuật không giống nhau, song rõ ràng cái đích hướng tới phải là sự hợp lý, hiệu quả.
Cảm giác như HLV Hoàng Văn Phúc đang rối, ngay ở vạch xuất phát. Ông Phúc cần nhiều hơn sự chia sẻ, chắc chắn thế!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)