Từ chuyện HLV Hoàng Anh Tuấn: Chỉ vì sự ganh ghét
Thứ Ba 13/06/2017 11:46(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Đến bao giờ thói ganh ghét mới biến mất để những người có tài, có tâm ở Việt Nam mới có thể tự do thể hiện tài năng, thay vì chán nản tìm cách sống "như một người bình thường"?
Á quân đường lên đỉnh Olympia mùa 1, Nguyễn Thành Vinh từng khiến nhiều người phải suy nghĩ khi chia sẻ tại sao không muốn về Việt Nam làm việc sau khi đi du học: "Chúng tôi đã bỏ hết tuổi trẻ ra để học, để đeo đuổi một con đường và muốn làm những thứ chuyên môn đúng nghĩa nhưng ở Việt Nam thì chắc chắn là khó làm được".
|
HLV Hoàng Anh Tuấn rất cố gắng dù phải chịu nhiều áp lực tại U20 World Cup 2017. |
Có thể đó cũng là lời "ngụy biện" như một số ý kiến đánh giá nhưng phần nhiều đều nhận xét rằng đó cũng là một nguyên nhân xác đáng. Ở Việt Nam, những người làm chuyên môn đơn thuần rất "khó sống". Chuyện sinh viên ra trường sau đó đi làm trái ngành, trái nghề vẫn là đề tài muôn thuở tại Việt Nam khi môi trường làm việc yêu cầu họ làm tốt về chuyên môn là chưa đủ, mà còn phải "biết cách sống".
Thói ganh ghét từ lâu vẫn tồn tại trong môi trường xã hội Việt Nam. Thấy ai đó nổi bật, một đám đông ganh ghét sẽ tìm cách bới móc, chỉ trích để "dìm" người ta xuống. Như các chuyên gia nước ngoài từng nhận xét. Ở môi trường Việt Nam, nhiều người giống con cua, con này bò lên cao hơn một chút thì đám đông ở dưới dùng càng kéo xuống cho bằng nhau.
Hay câu chuyện của Nguyễn Hà Đông, "cha đẻ" của cơn sốt Flappy Bird bị chính "anh hùng bàn phím" trong nước vùi dập là một minh chứng. Trong khi giới truyền thông quốc tế đánh giá cực cao "cơn sốt" Flappy Bird thì ở Việt Nam, thay vì tự hào, một đám đông ganh ghét cố tìm ra điều gì đó để vùi dập chính "đồng bào" của mình.
Người ta bới móc rồi loan tin cho nhau đó là một sản phẩm ăn cắp, sao chép. Tệ hơn, đám đông nguy hiểm còn đăng tải cả lên những diễn đàn quốc tế về những lời cáo buộc vô căn cứ xuất phát từ thói ganh tị. Vấn đề ở chỗ Nguyễn Hà Đông thu tiền tỉ ngoài dự kiến từ Flappy Bird và đám đông đố kỵ cảm thấy ganh ghét, cố gắng làm điều gì đó để chứng minh "hắn cũng chẳng hơn gì mình, chỉ gặp may thôi".
Bất kỳ cá nhân nào thành công nào ở Việt Nam, sẽ có không ít kẻ đố kỵ đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan là "gặp may". Trong chương trình táo quân 2016, Táo Xã hội (do nghệ sĩ Chí Trung thủ vai) nói một câu đầy thấm thía: "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh nó tìm cách tiêu diệt".
Trở lại câu chuyện HLV Hoàng Anh Tuấn. Ngỡ như sau chiến tích lịch sử từ U20 World Cup 2017, ông sẽ được đón nhận với những ánh mắt trọng thị, không cần tung hô nhưng chí ít cũng nhận được những lời động viên sau quãng ngày dài nỗ lực. Nhưng không, vị chiến lược gia họ Hoàng bị chỉ trích thậm tệ từ những người đứng đầu VFF, từ một vị HLV lão làng nói rằng thành công của ông là "may mắn", đáng buồn hơn là cả một bộ phận người hâm mộ cũng gây thêm áp lực.
|
HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ dự định chia tay trên trang cá nhân. |
Quá mệt mỏi sau quãng thời gian dài gồng mình với những áp lực, HLV Hoàng Anh Tuấn dường như có ý muốn bỏ cuộc. Trên trang cá nhân, ông lấp lửng về việc chia tay bóng đá trẻ Việt Nam với hai dòng trạng thái đăng tải cách nhau rất gần. Đầu tiên là "The time to say good Bye !!! Not bad ???" (tạm dịch: Đã đến lúc nói lời chia tay!!! Không tệ nhỉ?) và gần nhất là "RELEASE!!! SORRY ALL!" (tạm dịch: Giải thoát! Xin lỗi mọi người).
Những người làm việc cùng vị chiến lược gia người Khánh Hòa cũng như rất nhiều người hâm mộ động viên ông hãy tiếp tục bất chấp sức ép ngoài chuyên môn. Nhưng đáng buồn là một bộ phận CĐV không hiểu vì mục đích gì hả hê tiếp tục chỉ trích, tiếp tục mong ông Tuấn tránh xa nền bóng đá nước nhà. Có lẽ vì ganh ghét chăng?
Sau khi trở về từ Hàn Quốc, HLV Hoàng Anh Tuấn từng chia sẻ: "Suốt chặng đường vừa qua, tôi đã phải tìm cách để vượt qua những trở ngại ngu ngốc dành cho mình. Trong khi đó lẽ ra tôi chỉ phải dồn toàn thời gian, tâm sức cho bóng đá".
Từ câu nói này nhớ đến câu nói của Nguyễn Thành Vinh ở đầu bài viết để rồi ngẫm: Tại sao họ chọn ra đi?
Như Đạt (TTVN)