Hôm qua (7/11), VFF đã giao cho ông Ngô Lê Bằng làm lãnh đội U23. Đây thực sự là cơ hội để ông Bằng khẳng định vai trò của mình, nhưng cũng là một thách thức quá lớn bởi chiếc ghế lãnh đội (trưởng đoàn) luôn có nhiều sóng gió.
Các trưởng đoàn bóng đá Việt Nam thường gắn liền với những kỷ niệm buồn. Còn nhớ Phó chủ tịch VFF Lê Thế Thọ đã phải viết đơn từ chức sau SEA Games 23, sau sự cố bán độ của nhóm cầu thủ Quốc Vượng, Văn Quyến. 2 năm trước TTK Trần Quốc Tuấn cũng phải nộp đơn xin từ chức sau thất bại của đội tuyển U23 tại SEA Games 26. Gần nhất, trưởng đoàn U23 Việt Nam Trương Hải Tùng cũng bị VFF cách chức tại BTV Cup vừa qua, khi không làm tốt nhiệm vụ.
Sau những vụ “bay ghế”, ở VFF gần như không ai còn mặn mà với chiếc ghế trưởng đoàn, vừa nhiều trách nhiệm, nhiều áp lực, nhiều rủi ro. Chính vì thế, nhiều người đã khá bất ngờ khi ông Ngô Lê Bằng dám nhận “ghế nóng” một lần nữa.
Còn nhớ, khi nhận nhiệm vụ làm trưởng đoàn tại AFF Cup 2012, ông Bằng từng tâm sự: “Nhiều bạn bè nhắn tin...chia buồn với tôi. Chiếc ghế có nhiều sức ép, nhưng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần”. Còn lần này, ông Bằng chắc chắn sẽ phải đối mặt với một kỳ SEA Games có rất nhiều việc phải giải quyết, nhằm đảm bảo quyền lợi lớn nhất cho đội U23.
Thực tế, nhiệm kỳ VI cũng sắp hết và ông Bằng chẳng có lý do gì phải lo ngại mất chức. Trong trường hợp U23 Việt Nam thi đấu thành công, giành ngôi vô địch SEA Games 27, ông Bằng chắc chắn sẽ ghi điểm và sẽ có cú “hạ cánh” an toàn trong nhiệm kỳ của mình. Tất nhiên, nói trước bước không qua, ông Bằng lúc này đang cùng Ban huấn luyện đội tuyển U23 chuẩn bị những kế hoạch để giúp U23 có một quá trình chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 27.
Ngoài ông Bằng làm lãnh đội U23, VFF cũng quyết định cử ông Phan Anh Tú, Tổng thư ký LĐBĐ Hà Nội làm lãnh đội bóng đá nữ; ông Trần Anh Tú, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM làm lãnh đội 2 đội futsal nam - nữ. Ngoài ra, VFF cũng đã thành lập Ban chỉ đạo gồm 8 thành viên, do Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ làm trưởng ban.
Theo Dân Trí