Bay nhảy như người nhện, “xuất tướng” liều mình như chẳng có trong vài pha bóng đối mặt với tiền đạo đối phương, la hét đến khản cổ chỉ đạo hàng thủ…, nhưng đồng đội phía trên vẫn mắc sai lầm, để sổng tiền đạo đối phương, khiến ĐT Việt Nam hết hòa lại thua.
Có một chi tiết đáng lưu ý là trong tổng cộng 5 bàn thua của ĐT Việt Nam tại vòng bảng AFF Cup 2012, người gác đền Dương Hồng Sơn hoàn toàn không mắc một lỗi cơ bản nào. Điều ấy là rất đáng bàn.
Khi tượng đài suy sụp
Trong mắt rất nhiều những đồng nghiệp, đồng đội, Hồng Sơn là thủ môn hay nhất của bóng đá Việt Nam từ độ 5 năm đổ lại (tình từ thời điểm ĐT Việt Nam lọt vào đến tứ kết Asian Cup 2007). Có thể nghi ngờ những nhận xét cảm tính, nhưng những nhận định của dân trong nghề, của người trong cuộc, rất đáng tin cậy. Hãy nghe Thế Anh, đồng nghiệp và là đồng hương của Hồng Sơn nói: “Anh ấy được đào tạo bài bản từ lò thủ môn có tiếng SLNA. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Sơn có năng khiếu thiên bẩm mới đạt đến đẳng cấp như lúc này”.TM Hồng Sơn tuy vẫn duy trì được phong độ nhưng không phải là một giải pháp lâu dài cho ĐT Việt Nam
Tuy nhiên, cuộc sống bóng đá với Hồng Sơn không chỉ có nhung lụa. Thực tế, người hùng của ĐT Việt Nam tại giải vô địch châu Á cách đây 5 năm và tại AFF Cup 2008 đã có lúc muốn buông xuôi. Gần nhất là AFF Cup 2010, khi Sơn (và đồng đội ở hàng hậu vệ) đã mắc những sai lầm cơ bản trong trận thua 0-2 trước ĐT Philippines ở Mỹ Đình, để rồi phải hứng chịu những chỉ trích. Sơn buông tay, nhường lại vị trí trong khung gỗ cho Tấn Trường. ĐT Việt Nam trong năm 2011 dưới triều đại Falko Goetz, Hồng Sơn cũng không phải kép chính.
Trước ngày AFF Cup 2012 khởi tranh, trước trận đấu với Myanmar, thông tin hành lang khẳng định nhiều khả năng Tấn Trường sẽ được cất nhắc bắt chính. Nhưng cuối cùng, Sơn đã lại hiện diện trong khung gỗ, không hẳn bởi trước đó Trường đã dính “phốt”, mà đơn giản, ĐT Việt Nam vẫn cần anh. “Chúng tôi hy vọng kinh nghiệm và đẳng cấp của Sơn sẽ đưa đội bóng trở lại ngôi vị cao nhất như cách đây 4 năm”, lời một trợ lý. Hồng Sơn cũng quyết tâm lắm lắm!
Nhưng, tất cả đã sụp đổ chỉ trong chớp mắt. Sơn dù cố gắng, nhưng không thể gượng lại được, khi các vệ tinh gần đó cứ lần lượt mắc sai lầm và bản thân thủ thành xứ Nghệ cũng không thể ghi bàn thay cho đồng đội trên tuyến đầu! Cay đắng rời cuộc chơi và so với kỷ niệm buồn cách đây 2 năm, có lẽ thất bại lần này còn nặng nề hơn với cá nhân Hồng Sơn, người đã chơi đủ 270 phút, không mắc bất cứ sai lầm nào, nhưng đội bóng vẫn chơi thất vọng và thất bại.
Thì đây sẽ là lần cuối?
Sau khi Việt Thắng bị loại trước giờ lên đường, Hồng Sơn chính là cầu thủ lớn tuổi nhất của ĐT Việt Nam trong hành trình đến với AFF Cup 2012, dù Sơn mới chỉ bước qua tuổi 30 (theo giấy tờ). Với HLV Phan Thanh Hùng và cộng sự, nhu cầu trẻ hóa ĐT là có thật, cho những phép tính tiếp theo ở thì tương lai về sự kế cận và kế thừa. Chưa có phát biểu chính thức nào được đưa ra từ Hồng Sơn, rằng anh sẽ dừng lại, để nhường vị trí cho đàn em, nhưng…
30 tuổi, với 2 đứa con, gia đình đầy đủ và một công việc ổn định, một vị trí được đảm bảo ở CLB HN.T&T, Hồng Sơn có đủ những lý do cho một cuộc chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế. Hồng Sơn hẳn cũng dành nhiều hơn thời gian cho gia đình, người thân và bạn bè. Thời gian gần đây, người ta thấy Sơn luôn rất tranh thủ giao lưu – kết bạn với bóng đá… phong trào và ở đó, không phải những cau có thường thấy, mà là những tiếng cười giòn tan hết cỡ.
Hồng Sơn đã và sẽ có những tính toán cho riêng mình, còn với bóng đá Việt Nam, cấp độ ĐTQG, cũng cần lên những phương án thay thế, kế thừa. Không thể nước đến chân mới nhảy, như cái cách tìm kiếm và chọn HLV trưởng các ĐTQG (thời hậu Falko Goetz), để rồi thất bại của ĐT Việt Nam trên đất Thái được nhìn nhận là “thiếu sự chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc”.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)