Tại sao thủ môn Việt Nam vẫn mãi là nỗi ám ảnh?
Thứ Năm 14/09/2017 15:28(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Sai lầm của thủ môn trẻ Y Eli Nie tại giải U18 Đông Nam Á mới đây mà đã khiến U18 Việt Nam thua đau chủ nhà U18 Myanmar để rồi phải cay đắng về nước ngay sau vòng bảng một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thủ môn. Tại sao bóng đá Việt Nam cứ mãi thiếu thủ môn "đáng tin cậy"?
19 năm trước, "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam với những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Việt Hoàng,... từng đánh bại "ông kẹ" Thái Lan ở bán kết với tỉ số 3-0. Tưởng như ngôi vị dẫn đầu bóng đá khu vực đã tiến tới rất gần như sai lầm của thủ thành Trần Tiến Anh trong trận chung kết với Singapore khởi đầu cho cơn ác mộng mang tên thủ môn với bóng đá Việt. Liệt kê những sai lầm của thủ môn tại các giải đấu chắc chắn tràn ra khuôn khổ một bàn tay như Võ Văn Hạnh (Tiger Cup 2000), Trần Minh Quang (Tiger Cup 2004), Dương Hồng Sơn (AFF Suzuki Cup 2008), Bùi Tấn Trường (AFF Suzuki Cup 2010), Trần Nguyên Mạnh (AFF Suzuki Cup 2014, 2016),...
|
Phí Minh Long tiếp tục "truyền thống" hay mắc sai lầm của các thủ môn Việt Nam. |
Năm 2017 tiếp tục chứng kiến một loạt sai lầm của các thủ môn được đánh giá triển vọng của bóng đá Việt Nam. Tiến Dũng mắc sai lầm trong trận thua U22 Hàn Quốc tại vòng loại U23 châu Á 2018. Phí Minh Long sau đó được HLV Hữu Thắng sử dụng tại SEA Games 29 mắc liên tiếp hai lỗi trong trận thua Thái Lan. Gần nhất, Y Eli Nie là cái tên tiếp theo gợi lại nỗi ám ảnh người gác đền tại các lứa tuyển. Với một loạt sai lầm có tính hệ thống như thế, câu hỏi đặt ra là tại sao thủ môn Việt dễ mắc lỗi?
Nguyên nhân đầu tiên nằm ở việc tuyển chọn thủ môn rất khắt khe. Yếu tố đặc biệt cần thiết với những "người gác đền" là phải có chiều cao tốt với sải tay dài để tránh gặp bất lợi trong những pha tranh chấp trên không, cũng như đủ tự tin khi đứng trong khung gỗ rộng. HLV thủ môn Dương Ngọc Hùng cho biết yêu cầu chiều cao của những người gác đền tối thiểu phải là 1m8, nghĩa là các cầu thủ muốn được đào tạo để trở thành thủ môn phải đạt đến chiều cao này, hoặc tối thiểu là 1m75 khi đạt đến độ tuổi 15.
Cuối năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam là 163.7 cm. Điều đó đồng nghĩa với việc các cậu bé ở độ tuổi 12-14 cao 1m70 trở lên cực kỳ hiếm. Thường thường, các thủ môn của Việt Nam chỉ bắt đầu đi sâu vào đào tạo ở độ tuổi 15-17 khi đạt đủ yêu cầu về chiều cao. Bùi Tiến Dũng ban đầu được đào tạo cho vị trí trung vệ nhưng nhờ chiều cao tốt hơn đồng đội ở tuổi 15, cầu thủ xuất thân từ xứ Thanh mới bắt đầu được đào tạo ở vị trí thủ môn.
Andreas Koepke - HLV thủ môn ĐT Đức - từng tiết lộ rằng ở lứa U15, các thủ môn trẻ ở Đức đã trải qua khảo nghiệm về chiều cao từ lâu, được đào tạo từ sớm nên không chỉ hoàn thiện ở kỹ năng dùng tay, còn ở cảm giác vị trí và cả kỹ năng chơi bóng cơ bản. Trong khi đó, thủ môn Việt Nam thường bắt đầu được đào tạo chuyên môn ở độ tuổi 15-17 nên khó đạt đủ yêu cầu về chuyên môn. Đến khi lên tuyển U18, 19 hay 20, việc chưa đạt đủ yêu cầu chuyên môn khiến các thủ môn trẻ dễ mắc sai lầm. Và khi đã mắc sai lầm, nỗi ám ảnh ấy có thể thành trở ngại tâm lý trong suốt sự nghiệp của các thủ thành về sau này.
|
Y Eli Nie suy sụp sau sai lầm khiến U18 Việt Nam phải về nước ngay sau vòng bảng giải U18 Đông Nam Á 2017. Ảnh: Zing.vn |
Hơn nữa, việc thiếu coi trọng trong khâu chọn lọc và đào tạo là nguyên nhân chính khiến Việt Nam thiếu thủ môn giỏi. Như đã đề cập ở trên, các thủ môn Việt Nam thường chỉ được đào tạo chuyên sâu vào quãng thời gian 15-17 tuổi. Trong khi đó khi bắt đầu chọn lọc ở độ tuổi 8-12, các lò đào tạo thường bắt đầu phân cầu thủ nhí tùy theo năng khiếu ở từng vị trí như tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ,... nhưng hiếm khi có thủ môn. Phải về sau này, những cầu thủ có thể hình tốt hoặc là tự thấy mình có tố chất, hoặc là không cạnh tranh được vị trí với các cầu thủ khác trong đội mới chuyển sang thi đấu ở vai trò thủ môn. Nghĩa là nhiều thủ môn Việt đến với khung thành theo con đường gượng ép mà không thực sự có năng khiếu ở vị trí này, câu chuyện của Bùi Tiến Dũng là một ví dụ cụ thể.
Chính việc không có lộ trình nhất quán trong việc lựa chọn và đào tạo thủ môn là một trong những nguyên nhân khiến vị trí người gác đền dễ trở thành "tử huyệt" của bóng đá Việt Nam tại các giải đấu lớn. Trong khi đó, thủ môn lại là vị trí quan trọng nhất, được ví với một nửa sức mạnh của đội bóng. Hơn nữa, thủ môn lại là người phải gánh chịu nhiều áp lực nhất, thần kinh luôn căng thẳng do luôn bị động khi phải đối phó với những pha dứt điểm của đối phương nhưng không được phép phạm sai lầm dù nhỏ nhất. Các thủ môn cũng phải tuân thủ theo giáo án riêng, thường thì nặng hơn so với các cầu thủ khác.
Cựu thủ môn đội tuyển VN, Nguyễn Hồng Phẩm thừa nhận: "Những 'tai nạn' của thủ môn sẽ không đến nếu họ được đào tạo bài bản từ thuở nhập môn. Tiếc rằng chúng ta lại có quá ít người thật sự đam mê, yêu nghề và được huấn luyện bài bản từ nhỏ".
Để cải thiện điều này cần một quá trình lâu dài, từ cải thiện nền tảng thể chất cho đến một lộ trình thông nhất trong việc lựa chọn, đào tạo thủ môn trẻ đi lên chuyên nghiệp. Các lò đào tạo phải chú trọng hơn nữa đến việc đào tạo thủ môn, thay vì chỉ đào tạo tiền đạo hoặc tiền vệ như một số trung tâm đào tạo đã và đang làm. Về phía VFF cũng nên mở lớp tập huấn chuyên môn dành riêng cho các huấn luyện viên thủ môn bởi xét cho cùng, một cầu thủ ở mọi vị trí chơi tốt hay dở phần lớn nằm ở việc có được đào tạo đúng cách hay không.
Như Đạt (TTVN)