Thứ Bảy, 11/01/2025Mới nhất
Zalo

Sao chỉ HLV Phan Thanh Hùng bị "phạt"?

Thứ Sáu 07/12/2012 09:52(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bóng đá Việt Nam, chuyện thưởng thì quá nóng nhưng chuyện phạt thì nguội lạnh. Chính xác hơn, phạm trù phạt không đủ thiết lập kỷ cương. Thành ra, việc cầu thủ dám “giỡn mặt” với màu cờ sắc áo, với hàng triệu người hâm mộ khi khoác áo ĐTQG, có gì lạ đâu.

Ở AFF Cup 2012 lần này mặc dù không treo thưởng nhưng đại diện VFF cũng đã bật mí số tiền thưởng sẽ rất nhiều, nếu như thầy trò Phan Thanh Hùng vô địch. Chiến dịch nào cũng thế, cầu thủ quá quen với việc “màu” nhiều hay ít. Chính cái luật ngầm phải thưởng đã tác động lớn đến động lực thi đấu của cầu thủ, từ cấp CLB cho đến ĐTQG. Không thưởng (kể cả thưởng ít), lãnh đạo và BHL khó ăn khó ngủ và… khó tin cầu thủ sẽ đá tử tế. Thưởng tiền đã đành, nhiều sếp còn nổi hứng thưởng đất, xe…,và bất kể thứ gì.

Vậy thì, lần đầu tiên dự giải đấu lớn trong khu vực mà không treo thưởng như AFF Cup lần này, liệu đấy cũng là nguyên nhân khiến cầu thủ đá như người mất hồn? Cũng có lý để băn khoăn, bởi nhiều tuyển thủ than khổ thảm thiết, trước khi lên đường sang Thái Lan đấy thôi.

Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung (trái) và HLV trưởng ĐT Việt Nam Phan Thanh Hùng
Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung (trái) và HLV trưởng ĐT Việt Nam Phan Thanh Hùng

Tóm lại, cầu thủ ta chỉ quen nhận và được thưởng, còn cái sự cho và chịu phạt bị xem nhẹ. Dường như, lĩnh vực bóng đá, sự bao dung với các cầu thủ lầm lỡ, phạm lỗi bị lạm dụng thái quá. Hãy để ý, ngay cả một cầu thủ bị treo giò vì lý do nào đấy, thậm chí nghiêm trọng, dường như lập tức, lãnh đạo chủ quản đều ra sức bênh vực, mong mỏi được giảm án cho quân của mình.

Hãy nhìn bóng đá Malaysia, để có nền tảng và đẳng cấp ổn định như hiện nay, họ đã từng cho gần 100 cầu thủ, quan chức đày ngoài đảo, cắt hết những ưu đãi. Chúng ta cũng từng có một cuộc bố ráp với tiêu cực năm 2005, nhưng xem ra vẫn chưa đủ sức răn đe với các cầu thủ. Những thất bại bị dư luận cho có mùi, còn V-League và hạng Nhất đoạn cuối năm nào cũng có vấn đề tiêu cực, cuối cùng vẫn được BTC báo cáo là thành công tốt đẹp.

Trở lại các ĐTQG, chúng ta chưa bao giờ sòng phẳng, rằng vô địch được tưởng thưởng như thế, còn thất bại (nhất là bị cho có mùi, thái độ bất thường) thì sẽ áp dụng chế tài phạt thế nào cho cầu thủ và BHL. Không phạt nặng, ở nhiều hình thức khác nhau, e rằng khó hy vọng cầu thủ sẽ được đánh động ý thức công dân.

Thật buồn cười, khi VFF bắn tiếng có một “danh sách đen” cầu thủ có vấn đề tại AFF Cup vừa qua. Số “ông trời con” (chẳng ai biết là cầu thủ nào!?) sẽ bị cấm khoác áo ĐTQG vĩnh viễn. Dư luận cho rằng bản danh sách đó tựa như VFF, với lý do nhân văn, thực chất chỉ là động tác giả, để hướng sự chú ý và phẫn nộ của dư luận vào cầu thủ. Nếu cầu thủ đã thực sự có vấn đề về tư tưởng, việc công bố danh sách, thậm chí phạt nặng hơn, mới là nhân văn. Chỉ như thế, mới thiết lập được kỷ cương, vốn đã đánh mất bao năm qua.

Với 4 tháng chuẩn bị, có cả lực lượng an ninh theo đội, trưởng đoàn là ông TTK Ngô Lê Bằng, “chính ủy viên” và ông PCT Nguyễn Lân Trung, tại sao vẫn để tình trạng có quyền lực đen trong đội bóng? Chỉ mỗi HLV Phan Thanh Hùng từ chức (coi như bị phạt), trong khi các ông Bằng, Trung và trên cả là Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và Thường trực lại không bị “phạt”?

Muốn phạt cầu thủ, khiến họ phục, dư luận ủng hộ, trước hết VFF phải đáng bị phạt và tự phạt mình trước! Với thất bại liên tiếp, thái độ mổ xẻ, nhận lỗi của VFF lâu nay chẳng thể làm cho dư luận cả nước hoàn toàn hài lòng.

Vấn đề là ai sẽ phạt VFF? Một câu hỏi cũ rích nhưng chưa bao giờ được giải đáp thấu đáo.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X