Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn V-League lo cho đội tuyển quốc gia

Chủ Nhật 09/12/2012 11:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cách đây một năm, bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG đã bị nhuốm một màu u ám khi ĐT U23 Việt Nam thất bại trở về từ SEA Games 26 ở Indonesia, và từ kết quả này đã dẫn tới sự ra đi của HLV trưởng Falko Goetz cùng TTK VFF Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, bầu không khí u ám này nhanh chóng mất đi nhờ cuộc “cách mạng” mang tên VPF do bầu Kiên và những người bạn cùng chí hướng khởi xướng.

Một năm sau, ĐT Việt Nam tiếp tục thất bại ở sân chơi khu vực, và một lần nữa chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam lại phải đổi chủ. Còn ở cấp độ CLB, bóng đá Việt Nam tiếp tục trải qua một cơn bể dâu cực lớn nữa, nhưng lần này không phải là cách mạng mà là một cuộc khủng hoảng trên diện rộng.

Tương lai của ĐT Việt Nam sẽ đi về đâu nếu như không có cơ sở là một giải VĐQG chất lượng và giàu tính cạnh tranh
Tương lai của ĐT Việt Nam sẽ đi về đâu nếu như không có cơ sở là một giải VĐQG chất lượng và giàu tính cạnh tranh

Hơn 10 năm trước, chính xác là năm 1999, trong mùa giải tiền đề để chuẩn bị cho sự ra đời của V-League, VFF cũng tổ chức một giải đấu không có xuống hạng và được gọi là giải bóng đá tập huấn mùa xuân 1999. Không ai ngờ rằng sau 11 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, cuối cùng chúng ta lại trở về vạch xuất phát, với không phải một mà những giải đấu không có đội xuống hạng (V-League và giải hạng Nhất 2013).

Cho dù biện bạch hay giải thích bằng bất cứ lý do nào đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận một sự thực rằng đây chính là một bước lùi nghiêm trọng của bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB.

Và cũng không ai ngạc nhiên vì điều này, khi lâu nay dưới cái danh xưng bóng đá chuyên nghiệp hoặc bóng đá doanh nghiệp, người ta gần như phó mặc toàn bộ cho các ông bầu, để rồi bây giờ khi bóng đá không còn mang lại lợi ích (gián tiếp hoặc trực tiếp) thì hàng loạt ông bầu cùng nhau nói lời giã biệt, để lại một nền bóng đá hoang mang với những CLB bị giải thể và vô số cầu thủ thất nghiệp, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Điều đáng nói trong số những ông bầu đột ngột quay lưng với bóng đá có cả một vị là chức sắc rất cao trong VPF, mới cách đây chưa lâu thôi còn lên báo nói rất nhiều lời hay lẽ phải về cách làm bóng đá được xem là căn cơ và bài bản của mình. Thế rồi, cũng chính vị chức sắc ấy đã đồng ý chuyển giao đội bóng của mình cho một địa phương khác cách đấy gần nghìn cây số mà không có lấy một lời giải thích hợp tình hợp lý, khiến các cầu thủ của đội bóng không may ấy vô cùng bức xúc và phẫn nộ, còn dư luận thì hoang mang cực độ, bởi ngay cả một đội bóng được xem là thành trì như thế, lại được đặt dưới sự lãnh đạo của một lãnh đạo VPF, mà còn rơi vào hoàn cảnh như vậy thì người ta còn biết trông cậy vào đâu?!

Mới chỉ trước đây chưa lâu, bóng đá Việt Nam còn như ở một mặt bằng hoàn toàn khác với xã hội, khi sự tham gia ồ ạt của các ông bầu đã thổi giá cầu thủ lên tới mức không thể tưởng tượng nổi cùng những khoản thưởng kếch xù cho mỗi chiến thắng khiến người ta phải choáng váng, nhưng rồi đến thế nào thì đi như thế ấy, các ông bầu rút lui cũng mau lẹ và quyết đoán hệt như lúc họ mới đặt chân vào làng bóng, để lại một bãi chiến trường ngổn ngang và hỗn độn.

Người ta vẫn bảo giải VĐQG chính là tấm gương phản ánh năng lực cạnh tranh của ĐTQG, vậy với một giải VĐQG có dấu hiệu phú quý giật lùi sau hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp như thế này thì thành tích của ĐTQG trong tương lai gần sẽ như thế nào?! Câu trả lời xin dành cho những người có trách nhiệm.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X