Thứ Sáu, 27/12/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn từ chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam: Thách thức lịch sử

Thứ Ba 19/03/2013 15:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Với chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 - Tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phê duyệt, ai bảo một bộ phận những người chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vinh của nền bóng đá (VFF) vẫn chỉ giữ thói quen “tư duy nhiệm kỳ” và ai nói, các khóa V & VI của VFF, với Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (và cộng sự) là không có ưu thế về chuyên môn? Xin nói luôn, cùng với ông Hỷ (2 nhiệm kỳ từ 2005 – 2013), bóng đá Việt Nam đã một lần chạm ngưỡng ngôi vị số 1 Đông Nam Á (năm 2008).

Sau hơn 2 thập kỷ hội nhập trở lại với sân chơi khu vực mà bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG mới chỉ có một danh hiệu vô địch AFF Cup 2008
Sau hơn 2 thập kỷ hội nhập trở lại với sân chơi khu vực mà bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG mới chỉ có một danh hiệu vô địch AFF Cup 2008

“Sẩy cha còn chú…”

Ngày trước, khi bóng đá doanh nghiệp còn chưa thịnh và chưa phát triển thành một mô hình gọi là chuẩn chuyên nghiệp (theo AFC), các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm bằng nguồn nội lực là chính. Hiếm có những vụ chuyển nhượng (HLV và cầu thủ), nên việc anh A hay anh B chuyển về đầu quân cho một đội bóng nào đó cũng là do cơ chế. Ví như trường hợp anh em nhà Văn Dũng-Văn Sỹ vào đá cho Công an An Giang (thời điểm năm 1990), bắt đầu từ việc đội bóng cũ Dệt Nam Định bị kỷ luật (do đánh trọng tài Nguyễn Thu ở sân Chi Lăng-PV).

Những năm đầu bóng đá Việt Nam chập chững lên chuyên, sự giao thoa và trao đổi nguồn nhân lực giữa các địa phương phổ biến hơn. Nhưng gần như mặc định, với bất cứ quyết định chuyển về đầu quân nào của một bộ phận HLV hay cầu thủ gọi là tương đối có số má, cũng kèm theo điều kiện: lãnh đạo địa phương đó có máu bóng đá không?

Lý do là bởi chỉ khi lãnh đạo thích bóng đá thì HLV và cầu thủ mới có đất dụng võ và đường hoạn lộ vì thế cũng rộng hơn. Dám chắc rằng, những địa phương như Nghệ An hay Đà Nẵng, ngoài giá trị truyền thống được bảo lưu qua nhiều thế hệ thì lãnh đạo nơi đây hẳn rất máu bóng đá.

Sau mô hình bóng đá doanh nghiệp khởi thủy, rồi trở nên thịnh hành, cũng là thời điểm đánh dấu sự rút lui vào hậu trường của một số địa phương và các ông bầu được đề cao vai trò. Ông bầu bỏ tiền làm bóng đá và quyết định gần như toàn bộ sự thành bại của đội bóng.

Thế mới có giai thoại, khi hỏi bóng đá Việt Nam cấp CLB là của ai, đồng loạt đều trả lời là của các ông bầu. Hội nghị hay diễn đàn các ông bầu được tổ chức gần như độc lập với các hoạt động của VFF và cuối năm 2011, VPF ra đời như một đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Vẫn có câu: “Sẩy cha còn chú” mà!

Sẩy mẹ, liệu còn có dì?

Đứng trước cuộc khủng hoảng trên diện rộng cấp CLB, khi các ông bầu đồng loạt rút lui, VFF và thậm chí cả VPF thực sự đã rất lúng túng suốt thời gian dài. Hầu hết mọi chi phí, cũng như nhân sự liên quan đến bóng đá, đều phải cắt giảm.

Đến ngay cả việc đảm bảo quân số (có thể) tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp (V-League và hạng Nhất), để đáp ứng các nhu cầu của nhà tài trợ cũng như nhu cầu phát triển nền bóng đá, những nhà tổ chức đã phải giật gấu vá vai. Đồng Nai đã được trao tặng suất chơi V-League cũng vì lý do này.

Vấn đề đặt ra ở đây là, khi chúng ta gần như vẫn khoán trắng cho doanh nghiệp, liệu năm sau và thời gian tới nữa, các ông bầu cứ lũ lượt kéo nhau đình công, khiến đứa con bóng đá như thể "sẩy mẹ, liệu còn có dì để cho bú, để nuôi dạy không?"

Rõ ràng, bóng đá để phát triển nó một cách ngọn ngành, cần bàn tay của cả xã hội. Và bóng đá học đường cần được đưa vào các đề án và chiến lược phát triển như một đòi hỏi tất yếu. Thế nhưng, ngoài khó khăn khách quan như sân bãi hay nhu cầu tập luyện, chúng ta đang rất thiếu người làm chuyên môn.

Đến lúc này, lại phải lật lại vai trò của VFF, như đã nói ở đầu bài. Hàng năm, rất nhiều các lớp HLV bằng C, B, A được tổ chức, nhưng VFF gần như chỉ nhắm đến đối tượng thuộc biên chế các CLB hay Sở, thay vì mở rộng và trao nó cho các thầy ở trường học, hoặc đội ngũ sinh viên chuyên ngành bóng đá. “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam” được VFF trình Chính phủ trước khi mãn nhiệm kỳ (khóa VI, vào tháng 6 tới đây) và nó thực sự đặt nền bóng đá trước những thách thức mang tính lịch sử.

Kế thừa và thực hiện, hay chiến lược chỉ mãi là chiến lược?!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X