Chắc chắn, với tình yêu nồng nhiệt rất đặc thù, người hâm mộ sẽ dễ quên đi một thực trạng là nền bóng đá đang lỗi hệ thống, như sau AFF Cup 2008. Vậy thì, đâu phải là điều quá tốt!
Điều mà người hâm mộ chờ đợi nhất lúc này là những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam tìm ra một đường máu giúp bóng đá nước nhà thoát khỏi cơn đại khủng hoảng…Theo thông lệ, sẽ có một cuộc mổ xẻ thất bại được hô hào là “ra ngô, ra khoai”. Có thể một vài nhân vật ra đi (bị cách chức hoặc bị sức ép phải miễn nhiệm). Lần này không có HLV ngoại để làm vật tế thần, cũng hơi hay go đây! Rồi, tất cả đâu lại vào đấy.Thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012 suy cho cùng chưa chắc đã phải là bi kịch với bóng đá Việt Nam
Thất bại lần này của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đã là thảm họa chưa? Chưa hẳn, vì nếu để ý thấy khán giả cả nước chán ngán là mẫu số chung. Hay nói cách khác, việc ĐT Việt Nam trắng tay tại AFF Cup 2012 chẳng qua là thêm một giọt nước cho chiếc lý kiên nhẫn, là sự nối tiếp của niềm tin vốn bị xói mòn, từ những thất bại có tính hệ thống của các ĐTQG; là những đổ vỡ của hai giải đấu đỉnh cao được gọi nôm na là chuyên nghiệp. Trên cả, là tiếp nối những đổ vỡ của rất nhiều giá trị tốt đẹp mà bóng đá chân chính đã từng xây dựng nên.
Trong bức tranh màu xám tô vẽ nhiều năm, điều mà người hâm mộ mong mỏi tại AFF Cup 2012, ĐT Việt Nam sẽ làm được điều gì đó. Có thể, không vĩ đại là “cơn lốc” với ngôi vô địch, mà đơn chỉ là một làn gió mát, để xoa dịu những vết thương đang hoành hành các CLB, cùng 2 giải đỉnh cao vừa kết thúc. Thậm chí, chỉ cần rời giải nhưng thái độ tận hiến, nghiêm túc, đã là những phần thưởng có giá trị.
Tiếc thay, những yêu cầu đơn giản đó đã không được đáp ứng. Chưa nghe xì xào có mùi (đến thời điểm này), nhưng nhưng cơn sóng ngầm nội bộ đã sớm phô bày, càng thêm đau lòng. Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh có nhận xét khá trúng tâm lý của người hâm mộ về cầu thủ: “Họ muốn gì?”
Quả thật, lâu nay cầu thủ ta chỉ quen nhận, chứ chưa cho. Mặt khác, chưa tạo nên những chế tài, định chế nghiêm khắc để buộc cầu thủ phải đá thật. Từ CLB thì đá vì tiền thưởng, hơn là màu cờ sắc áo. Khoác áo ĐTQG thì luôn phân tâm, thua trận thầy và quan chức VFF có thể “gãy ghế”, còn cầu thủ thì vô can. Bóng đá giờ đây, các tuyển thủ ra mặt trận bóng đá không còn tâm thế của một “người chiến sỹ” như các thế hệ trước nữa. Vậy thì, việc đánh mất lòng tự trọng, danh dự và bất chấp nỗi đau của người hâm mộ, có gì lạ đâu.
Thất bại lần này của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng không là thảm họa ở chỗ: nó tiếp tục lột tả đúng bản chất của nền bóng đá đang thực sự cần phải tái cấu trúc toàn diện. Nó khiến chỉ những người lạc quan, nhất là VFF, phải “đau lòng” vì mong muốn lấy thành tích nhất thời của các ĐTQG để làm cứu cánh cho tổ chức mình. Ai cũng biết, người hâm mộ nước nhà yêu bóng đá, rất dễ tha thứ, nên một chiến công lần này (dù là may mắn như năm 2008) rất dễ làm số đông quên đi nền bóng đá đang thực sự lỗi hệ thống.
Tóm lại, thất bại của ĐT lần này là sự tất yếu. Điều khác biệt cho hậu thất bại, chỉ xảy ra nếu như VFF không bổn cũ soạn lại. Phải tiến hành mổ xẻ nghiêm túc, có sự giám sát của Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL và trên nữa. Dĩ nhiên, VFF phải được mổ xẻ đầu tiên, bởi khi thất bại mang tính hệ thống, toàn diện như thế chứng tỏ năng lực điều hành nền bóng đá của lãnh đạo tổ chức này quá có vấn đề.
Cần thiết, vẫn phải hoãn mùa giải 2013, tiến hành tổ chức Đại hội bất thường để cùng nhau bàn cách cứu “con tàu bóng đá” nước nhà đang thủng lỗ chỗ. Khi tìm ra được “đường máu”, lúc đó hãy làm lại từ đầu. Thà làm lại từ đống đổ nát, còn hơn tiếp tục đốt tiền và đốt niềm tin vô nghĩa.
Xét mặt này, mới thấy thất bại tại AFF Cup lần này không phải… thảm họa.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)