- Muốn có quả ngọt, hãy để Miura tự “gieo mầm”
- Bầu Đức: “Không có chuyện HLV Miura gọi U19 vào ĐTVN”
- Hãy giữ HLV Miura một cách lâu nhất có thể
Năm 2014, 2 HLV Toshiya Miura và Graechen đã mang tới một luồng gió mới cho BĐVN. Một người là mang lại hy vọng về công tác đào tạo bóng đá trẻ, một người mang tới tính trường phái phù hợp với tố chất cầu thủ Việt. Vậy Miura hay Graechen mới là người mà chúng ta đang thực sự cần để phát triển BĐVN?
Khi chuyên gia Guillaume Graechen đến Việt Nam cùng sự ra đời của lò HAGL JMG đã tạo một niềm hy vọng lớn lao cho NHM BĐVN. Người ta hy vọng những cậu bé được ông “Giôm” dạy dỗ từ khi 9, 10 tuổi sẽ có kỹ năng chơi bóng như những cầu thủ ở châu Âu. Và sau 7 năm khổ luyện, lứa “gà nòi” của bầu Đức đã chính thức ra mắt vào năm 2013 và ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn. Từ giải U19 Đông Nam Á 2013 cho tới giải U19 châu Á 2014, kể cả những giải giao hữu thì những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đều đem lại cảm xúc bất tận dành cho NHM.
Bầu Đức đã đúng khi cho ra đời học viện HAGL JMG và thực tế những kỹ năng xử lý bóng của những Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh đều thuộc vào loại xưa nay hiếm của bóng đá nước nhà. Và cũng không thể phủ nhận các cầu thủ do ông Graechen đào tạo đều chơi bóng đẹp mắt, xử lý bóng điêu luyện, chỉ có điều khi thi đấu các giải chính thức thì vẫn… thua, kể cả với các đối thủ cùng khu vực. Có phải vì lý do trên mà bầu Đức đã hoãn kế hoạch “xuất khẩu” cầu thủ ra nước ngoài? Hoãn đưa U19 đi đá Seagames rồi vô địch như những tuyên bố trước đó. Rõ ràng đến 1 người đầy tự tin như bầu Đức cũng phải e dè thì đủ hiểu sự thành công của mô hình HAGL JMG vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Miura hay Graechen mới thực sự là nhân tố còn thiếu của BĐVN? |
Nếu như ông Graechen là đại diện của cách làm bóng đá trẻ thì ngược lại HLV Miura lại là đại diện cho tính trường phái có tính chất định hướng. Dù chỉ sang Việt Nam khoảng 6 tháng nhưng chiến lược gia người Nhật đã xây dựng được 1 lối chơi mang tính hệ thống cao cho các ĐTVN. Từ đội U23 cho tới ĐTQG đều đã thể hiện được một lối chơi nhanh, gắn kết, đơn giản nhưng lại đem lại ít nhiều sự hiệu quả. Tuy nhiên điều khiến HLV Miura được lòng mọi lãnh đạo, mọi chuyên gia và toàn bộ khán giả BĐVN chính là lối chơi phù hợp với tố chất của cầu thủ Việt.
Thật ra việc bóng đá Nhật Bản phù hợp với BĐVN thì đã biết đến từ lâu, và thực tế VFF đã thực hiện cuộc cách mạng “Nhật hóa” trong 2 năm qua. Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện lại không hề dễ dàng như người ta tưởng, sự thất bại của 2 trưởng giải V-League là Tanabe và Tanaka là một minh chứng cho điều đó. Mọi thứ chỉ thực sự được giải quyết với sự có mặt của HLV Toshiya Miura. Chiến lược gia 51 tuổi đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của 2 đội U23 và ĐTQG từ thể lực, chiến thuật và nhất là thay đổi suy nghĩ chơi bóng của các cầu thủ.
HLV Miura tạo ra một nền tảng chắc chắn cho U23 và ĐTQG, đó là một đội bóng mạnh về thể lực, có lối chơi đồng nhất, thi đấu gắn kết. Dù ĐTVN đã thất bại tại AFF Cup 2014 nhưng ai cũng nhận ra trận thua trước Malaysia chỉ là lỗi cá nhân của hàng thủ. Xét về tính hệ thống, các đội bóng dưới thời HLV Miura được coi là có màn trình diễn ấn tượng và tạo ra niềm tin lớn nhất cho NHM. Và với những CĐV của BĐVN thì chỉ cần đội tuyển cháy hết mình như dưới thời Miura là đủ.
Quay lại câu hỏi ban đầu là BĐVN đang cần những người như HLV Miura hay Graechen? Nói cho cùng thì ông “Giôm” vốn chỉ là một ông thầy đào tạo cầu thủ trẻ do Arsenal điều phái sang. Đừng quên mô hình JMG đã từng thất bại và phải đóng cửa ở Trung Đông và nhất là Thái Lan. Như thế có nghĩa công nghệ đào tạo trẻ dù quan trọng những không phải là yếu tố hàng đầu để phát triển nền bóng đá. Nói cách khác, công tác “ươm mầm” tài năng trẻ chúng ta hoàn toàn có thể tự làm lấy. Vấn đề mấu chốt là phải định hướng lối chơi phù hợp với cầu thủ Việt, và ở điểm này ông Miura đang chiếm được đa số phiếu ủng hộ.
Doãn Công