- ĐỐI THOẠI: HLV Miura đã nói gì về bóng đá Việt, cầu thủ Việt và người Việt?
- ĐT Việt Nam chơi đẹp nhất AFF Cup 2014
- Bóng đá Việt Nam ở đẳng cấp nào so với Thái Lan
Giấc mơ vô địch AFF Cup của ĐT Việt Nam một lần nữa lại dang dở, tuy nhiên chúng ta cũng có thể học được nhiều điều từ các nhà tân vương của giải đấu, đó chính là ĐT Thái Lan.
ĐT Việt Nam đã lại lỗi hẹn với chức vô địch AFF Cup sau khi dừng bước trước Malaysia, một thất bại khó nuốt trôi và vẫn còn để lại dư vị cay đắng cho tới thời điểm này. Tuy nhiên dù sao cúp vàng khu vực cũng vừa có chủ nhân mới, đó chính là ĐT Thái Lan. Và điều đáng nói nằm ở chỗ đoàn quân của HLV Kiatisuk có nhiều điểm tương đồng với ĐT Việt Nam khi bước vào giải đấu năm nay. Vậy đâu là điểm chúng ta nên phát huy, và đâu là điểm mà chúng ta cần học hỏi ở kỳ phùng địch thủ?
Sức trẻ và tài năng - những điểm sáng của người Việt và người Thái
Có thể nói rằng Việt Nam và Thái Lan mang đến AFF Cup 2014 những đội hình trẻ nhất trong 8 đội tham gia giải đấu. Cả hai HLV Toshiya Miura và Kiatisuk Senamuang đều chủ trương trẻ hoá đội hình rất mạnh kể từ khi lên nắm quyền và cả hai đều đã cho ra lò lứa cầu thủ trẻ của mình lần đầu tiên ở ASIAD 17 vừa qua. Trên đất Hàn Quốc, hai đội bóng Đông Nam Á đều đã thi đấu rất thành công và khiến cả châu lục phải nghĩ lại về nền bóng đá tại “vùng trũng” này. Việt Nam vượt qua vòng bảng và dừng bước ở vòng 2 trước UAE, trong khi đó đội bóng đến từ đất nước chùa vàng có thành tích còn ấn tượng hơn với việc vào tới bán kết và suýt chút nữa có được tấm HCĐ tại đại hội châu Á.
ĐT Việt Nam đang sở hữu những cầu thủ trẻ tiềm năng |
Trong hành trình tại ASIAD, cả hai đội tuyển đều đã trình làng một lứa cầu thủ đầy tiềm năng, nếu như ĐT VIệt Nam có Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Hoàng Thịnh, Nguyễn Huy Hùng, Quế Ngọc Hải hay Võ Huy Toàn thì ĐT Thái Lan cũng có những gương mặt trẻ cực kỳ nổi bật như tiền đạo Chanathip Sonkrasin, tiền vệ Charyl Chappuis, Adisak Kraisorn hay thủ thành Kawin Thammasatchanan. Với tiền đề tại ngày hội thể thao lớn nhất châu lục, hai HLV Miura và Kiatisuk đã mạnh dạn loại bỏ hàng loạt các công thần tạ ĐTQG để tiếp tục trao niềm tin cho các cầu thủ trẻ. Đó là những bước đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh cả hai cường quốc một thời của bóng đá ĐNA đã duy trì một lứa cầu thủ trong thời gian quá lâu. Việt Nam không thể vào chung kết sau AFF Cup kể từ sau năm 2008 còn Thái Lan cũng chưa một lần bước lên ngôi vô địch kể từ năm 2002.
Với những sự đầu tư mạnh mẽ và tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ trẻ, những thế hệ tiếp theo củaĐT Việt Nam chắc chắn sẽ có tương lai cực kỳ tươi sáng tại AFF Cup và các giải đấu cấp quốc tế khác mà bài học nhãn tiền là việc người Thái đã được hưởng vinh quang chiến thắng với dàn cầu thủ 9X.
ĐT Việt Nam cần học hỏi nhiều từ chức vô địch của người Thái
Tuy cả hai đội tuyển đều sở hữu những cầu thủ trẻ tài năng nhưng kết quả thì lại rất trái ngược, và điểm rõ nhất mà chúng ta thua kém người Thái là bản lĩnh thi đấu. Đây không phải là vấn đề liên quan đến tố chất mà đơn thuần là việc các cầu thủ cần có thời gian để tôi luyện và dần trở nên cứng cáp. Khi ĐT Thái Lan thua chúng ta ở AFF Cup 2008, đó là lúc mà “Những chú voi chiến” đang trong quá trình chuyển giao lực lượng giữa thế hệ vàng gồm Dusit, Taiwan và chính Kiatisuk với lứa trẻ hiện tại. Trong khi đó ĐT Việt Nam vẫn mải mê trong men say chiến thắng và công cuộc tái thiết chỉ mới bắt đầu từ khi HLV Miura lên nắm quyền. Thật ra HLV Kiatisuk cũng chỉ mới ngồi vào chiếc ghế huấn luyện tại ĐT Thái Lan đúng 1 tháng trước khi AFF Cup 2014 khởi tranh, nhưng nhờ có sự định hướng bài bản từ trước cho các cầu thủ mà ông không mất quá nhiều thời gian để xây dựng một lối chơi hợp lý cho ĐTQG. Rõ ràng ĐT Việt Nam thiếu sự tích luỹ cho các cầu thủ và khó lòng có thể mong vào một kết quả khả quan trong ngắn hạn như thế được.
ĐT Thái Lan vô địch AFF Cup 2014 |
Tiếp nữa, môi trường rèn luyện của ĐT Việt Nam cũng thua kém so với nước bạn Thái Lan. Thai-League với tên đầy đủ là Thailand Premier League đang học tập theo mẫu tổ chức giải đấu tại Anh quốc theo đúng như tên gọi, điều này giúp các cầu thủ chuyên nghiệp trong tác phong thi đấu và luyện tập, đồng thời có được những điều kiện tốt nhất để rèn luyện bản thân. Đây là một chiến lược dài hạn của LĐBĐ Thái Lan để nhắm tới những đấu trường lớn hơn như ASIAD hay thậm chí là World Cup. Mới đây, Công Phượng, người rất được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện ở ĐTQG trong tương lai đã phát biểu rằng trang thiết bị vật chất tại Thai-Legue là tốt hơn rất nhiều so với ở V-League và đương nhiên các cầu thủ ở đây có điều kiện để luyện tập và phát triển hơn. Trong khi đó HLV Miura trong một bài phát biểu gây xôn xao mới đây cũng thẳng thừng nhận xét rằng V-League vẫn còn quá nhiều bất cập cần phải giải quyết. Bấy nhiêu thôi có lẽ cũng đủ để thấy khoảng cách giữa bóng đá tại Việt Nam và Thái Lan.
Và cuối cùng, đó là HLV Toshiya Miura còn quá ít thời gian tới AFF Cup 2014 để hiểu về bóng đá Việt Nam và giải quyết đống ngổn ngang hiện tại. HLV Kiatisuk của ĐT Thái Lan hay cả HLV Dollah Salleh chỉ mới lên nhậm chức 1 tháng trước khi bước vào giải đấu, nhưng ít ra họ còn là người bản địa và hiểu rõ về nền bóng đá của quốc gia mình. HLV Miura gần như không có kiến thức gì về bóng đá Việt Nam nhưng ông cũng đã bắt đúng bệnh về chuyên môn của các cầu thủ, đó chính là yếu tố thể lực, chỉ còn yếu tố về tinh thần, như đã nói ở trên, cần có thời gian để phát hiện và bồi đắp. Ông Miura đã có một kỷ niệm nhớ đời sau trận thua 2-4 trước Malaysia nhưng đó chỉ là một bài học để vị HLV người Nhật Bản nhận thấy các tuyển thủ đang thiếu những gì. Thái Lan cần 6 năm để trở lại trận chung kết và 12 năm để một lần nữa chạm tay vào chức vô địch, vì thế hãy cho thầy trò Miura thêm thời gian.
Thế Hưng