Công Phượng nên được ngồi dự bị, không phải để vùi dập, mà để thần đồng ngày nào của bóng đá Việt Nam hiểu được giá trị của sự cạnh tranh trong bước đường phát triển của sự nghiệp.
Kể từ bàn thắng vào lưới U19 Australia vào ngày 5/9/2014, Nguyễn Công Phượng trở thành một trong những cầu thủ được chú ý nhất của bóng đá Việt Nam. Bàn thắng ấy có độ phủ sóng toàn thế giới. "Thần đồng", "Messi Việt Nam",... là những biệt danh rất "kêu" mà giới truyền thông cũng như người hâm mộ đặt cho cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG.
|
So với Chan Vathanaka của Campuchia, đóng góp của Công Phượng ở cấp độ đội tuyển quốc gia rất nhỏ bé. |
Bàn thắng đó cũng nghiễm nhiên giúp Công Phượng giành suất ở mọi lứa tuyển. U19, U23 rồi đến đội tuyển quốc gia đều có cái tên Công Phượng xuất hiện trong danh sách triệu tập. Tất nhiên khi đã gọi một cầu thủ được kỳ vọng lớn như thế, tiền đạo gốc Đô Lương được mọi huấn luyện viên ưu ái cho suất đá chính.
Ở các đội trẻ, Công Phượng thậm chí còn được ưu ái mang băng thủ quân. Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29, Công Phượng từng được HLV Hữu Thắng trao băng thủ quân của tuyển U22 Việt Nam. Sau này để giải tỏa áp lực cho cầu thủ của HAGL, chiếc băng thủ quân của tuyển U22 mới được trao cho trung vệ Tiến Dũng. Ba năm nay, sự ưu ái dành cho Công Phượng ở mọi cấp tuyển là điều ai cũng thấy rõ ràng.
Ở cấp độ đội tuyển là thế, ở Hoàng Anh Gia Lai, sự "chiều chuộng" với Công Phượng càng lớn hơn. Bầu Đức không hề áp chỉ tiêu cho đội bóng phố núi nhằm "nuôi dưỡng" tài năng của lứa Công Phượng. Điều đó giúp cầu thủ gốc Đô Lương mặc nhiên được ra sân mỗi tuần. Thậm chí vì "gà nòi" của mình, bầu Đức còn gây ra vụ tranh cãi với HLV Hoàng Anh Tuấn.
Sự chiều chuộng quá mức ấy khiến Công Phượng chưa bao giờ phải đấu tranh cho suất đá chính, chưa bao giờ hiểu được áp lực của sự cạnh tranh.
Cạnh tranh là động lực cho sự phát triển. So với ba năm về trước, lối chơi của Công Phượng không hề thay đổi, vẫn thích chơi bóng nhiều chạm, vẫn thích đi bóng giữa vòng vây của đối thủ nhằm tạo nên những khoảnh khắc để đời. Sự tiến bộ của Công Phượng trong ba năm vừa qua không rõ rệt, dù liên tục được thi đấu ở đội tuyển rồi câu lạc bộ, chưa kể đến quãng thời gian sang Nhật để học hỏi.
Ở tuổi 22, Công Phượng đang có dấu hiệu chững lại sau thất bại ở SEA Games 29. Bốn vòng gần nhất, Công Phượng chỉ ghi được 1 bàn, HAGL thua liền ba trận tại V-League 2017 và có nguy cơ chơi ở giải hạng nhất vào năm sau. Lứa 1 của học viện HAGL JMG từng được kỳ vọng lớn sẽ làm nên chuyện tại đấu trường SEA Games nhưng rốt cuộc chỉ để lại sự tiếc nuối, dường như thất bại này đang trở thành gánh nặng tâm lý cho Công Phượng và các đồng đội khi không biết phải phấn đấu vì mục tiêu gì.
|
Công Phượng cần được trui rèn dưới áp lực. |
Đã đến lúc Công Phượng cần động lực để chiến đấu khẳng định bản thân, một mục tiêu để hướng tới. SEA Games xét cho cùng chỉ là một giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ. Công Phượng cần một mục tiêu lớn hơn cho sự nghiệp sau này để thoát khỏi cái bóng "thần đồng". Lúc này, chẳng gì thích hợp hơn để vực dậy Công Phượng là áp lực từ sự cạnh tranh.
Bầu Đức quá chiều chuộng lứa 1 của học viện HAGL JMG khi không áp chỉ tiêu cho đội bóng phố núi để các cầu thủ có thể thoải mái thi đấu. Nhưng đã đến lúc Công Phượng và đồng đội chiến đấu vì một mục tiêu cụ thể, chiến đấu dưới áp lực thực sự thay vì chỉ theo đuổi cái gọi là "bóng đá đẹp" xa vời, hư vô. Công Phượng cũng phải cạnh tranh để giành suất đá chính tại đội tuyển thay vì được mặc định ra sân như trước kia.
Kim cương cần nhiều điều kiện để hình thành, một trong số đó là áp suất cực cao. Không có áp lực, chẳng bao giờ có kim cương.
Sa sút tại HAGL, Công Phượng còn cơ hội đá chính ở tuyển Việt Nam?Sau quãng thời gian đáng quên ở SEA Games vừa qua, Công Phượng đang chật vật tìm lại hình ảnh tại V-League. Song với những gì thể hiện, rất khó để HLV Mai Đức...
Như Đạt (TTVN)