Ngay cả khi Hong Kong (Trung Quốc) vừa mới cầm hòa đối thủ được đánh giá cao hơn là Uzbekistan ngay trên sân khách, thì chiều mai (22/3), nếu ĐT Việt Nam tiếp tục mạch chiến thắng ở Mong Kok sẽ không làm ai bất ngờ.
Cũng tại sân bóng này, hồi tháng 6/2012, chúng ta từng thắng chính Hong Kong (Trung Quốc) với tỷ số 2-1 trong thế bị dẫn bàn ở một trận giao hữu. Ít ai tin rằng, chỉ sau hơn nửa năm, Hong Kong có thể khoác lên mình một đẳng cấp khác.
Tấn Tài (giữa) đã có rất nhiều thay đổi tích cực sau khi được trao băng thủ quân ĐT Việt Nam |
Nó cũng giống như ngày HLV Hoàng Văn Phúc được ấn vào tay chiếc ghế HLV trưởng (tạm quyền) ĐT Việt Nam (tất nhiên với cả sự tự nguyện của người trong cuộc), sau khi hàng loạt các ứng viên nặng ký khác khước từ. Không phải ông Phúc thì sẽ là một nhân vật A, B, C nào đó thế vai người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng và càng chắc hơn, sau chỉ một thời gian ngắn, không ai có thể biến vịt con thành thiên nga.
Cuộc cách mạng (nếu có) dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc, nằm ở vấn đề nhân sự, với vai trò đầu tàu được trao cho Tấn Tài. Tại sao lại là Tấn Tài?
Từ Minh Phương…
Những ngày vừa qua, người ta nhắc nhiều đến cú đá phạt đẳng cấp của Minh Phương vào lưới CLB Maziya S&R của Maldives để đem về chiến thắng 3-2 cho SHB.ĐN ở lượt trận thứ 2 vòng bảng AFC Cup 2013.
Ngoài cái cổ chân cực khỏe, động tác kỹ thuật chuẩn, điều gì đã làm nên một siêu phẩm khiến tất cả phải ngả mũ thán phục một cầu thủ ở tuổi 33? Đấy chính là tư duy chơi bóng, yếu tố có thể xem là trời phú. Mà đã là trời phú, không phải ai muốn có cũng được.
Cũng giống như cú cứa lòng đưa bóng tìm trúng đầu Công Vinh trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 tại Mỹ Đình, nếu Vinh không lắc đầu lái bóng về góc xa, nó vẫn cứ là một pha sóng gió và thậm chí không cần thêm điểm chạm nào nữa, cũng có thể thành bàn. Đấy là yếu tố chiến thuật với bóng chết, mà ĐT Việt Nam (và SHB.ĐN hay ĐT.LA trước đây) may mắn sở hữu cầu thủ thuộc tầm chuyên gia như Minh Phương với tư duy chơi bóng và sút phạt đẳng cấp
Ở pha đá phạt tung lưới Maziya S&R như đã nhắc ở trên, thủ thành đối phương đã phán đoán sai tình huống bóng, đã đành, nhưng ngay cả nếu anh ta nhanh hơn và kịp đỡ bóng, hoặc bóng tìm trúng cột gần dội ra, thì Quốc Anh cũng có mặt ngay ở điểm nóng để sút bồi. Phương vẫn thường xuyên tung ra những đường chuyền “chết chóc” gần như không thể bắt chước kiểu đó.
Dài dòng thế để thấy rằng, Minh Phương với những thừa nhận về tài năng chơi bóng, xứng đáng là đầu tàu của mọi cấp độ ĐT. Đồng đội có thể không “bắt tay” với Minh Phương, nhưng họ phải hướng đến anh để ăn mừng, sau một bàn thắng ghi được mà Phương là người châm ngòi; ngoài đời, đồng đội và cả đồng nghiệp có thể không cùng hội, cùng thuyền với Phương, với sự khác biệt tính cách hay sở thích, nhưng tất cả đều phải thừa nhận, Phương gần như chưa từng có tai tiếng liên quan đến các thú vui xã hội.
Trước đây, khi dẫn dắt ĐT Việt Nam, HLV Calisto xác định luôn tầm quan trọng của bộ đôi Minh Phương-Tài Em (cũng là đội trưởng và đội phó) và tất cả phải thuận theo. Đó là một biểu hiện thuộc về cái tầm của HLV trong việc nhìn nhận, đánh giá và sử dụng con người. Sau khi Minh Phương nói lời chia tay ĐT Việt Nam, việc tìm người thay thế tiền vệ này đến nay vẫn là bài toán khó giải với các HLV ở ĐTQG.
Đến Tấn Tài
Ngay lúc này có thể tin tưởng vào Tấn Tài. Với Tài, hầu hết đều tin rằng đây mới là cuộc cách mạng của ĐT Việt Nam dưới quyền HLV Hoàng Văn Phúc.
Năng lực chơi bóng của Tấn Tài thì miễn bàn! Kể từ sau thời HLV Tavares năm 2004, ĐT Việt Nam đã trải qua nhiều đời HLV trưởng nhưng tất cả đều xem Tài như hạt nhân trong lối chơi tổng thể. Ở K.KH, ngay cả khi đội trưởng Thiện Hảo vẫn còn chơi bóng, Tấn Tài đã được coi là số một. Tài “bốc” thì cả đội “bốc” theo và ngược lại. Nhưng Tấn Tài cũng không phải không có nhược điểm, đặc biệt là cá tính nóng nảy và đôi khi có phần hơi thiếu kiềm chế của anh.
Ở cuộc sống ngoài sân cỏ, Tấn Tài cũng khá khép kín. Ngày trước ở K.KH, nếu có sự đấu tranh quyền lợi từ Tấn Tài thì chắc chắn là do Tài cảm thấy bị thiệt thòi chứ không phải do sự hối thúc của đồng đội.
Nói tóm lại, Tấn Tài chưa bao giờ được xem như một thủ lĩnh có năng lực quy tụ người khác, cả ở trên sân bóng cũng như ngoài đời. Thế thì tại sao và như thế nào, HLV Hoàng Văn Phúc (và đồng đội trên ĐTQG) vẫn tín nhiệm để Tấn Tài nhận chiếc băng đội trưởng ĐT Việt Nam mà không phải một cái tên nào khác? Không hẳn là sống lâu lên lão làng, với Tấn Tài và HLV Hoàng Văn Phúc, đó không đơn thuần là sự phát triển tiếp theo của “triều đại” Phan Thanh Hùng, khi Tài cũng từng là một trong 2 đội phó cho Minh Đức tại AFF Cup 2012.
Trong một số trận đấu gần đây, khi được đề cao vai trò một cách rõ ràng, Tấn Tài đã biết thế nào là khái niệm hy sinh trên sân bóng, sẵn sàng làm nền. Tài từ bỏ cơ hội ghi bàn, để chuyền bóng, nhường lại cho đồng đội tỏa sáng. Tấn Tài cũng tích cực hơn trong đời sống tập thể. Ở ĐT Việt Nam lúc này, hiếm có biểu hiện bè phái hay lợi ích nhóm như trước đây và đó được xem là thành công lớn nhất của HLV Hoàng Văn Phúc.
Cần phải thừa nhận, rằng Tấn Tài dường như đã có chút thay đổi theo hướng tích cực, kể từ sau khi anh lập gia đình, làm chồng và vừa mới làm cha. Tài cởi mở hơn, siêng năng giao du hơn và cũng “đàn anh” hơn.
Và tư duy cuộc cách mạng
ĐT Việt Nam thời HLV Calisto vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2008), dù là với rất nhiều may mắn, nhưng vai trò của ông thầy người Bồ không vì thế mà bị giảm thiểu. Ngược lại, tài cầm quân, điều binh khiển tướng và nghệ thuật dùng người của ông Calisto được đánh giá rất cao. Từ tổ cán bộ (ý nói đội trưởng và các đội phó…) đến cầu thủ dự bị đều đồng lòng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, phần vì chính họ cũng khát danh hiệu, nhưng cơ bản là vì chính ông thầy Calisto. Với HLV Calisto, các học trò được đề cao vai trò cũng như sự quan trọng.
Với người kế nhiệm HLV Phan Thanh Hùng, người ta nhìn thấy “gần như là một phiên bản” của ông Calisto, nhưng mềm mại và uyển chuyển hơn. Nhưng trước quá nhiều luồng thông tin, ý kiến, ông Hùng khó đảm bảo được các tiêu chí “dụng nhân như dụng mộc”, khiến lòng quân (vốn đa tính cách) có đôi lúc hoang mang, bất an. Ông Hùng thất bại, nhưng vẫn có chút uẩn ức cũng vì thế.
HLV Hoàng Văn Phúc trở thành “diễn viên đóng thế” bất đắc dĩ, với rất nhiều sự thừa hưởng tiếp theo, và càng may mắn hơn, khi ĐT Việt Nam sau đợt cải tổ đã “thuần” hơn rất nhiều. Nhờ thế, nhược điểm việc có ít kinh nghiệm dẫn dắt ĐTQG của ông Phúc sẽ phần nào được khoả lấp nhờ sự cố gắng và nỗ lực thể hiện của một tập thể mà cả thầy lẫn trò đều đang khao khát khẳng định giá trị bản thân.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)