Một đội tuyển luôn nổi tiếng với những đôi chân tỷ phú nếu lên sàn chuyển nhượng, nhưng tinh thần chiến binh khi lâm trận thì tỷ lệ nghịch.
Chương trình Giọng hát Việt (The Voice) kết thúc khá lâu nhưng ấn tượng về Hương Tràm, cô gái xứ Nghệ 17 tuổi hát bằng cả trái tim, bằng tình yêu cháy bỏng với âm nhạc, cùng nét thánh thiện mê hoặc của tuổi xuân thì, còn như một dư âm đẹp của một chương trình không thiếu thị phi.
Hương Tràm sở hữu quyền lực ghê gớm của tuổi trẻ, của sự tinh khôi, thực sự là một chiến binh mà bất cứ HLV âm nhạc nào cũng muốn sở hữu. Đấy cũng là may mắn, hay cũng có thể nói là chẳng khác nào một cuộc hạnh ngộ âm nhạc với HLV của Hương Tràm là Thu Minh!Tinh thần thi đấu là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012
Nếu ai xem đêm công bố kết quả Gala 8 Vietnam Idol cũng khó tránh khỏi giây phút trào lên một niềm vui khó tả. Chàng trai trẻ người dân tộc Chu Ru, Ya Suy, đã nhường tấm vé của mình cho Bảo Trâm vào chung kết với một động thái không diễn chút nào. Sự trùng hợp thú vị ở chỗ, cả 2 gương mặt sẽ chạm trán nhau trong đêm chung kết đều là người dân tộc. Hoàng Quyên là cô gái người Tày đến từ Thái Nguyên. Một cô nàng bị coi là mộc mạc, giản dị! Cả Hương Tràm, Ya Suy, Hoàng Quyên đều rất trẻ.
Thế nên, trong sự hào nhoáng, xa xỉ, đầy rẫy scandal của làng âm nhạc, những giọng hát dù chưa phải quá đẹp, nhưng bộc lộ có tâm hồn đẹp, luôn được đón nhận như là của quý. Bóng đá chúng ta không thiếu những tài năng phát tiết từ rất trẻ, thậm chí là thần đồng, xuất thân từ khó khăn. Vậy nhưng đa số đều đổ gãy. Khó lắm, trong việc tìm ra những chiến binh đích thực. Ví như AFF Cup 2012 là những gương mặt nào? Thế thì thua là phải rồi.
Hôm nay, ĐTQG lần đầu tiên tập trung dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc. Một lực lượng nhiều gương mặt trẻ, thậm chí gây ngỡ ngàng khán giả cùng giới chuyên môn. Giờ đây, không phải nói ra ai cũng biết, sứ mệnh cơ bản của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc tại vòng loại Asian Cup 2015 chỉ là…tinh thần tốt.
Một điều tưởng chừng hết sức đơn giản, thậm chí là bắt buộc với những công dân đang khoác trên vai nhiệm vụ quốc gia. Tuy thế, với bóng đá, vì cái tôi nhỏ bé, một bộ phận không nhỏ tuyển thủ lâu nay sẵn sàng bỏ sau lưng mình tất cả. Có thể hiểu dụng ý của HLV Hoàng Văn Phúc, ĐTQG cần những cầu thủ đá bóng với cả trái tim, chứ không phải là những ngôi sao chỉ quen “trái tim lầm lỡ để trên đầu”.
Nhìn tình hình bóng đá khu vực, có thể thấy rằng các tuyển thủ chúng ta thua xa tinh thần đá bóng với nhiều đối thủ, trước hết cứ so sánh với những đối trọng như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia. Vì sao Lào được yêu thích, ngoài chuyên môn đã tiến bộ, các cầu thủ đất nước Triệu voi thực sự là những chiến binh khi vào sân.
Với trình độ bóng đá bất ổn như Đông Nam Á (kể cả sự phập phù ở các giải đấu nội), một đội bóng tinh thần tốt với chất lượng trung bình, vẫn có thể làm nên việc lớn. Ngược lại, dù sở hữu dàn sao nhưng không nhìn về một hướng cũng chẳng làm nên cơm cháo. Bài học B.Bình Dương 4 năm trở lại đây (tính từ 2008), của SG.XT (mới đây) và vô số đội khác khốn khổ vì cầu thủ có tinh thần phập phù, vẫn còn nguyên giá trị.
Với các ĐTQG hiện nay, sự khác biệt của HLV nằm ở chỗ có làm thay đổi được tinh thần các tuyển thủ so với các HLV tiền nhiệm. ĐTQG có thể ví như thí sinh của “vòng giấu mặt” với nhiều ẩn số chưa có lời giải. HLV phải tìm ra được những chiến binh đích thực mới mong củng cố được cái ghế nóng và gặt hái thành công.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)