Nguyên Sa, Văn Phong và Văn Hoàn không vượt trội về chuyên môn so với những người chơi cùng vị trí, những phương án 2. Chỉ là ở một khía cạnh khác, một góc nhìn khác (có thể là phi chuyên môn), sự vắng mặt ngoài mong muốn của 3 cầu thủ này có thể là nguy cơ bắt đầu cho một cuộc đổ vỡ mà BHL ĐT Việt Nam đã dầy công xây dựng suốt thời gian dài qua.
Bóng đá vẫn tồn tại những khái niệm như: “Đội hình tối ưu” hay “Sự lựa chọn số 1” với tiêu chí làm chiến thuật của HLV là có lý do của nó.
Họ là ai?
Văn Phong, dù vẫn được biết đến như một trong những hậu vệ đa năng và chơi tròn vai ở gần như mọi vị trí ở hàng tứ vệ, nhưng anh lại không bắt đầu cạnh tranh suất chơi chính trên bình diện ĐT Việt Nam dưới triều đại HLV Phan Thanh Hùng ở vị trí hậu vệ trái. Cầu thủ thuộc biên chế K.KH được cất nhắc như sự lựa chọn số 1 ở hàng lang phải của đội bóng. Và thực tế, ở rất nhiều những trận đấu chạy đà đến AFF Suzuki Cup 2012, Phong thuần chơi hậu vệ phải.
Đình Đồng (trái) sẽ sát cánh cùng Minh Đức ở hàng phòng ngự của ĐT Việt Nam
Với sự lựa chọn số 1 là Đào Văn Phong, tất nhiên Văn Hoàn chỉ là thứ yếu ở hành lang cánh phải. Cầu thử xứ Nghệ thậm chí chỉ được triệu tập bổ sung (cùng Xuân Hiếu), sau khi Quốc Long bị loại. Tiếc là Hiếu gặp tai nạn giao thông ngoài ý muốn, để rồi sự cạnh tranh trên tuyển cũng bị giảm thiểu đáng kể. Và kể từ khi BHL nhấc Văn Phong qua cánh trái, Văn Hoàn nghiễm nhiên cầm suất chơi chính ở hành lang cánh còn lại. Đấy là sự phát triển có logic.
Nguyên Sa, người cũng trạc tuổi Văn Hoàn, luôn nhận được sự tin tưởng cao của BHL, với một suất cứng ở nơi thấp nhất hàng tiền vệ 5 người. Dễ hiểu, bởi Sa chính là đại biểu ưu tú nhất của thế hệ cầu thủ trẻ cuối cùng của bóng đá xứ Quảng – Đà mà HLV Phan Thanh Hùng từng đào tạo, trước khi ông ra Thủ đô. Với Nguyên Sa và thế hệ cầu thủ trẻ đầy tài năng của anh, vị tướng họ Phan đã đem về 2 chức vô địch U21 QG liên tiếp (các năm 2008 & 2009).
Ngoài những giá trị về chuyên môn đã được kiểm chứng, 3 người họ còn là tấm gương về khát vọng cống hiến và sự cầu thị. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyên Sa, Văn Phong và Văn Hoàn hiện diện trong bộ khung đá chính của ĐT Việt Nam.
Sao không thể thay thế?
Khi kéo Văn Phong qua biên trái, cũng là lúc mà BHL giảm thiểu vai trò của những Đình Đồng và Văn Biển, những hậu vệ đa năng khác. Nếu như Đình Đồng gần như đã không còn cơ hội kể từ sau trận đấu với Lào tại VFF Cup 2012 thì Văn Biển chưa bao giờ cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối. Hiệp 2 trận gặp Myanmar ở ngày khai mạc AFF Suzuki Cup, Biển vào sân thế chỗ Văn Phong, nhưng liên tục chuyển hỏng hoặc bỏ vị trí và đấy là viện dẫn tiêu biểu.
Cùng với đó, việc gửi trọn niềm tin vào Văn Hoàn ở cánh phải, cũng có nghĩa rằng Đình Luật (và cả Đình Đồng) đã không nhận được sự nhất trí cao của những người làm chuyên môn. Tại VFF Cup TP.HCM, Đình Luật cũng dính “phốt” nặng và ngoài ra, những vấn đề ngoài chuyên môn cũng khiến Luật không thể toàn tâm toàn ý, tập trung tối đa. Phép so sánh tương tự với Nguyên Sa và Thanh Hưng ở trung tâm hàng tiền vệ.
Có thể, khi được cất nhắc và chơi với khả năng tốt nhất của mình, cả Nguyên Sa, Văn Phong và Văn Hoàn cũng chỉ ở mức tròn vai. Nhưng ở những vị trí cụ thể, với vai trò được xác định cũng rất cụ thể, tròn vai là đạt yêu cầu! Gây đột biến hay tỏa sáng không phải là thiên chức của họ, mà thuộc về tuyến đầu. Ý thức Thanh Hưng khá mong manh, nên BHL đã quyết định để Thành Lương hỗ trợ ngay bên cạnh (trận đấu với Myanmar) và tất cả đều thấy điều đó không thừa.
Dẫu thế nào, BHL sẽ phải liệu cơm gắp mắm trong hoàn cảnh khiên cưỡng hiện tại. Và cầu thủ, cũng phải bỏ lại "cái tôi" ở phía sau để cùng hướng lên mục tiêu phía trước. Bóng đá là sân khấu 4 mặt, nói cũng đã nói nhiều rồi và giờ hành động đi! Thành bại luận anh hùng!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)