Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Đội tuyển Việt Nam: Cần lắm một lộ trình chung

Thứ Tư 09/09/2015 11:33(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h.vn) - Nhìn vào khoảng cách ngày càng xa dần của bóng đá Việt Nam và bóng đá Thái Lan, đặc biệt là ở cấp độ đội tuyển quốc gia, chúng ta có thể thấy sự khác biệt cơ bản giữa hai nền bóng đá này chính là sự khác biệt ở một lộ trình chung.

Theo đó, lộ trình, đường lối chung của đội tuyển quốc gia Thái Lan là hướng đến một lối chơi đề cao tinh thần đồng đội, những tình huống phối hợp nhỏ và ngắn, chuộng lối chơi phòng ngự khu vực và tấn công thì dựa vào sức mạnh toàn lực. Còn lộ trình của đội tuyển Việt Nam là… không có. Từ xưa đến nay, đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của từng huấn luyện viên, lại mang cho mình những màu sắc khác nhau. Người này muốn Việt Nam đá ban bật nhỏ và ngắn, người khác lại muốn chơi bóng dài; người này muốn Việt Nam đá phòng ngự khu vực, người khác lại muốn phòng ngự một kèm một; người này đề cao khả năng kiểm soát bóng, người kia muốn một lối đá nhanh và ít chạm,… Cứ như thế lối chơi của đội tuyển bóng đá Việt Nam bị xoay như chong chóng và các cầu thủ, ở những triều đại HLV khác nhau đều giống như bị “sốc triết lý bóng đá”, cũng giống như những du học sinh bị “sốc văn hóa” khi đến các quốc gia khác vậy. Đằng này, chúng ta đang ở trên chính ngôi nhà của mình.

Doi tuyen Viet Nam Can lam mot lo trinh chung hinh anh
HLV Calisto từng được coi là người mang đến lối chơi hợp lý nhất với thể trạng người Việt

Đầu tiên, ông Edson Tavares đặt chân đến Việt Nam với khát vọng “latin hóa” lối chơi của các cầu thủ Việt. Nhưng rồi ông chỉ trụ được 1 năm khi gạch vẫn đang xây dở. Kế đó, HLV Weigang từ Đức lần đầu tiên muốn áp đặt cho chúng ta một tư duy bóng đá hiện đại, đặc biệt là việc ông yêu cầu các học trò phải hạn chế giữ bóng quá lâu. Điều này đang dần phát huy tác dụng khi Việt Nam về thứ 3 tại Tiger Cup 96 với một lối chơi tương đối thuyết phục sau khi đoạt huy chương bạc SEA Games 1 năm trước đó. Nhưng chỉ vì bất đồng ý kiến đối với các lãnh đạo mà ông bị buộc phải rời khỏi đôi tuyển và cũng vì thế mà phong cách đá hiện đại này bị thay thế bởi một lối đá bóng kiểu Anh truyền thống được HLV Colin Murphy áp dụng vào đội tuyển Việt Nam. Rõ ràng thể hình và thể lực của người Anh so với người dân Đông Nam Á là rất khác biệt, nhưng lối chơi này vẫn chưa có dấu hiệu thất bại rõ ràng thì một lần nữa ông Murphy phải ra đi khi mới cầm quân được vài tháng.

Mọi chuyện cứ tiếp diễn như thế cho đến giai đoạn 2007 đến 2008 với sự chuyển giao về mặt phong cách đá giữa HLV Alfried Riedl và Henrique Calisto. Dù cả hai ông đầu gặt hái được thành công với lần lượt là việc vượt qua vòng đấu bảng ASIAN Cup 2007 được tổ chức trên sân nhà và chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 lịch sử, nhưng lối chơi của cả hai đều hoàn toàn trái ngược với nhau. Nhà cầm quân người Áo đã thi triển lối đá rất hiện đại mà trước kia ông Weigang từng đặt nền móng. Trong khi “thầy Tô” lại nối gót ông Tavares với lối đá latin, phối hợp nhóm nhỏ rất đẹp mắt. Đó là lý do khiến nhiều người nhận định rằng thành công của đội tuyển chúng ta ở giai đoạn này là phần lớn nhờ vào lứa cầu thủ tài năng mà chúng ta gọi là thế hệ vàng với những Công Vinh, Vũ Phong, Minh Phương, Tài Em, Như Thành, Quang Thanh,…

Bóng đá Việt Nam: Vũ khí mạnh nhất là… võ mồm
Sau trận thắng nhọc nhằn Đài Loan 1-2 Việt Nam vào hôm qua, làn sóng chỉ trích thầy trò HLV Miura ngày càng nhiều hơn. Vĩ mô hơn 1 chút là những chỉ câu nói...

 

Tháng 8/2012, HLV Phan Thanh Hùng được lựa chọn trở thành thuyền trưởng mới của đội tuyển quốc gia, thay thế cho quãng thời gian ngắn ngủi của ông Falko Goetz trước đó. Với tham vọng xây dựng một lối chơi phối hợp nhóm phù hợp với thể chất người Việt, nhưng ông cũng chỉ tại vị được chưa đầy 6 tháng thì đã phải rời ghế vì thất bại tại AFF Cup 2012. Cuối cùng, HLV Miura một lần nữa lại biến đổi lối chơi của Việt Nam, hướng tới sự hiện đại và lối đá nhanh, ít chạm. Là một người Nhật có tư duy châu Âu, ông Toshiya Miura đã mang lại chút tươi sáng cho bóng đá Việt Nam ở giai đoạn đầu với việc đưa đội Olympic vượt qua vòng bảng Asiad 2014. Với lối chơi phòng ngự phản công sử dụng nhiều đường bóng dài và những tình huống chồng biên, ông đã không mang đến thành công nào đáng kể hơn. Trong phòng ngự, việc vận hành hệ thống một kèm một và đá áp sát nhanh của chúng ta đã bị phá sản bởi sự thiếu đồng bộ. Một đội tuyển quốc gia vốn chỉ được tập trung vài ba lần trong năm, mỗi đợt kéo dài chưa đầy 1 tháng thì thật khó có thể để các cầu thủ hiểu ý nhau về mặt chiến thuật. Họ không thể bọc lót tốt cho nhau khi đồng đội rời vị trí để dâng lên áp sát đối phương. Tuyến phòng ngự như vậy rời rạc và yếu ớt đến nỗi một đội bóng như Đài Loan cũng có thể bẻ gẫy được.

Doi tuyen Viet Nam Can lam mot lo trinh chung hinh anh 2
Bóng đá Việt Nam vẫn cần một đường lối chung về lối chơi

Tất nhiên là khó có thể so sánh về sự thành công về lối chơi nào được các HLV ngoại thi triển thành công hơn với đội tuyển Việt Nam, là lối đá latin hay bóng đá hiện đại. Chỉ có điều lịch sử đã chỉ ra rằng những sự thay đổi bất quy tắc về lối chơi sẽ chẳng thể giúp đội tuyển của chúng ta khá hơn trong tương lai. HLV Miura đang áp dụng một lối chơi bóng dài và dãn biên, nhưng nếu như một HLV kế nhiệm lại quay trở lại lối đá latin thì đội tuyển Việt Nam sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0. Chúng ta cần lắm một người nhạc trưởng, kiến trúc sư của cả một nền bóng đá, vạch ra đúng một lộ trình dài hạn cho đội tuyển quốc gia và tốt hơn nữa là với cả các đội tuyển trẻ. Nếu tiếp tục bám sát với lối đá như hiện nay của HLV Toshiya Miura thì chúng ta phải đảm bảo sẽ duy trì nó ngay cả khi những người khác đến.

Nhật Bản từ lâu đã cố gắng thi đấu dựa vào triết lý kiểm soát bóng và phối hợp nhóm tam giác nhỏ ngắn rất đẹp mắt dù có là huấn luyện viên nội hay ngoại, châu Âu hay châu Mỹ. Điều đó có thể mang lại thành công cho họ thành công ở World Cup 2010 và Asian Cup 2011, nhưng lại thất bại ở World Cup 2014 và Asian Cup 2015. Không vấn đề gì, người Nhật vẫn tin vào phương pháp mà họ đang làm. Giải đấu J-League của họ thậm chí còn vạch ra một lộ trình kéo dài 100 năm cơ mà. Người Thái Lan cũng đang đi theo một đường lối bóng đá tương đối giống với người Nhật hiện tại. Họ đã manh nha điều này ngay từ thời HLV Winfried Schafer năm 2011 nhưng mới chỉ gặt hái những thành công đầu tiên khi Kiatisuk lên nắm quyền từ năm ngoái. Tất cả những gì chúng ta cần ở thời điểm hiện tại là một lộ trình bóng đá Việt Nam cụ thể, kéo dài hàng thập niên và không được phép lung lay trước mỗi thất bại.

Hàn Phi

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X