Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

Đi tìm hình hài đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam

Thứ Sáu 07/02/2014 17:21(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hai đội bóng quan trọng nhất của một nền bóng đá là đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 dường như chưa được xem trọng đúng mức, cho dù 2 đội bóng này chuẩn bị tham dự những sân chơi rất quan trọng là AFF Cup và Asiad 2014…

Mất trọng tâm

Trong khi người ta nói rất nhiều đến đội tuyển bóng đá nữ, đội tuyển U19, thì đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 quốc gia dường như ít được chú ý hơn. Việc quan tâm đến đội tuyển nữ và đội tuyển U19 là điều rất tốt, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc “bỏ trắng” đội tuyển quốc gia. Bởi, nói gì thì nói, bóng đá nam vẫn là cái gốc của cả nền bóng đá.

Đội tuyển Olympic Việt Nam có nhiệm vụ rất quan trọng là dự Asiad 2014
Đội tuyển Olympic Việt Nam có nhiệm vụ rất quan trọng là dự Asiad 2014

Không ở đâu trên thế giới, người ta xem đội tuyển bóng đá nữ là bộ mặt, hoặc là thước đo của cả một nền bóng đá bao giờ (ví dụ như đội tuyển nữ của Mỹ cực mạnh, nhưng chẳng ai bảo nền bóng đá Mỹ là nền bóng đá mạnh, một khi đội tuyển nam của nước này chỉ thuộc tầm trung).

Chuyện đổ hẳn sự quan tâm vào đội tuyển nữ và đội tuyển U19 mà lơ là đội tuyển bóng đá nam quốc gia, chẳng qua chỉ phản ánh một điều rằng một số người làm bóng đá đang cố tình mượn danh của đội tuyển nữ và mượn sức hút của đội U19 mà lờ đi việc phải mổ xẻ đến nơi đến chốn thất bại của bóng đá nam mấy năm gần đây, trước khi nhanh chóng tìm ra hướng đi phù hợp cho đội tuyển nam.

Công tác tìm HLV trưởng cho 2 đội tuyển bóng đá quốc gia và đội tuyển Olympic (tức U23) cũng chưa được nói đến đúng mức. Ví như việc lựa chọn HLV cho mỗi đội tuyển vừa nêu phải dựa trên những tiêu chí nào? Hoặc VFF đã có những ứng cử viên nào cho các vị trí nói trên? Tất cả dường như đều rơi vào thinh không!

Rồi chuyện VFF có còn để cho tình trạng kiêm nhiệm, một HLV vừa nắm đội tuyển quốc gia, vừa nắm đội tuyển Olympic diễn ra nữa hay không? Vì rõ ràng đây là cách làm thất bại nhiều năm qua, nhất là lúc mà kế hoạch tập trung của 2 đội này có thể đụng nhau (đấy cũng là điều mà các nền bóng đá hàng đầu thế giới hết sức tránh).

Trước mắt đội tuyển Olympic Việt Nam là Asiad 2014

Trong một năm 2014 mà cả nền thể thao Việt Nam nhìn vào Asiad, xem như đấy là đấu trường đánh giá sự phát triển của thể thao nước ta, so với mặt bằng chung của thể thao châu Á, thì dường như VFF đang tạo ra cảm giác rằng đội tuyển Olympic Việt Nam là ngoại lệ ở sân chơi ấy.

Có thể sân chơi Asiad không quan trọng bằng mục tiêu “rửa mặt” cho bóng đá nội tại AFF Cup diễn ra vào cuối năm, nhưng không thể xem đấy là nhiệm vụ qua loa được. Mỗi đợt cọ xát quốc tế, đặc biệt là các chuyến du đấu ở các kỳ giải chính thức đều là cơ hội phát triển tuyệt vời cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam, nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội.

Trong khi chúng ta tốn tiền đi Đông đi Tây tập huấn, tìm kiếm đối tượng chất lượng đá giao hữu, thì chúng ta lại đang lơ là với cơ hội đá các trận quốc tế quá ý nghĩa ở Asiad. Sau thất bại ở SEA Games 27, chưa nghe nói đội tuyển Olympic Việt Nam (với nòng cốt có thể là phần đông các cầu thủ vừa dự SEA Games) sẽ tập trung như thế nào? Đội bóng này do ai dẫn dắt? Và mục tiêu của họ khi dự Á vận hội ra sao?

Bây giờ có thể nói là không còn nhiều thời gian trước khi Asiad diễn ra (bắt đầu từ giữa năm nay ở Hàn Quốc), nên vấn đề tìm thuyền trưởng và lập kế hoạch cho đội tuyển Olympic Việt Nam hướng đến giải đấu ấy càng cấp thiết.

Một đội bóng chỉ còn vài tháng nữa sẽ dự một trong những giải đấu quan trọng nhất châu lục nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy hình hài, khiến nhiều người không thể không lo. Chỉ tiếc rằng nhiều vị đang điều hành bóng đá nội cứ chăm chú vào những đội tuyển có thể giúp họ bấu víu mục đích nọ, mục đích kia, có thể giúp họ đánh lạc hướng dư luận, trong khi quá xem nhẹ chuyện phải đứng lên từ thất bại, đứng lên từ chính những đội bóng đang gây thất vọng!
 
Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X