- Điểm tin Bongda24h tối ngày 7/9: Tuấn Anh và Công Phượng bị trả về
- Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường có thể không dự AFF Cup 2016
- Công Phượng đá chính 1 hiệp, Mito Hollyhock thua đậm
Từ V-League mùa tới, 2 tài năng trẻ Công Phượng và Tuấn Anh sẽ hồi hương. Đây có thể coi là cái kết buồn cho những niềm hy vọng nhỏ nhoi của bóng đá Việt Nam.
Khi “người cũ” Miura đã đúng
Toshiya Miura có lẽ là vị HLV gây tranh cãi nhất và bị ghét bỏ nhất trong số những thầy ngoại từng dẫn dắt ĐT Việt Nam. Vị chiến lược gia người Nhật Bản để lại ấn tượng bởi phong cách làm việc kỷ luật, tỷ mỉ. Tuy nhiên, ông cũng liên tục phải nhận những chỉ trích vì công tác rèn thể lực quá nặng khiến các tuyển thủ của ta vốn đã yếu nay lại “thở không ra hơi” và liên tục chấn thương. Tuy nhiên, đỉnh điểm của những xung đột chính là việc HLV Miura hoàn toàn ngó lơ những ngôi sao trẻ của U19 Việt Nam đình đám trước đó.
Chỉ mình Công Phượng được ông Miura trọng dụng |
Thật khó tin dàn cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL JMG với lối chơi hoa mỹ đầy kỹ thuật lại không thể được trọng dụng một chút nào ngay ở lứa U23. Ở thời điểm ấy, chỉ có Công Phượng là thực sự được ông Miura để tâm trong khi Văn Toàn được sử dụng vài lần theo diện dự bị. Những cái tên được đánh giá là tương lai của bóng đá nước nhà như Tuấn Anh hay Xuân Trường thậm chí chỉ được vào sân trong trận đấu thủ tục ở giải U23 Châu Á theo kiểu chiếu lệ.
Vậy nguyên nhân vì đâu mà ông Miura lại không muốn sử dụng những tài năng đến từ HAGL? Câu trả lời có lẽ chỉ nằm ở góc độ chuyên môn. Như HLV Lê Thụy Hải từng thừa nhận, lứa cầu thủ của HAGL là những cái tên có trình độ kỹ thuật tốt nhất mà ông từng thấy trong cả sự nghiệp làm bóng đá từ trước tới nay. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển ở các cấp bậc cao hơn sau U19 thì điều đó là chưa đủ.
Ông Miura chê trách Xuân Trường, Tuấn Anh là yếu thể lực và rất kém trong tranh chấp, một yếu tố quan trọng hàng đầu của vị trí tiền vệ trung tâm. Đó là lí do vì sao HLV người Nhật lại thích sử dụng những Duy Mạnh, Hữu Dũng hơn dù kỹ thuật và tư duy của họ chưa bằng các đồng nghiệp. Và đương nhiên hành động này của ông Miura đã nhận chỉ trích rất dữ dội từ các CĐV.
Thế nhưng khi những khán giả xem bóng đá theo cảm tính chỉ trích một người làm chuyên môn, thì họ thật sự đã “việt vị”. Gần tròn 1 năm sau ngày ông Miura chia tay bóng đá Việt Nam, bộ 3 tài năng của HAGL được cho đi xuất ngoại với Công Phượng, Tuấn Anhd lần lượt được gửi đến Mito Hollyhock và Yokohama FC tại J-League 2 trong khi Xuân Trường được cho Incheon United ở K-League mượn 2 năm.
Thực sự kết quả sau gần 1 năm các cầu thủ này xuất ngoại đã phần nào nói lên cái lí xưa kia của ông Miura. Công Phượng chỉ được ra sân vỏn vẹn đôi lần và hầu hết là không tạo được dấu ấn. Tiền đạo số 16 của Mito gần như “ngạt thở” trước áp lực quá lớn từ giải đấu ăn đứt V-League, J-League 2. Bản thân cầu thủ này cũng phải thừa nhận rằng ở môi trường mới những cầu thủ có kỹ thuật cỡ như anh hoặc thậm chí giỏi hơn là rất nhiều và trong khi họ còn có thể lực và tư duy tốt hơn.
Công Phượng không hề nổi trội so với cầu thủ Nhật Bản |
Trường hợp của Xuân Trường và Tuấn Anh thậm chí còn bi đát hơn người đồng đội ở HAGL. Bộ đôi này chơi ở điểm nóng tuyến giữa và luôn bị chê trách về vấn đề thể lực. Được đá chính khoảng 60 phút trong một sự kiện nhằm quảng bá cho “Ngày Việt Nam ở Incheon”, Xuân Trường sau đó gần như mất tích hoàn toàn. Thậm chí ở đội dự bị thi đấu tại giải R-League cầu thủ gốc Tuyên Quang cũng không được điền tên thi đấu. Báo chí truyền thông Hàn Quốc đương nhiên cũng liên tục nêu ra nguyên nhân chủ yếu khiến Xuân Trường phải dự bị, đó là thể lực.
Tương tự là trường hợp của Tuấn Anh. Thỏa thuận đưa anh sang Yokohama chỉ là giao kèo đổi người mà ở đó HAGL nhận lại tiền vệ Ideguchi. Chính vì vậy, Tuấn Anh không được chú ý vì lí do PR và cơ hội ra sân của anh cũng hầu như không có. Phải đến gần đây, tiền vệ có lối chơi hoa mỹ này mới được đá trọn vẹn 90 phút ở vòng 1 cúp Hoàng đế Nhật Bản.
Tuấn Anh tỏ ra đuối sức ở môi trường mới |
Tuy nhiên, một lần nữa điểm yếu thể lực của cầu thủ này lại bộc lộ. Sau nhiều lần hứa hẹn về tương lai lâu dài cho Tuấn Anh, mới đây Chủ tịch của Yokohama FC đã có những phát biểu với ý không hài lòng về cầu thủ này, đặc biệt là vấn đề thể lực.
Rõ ràng, những đánh giá của một người từng làm việc ở môi trường bóng đá Nhật Bản như ông Miura từ trước tới nay vẫn luôn chính xác. Chỉ có điều, CĐV Việt Nam không hiểu hoặc không dám thừa nhận sự thật này mà thôi.
Niềm hy vọng vụt tắt?
Vừa qua, Trưởng đoàn bóng đá HAGL là ông Nguyễn Tấn Anh đã trả lời báo chí về quyết định gọi lại Công Phượng và Tuấn Anh từ mùa giải tới. Cụ thể, bầu Đức đã quyết định kết thúc việc cho 2 báu vật của mình đi du học sau một mùa giải ở J-League và họ sẽ về thi đấu cho đội bóng phố Núi ở V-League 2017. Riêng với trường hợp của Xuân Trường, do giao kèo cùng Incheon kéo dài 2 năm nên cầu thủ này sẽ chỉ trở lại vào năm 2018.
Như vậy là hành trình vươn ra biển lớn của các cầu thủ Việt Nam có thể xem như đã thất bại. Tuy nhiên, điều này xét về vĩ mô không có gì đáng buồn bởi thực tế đẳng cấp nền bóng đá nước ta và Nhật Bản vốn quá chênh lệch. Chính vì vậy, việc các sản phẩm của bóng đá Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của môi trường quốc tế là điều dễ hiểu. Có chăng, nó chỉ là lời nhắc nhở nghiêm túc cho những phát biểu có phần hơi cao hứng của bầu Đức trước đây rằng “gà nòi” HAGL-JMG đủ sức thi đấu ở Châu Âu.
Xuân Trường gần như mất tích sau màn ra mắt Incheon |
Thế nhưng, việc trở lại môi trường V-League từ mùa tới thật sự là điều đáng tiếc cho bản thân những cầu thủ như Công Phượng và Tuấn Anh. Mặc dù chưa được trao cơ hội ra sân trên đất Nhật, tuy nhiên chỉ riêng việc tập luyện và hít thở bầu không khí bóng đá chuyên nghiệp ở môi trường này đã có lợi hơn rất nhiều cho sự phát triển của cầu thủ.
Ngược lại, khi trở về V-League thi đấu cho HAGL, các cầu thủ này chắc chắn sẽ có được suất đá chính. Thế nhưng liệu khi được thi đấu và coi như ngôi sao như vậy họ có còn tìm thấy niềm vui và sự thử thách? Trong khi V-League mỗi năm lại đi xuống với đủ các vấn nạn từ trọng tài, bạo lực sân cỏ, nghi án tiêu cực... thì đó không bao giờ là môi trường tử tế cho sự phát triển của cầu thủ trẻ.
Ở lại môi trường chuyên nghiệp sẽ giúp ích cho các cầu thủ |
Lấy ví dụ với Công Phượng, cầu thủ này từng tâm sự rằng có những buổi tập ở Nhật với cường độ rất nặng đến nỗi anh thở không ra hơi. Tuy nhiên, Phượng tự cảm thấy rằng bản thân đang tốt lên từng ngày. Trong 2 lần có dịp đá chính cho Mito, Công Phượng hầu như không giữ bóng được quá 10 giây và luôn bị áp sát cực nhanh. Sự thử thách đó khiến bản thân cầu thủ này càng quyết tâm và hứng thú hơn. Vì vậy, liệu khi về V-League và ghi những bàn thắng theo kiểu tiền đạo Sunday được thủ thành Tuấn Linh “tặng” như vừa rồi, Công Phượng có còn thấy vui?
Cuối cùng, những niềm hy vọng rằng các cầu thủ tiềm năng như Công Phượng hay Tuấn Anh thực sự có thể cất cánh bay ra khỏi biên giới bóng đá Việt Nam dường như đã vụt tắt. Giờ đây, chỉ mong rằng những cái tên này sẽ luôn giữ được những phẩm chất vốn có và những bài học quý giá trên đất Nhật Bản cho hành trang tương lai của mình. Khi đã cứng cáp hơn, mong một ngày các em lại có dịp xuất ngoại để thỏa niềm mơ ước.
Tường Minh