Cuối cùng, mùa giải 2013 vẫn diễn ra, cái xác mang danh chuyên nghiệp nhưng cái hồn là phong trào.Vẫn là làm bóng đá kiểu đối phó. Đây là thời khắc thấm thía nhất những ảo tưởng của nhiều người về một giải chuyên nghiệp số một Đông Nam Á.
Mùa giải 2011, VFF tuyên bố sẽ chính thức “cắt đuôi” quá độ, để tiến lên chuyên nghiệp một cách đàng hoàng, sau 10 năm thử nghiệm. Trớ trêu, đúng cái cột mốc đó, cũng là lúc bóng đá chuyên nghiệp rơi vào khủng hoảng dây chuyền, bắt đầu là sự cố trọng tài, khiến HP.HN bỏ cuộc, để rồi đổ vỡ trên diện rộng như hiện nay.
12 năm, nếu đi đúng lộ trình, với vật chất đầu tư khổng lồ như thế, bóng đá chuyên nghiệp nước nhà đã làm được nhiều việc. Thậm chí, có thể xây dựng được những nền tảng căn bản, để đưa bóng đá chuyên nghiệp vào quỹ đạo, nghĩ tới việc sinh lãi.CĐV Hải Phòng mang quan tài bằng giấy vào sân Lạch Tray ở mùa bóng 2012 để biểu thị “cái chết” của đội bóng V.Hải Phòng ở V-League 2012, nhưng ở mùa bóng tới V.HP vẫn sẽ hiện diện ở V-League dưới cái xác của K.KH
Vậy mà, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ. Tiền bạc chỉ vào túi một bộ phận tham gia bóng đá, còn khán giả và nền bóng đá thì toàn nhận chén đắng. Giờ đây, không biết nên gọi bóng đá chuyên nghiệp kiểu ta thế nào: phong trào, bán chuyên nghiệp, quá độ chuyên nghiệp hay là…?!
Bởi, một giải chuyên nghiệp nhưng không có đội rớt hạng thì lấy đâu ra động lực để các đội thi đấu? 10 tỷ đồng cho đội vô địch sẽ tạo ra động lực ư? Số tiền đó giờ có vẻ quý, nhưng chẳng là cái gì với một đội bóng với hơn 20 cầu thủ. Lâu nay, tiền vô địch V-League mà VFF trao chỉ là cái danh. Thực tế, các đội không bao giờ nghĩ vô địch để nhận số tiền mang tính tượng trưng đó.
Một giải đấu chuyên nghiệp đúng nghĩa thì phải kéo được khán giả đến sân. Muốn thế, giải đó phải có chất lượng chuyên môn cao, nhờ vào nhiều trận đấu chất lượng, gay cấn, có tính chất quan trọng và đua tranh cao. Ít ra, như mùa bóng 2012, khán giả chưa hẳn đã đoạn tuyệt với bóng đá nội. Vẫn còn một số sân có thể làm nở mày nở mặt bộ phận thống kê. Giờ, cầu thủ đá nhưng chẳng xác định được động lực, có đi bộ cũng không rớt hạng, khán giả còn đến sân để làm gì? Quả là thảm họa mà chúng ta hoàn toàn có thể tiên liệu được.
Một giải chuyên nghiệp nhưng đặc cách cho đội U22 QG tham dự, đúng là một ý tưởng có một không hai. Nó càng chứng tỏ sự lúng túng, bị động của VFF trong việc tìm đối tượng cọ xát cho các ĐTQG. Thời gian tương đương một mùa giải, thiếu gì phương án tập huấn, cọ xát để giúp U22 QG hoàn thiện, mà phải mượn giải đấu chuyên nghiệp, các CLB chuyên nghiệp làm “quân xanh”, phục vụ một chiến dịch ao làng như SEA Games.
Đúng là cám cảnh cho con đường chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà, càng lúc càng bế tắc. VFF luôn trong trạng thái phải đối phó với các tình huống, thay vì chủ động để tìm ra đường sống. Có thể hiểu, mùa giải 2013 không có đội rớt hạng, những người có trách nhiệm muốn giải không vỡ, muốn duy trì sự ổn định số lượng đội tham dự, muốn tiếp kiệm tối đa cho các CLB. Có thể, muốn giảm được tiêu cực với một giải đấu mà không có ai rớt hạng.
Tóm lại, đấy vẫn chỉ là giải pháp tình thế, chỉ để đối phó với sự đổ vỡ mang tính tất yếu, chứ không thể hiện được tinh thần của thứ bóng đá chuyên nghiệp. Đã là tất yếu, thì chắc chắn những giải pháp hay sáng kiến nhằm đối phó, vãn hồi sớm hay muộn cũng phải trả giá.
Nền bóng đá nước nhà đang bị trả giá đúng nghĩa, 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp coi như phí phạm. Lỗi tại ai đây?!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)