Khi VPF báo cáo sơ kết 7 vòng đấu đầu tiên của V-League 2014 vào sáng 15/3, vấn đề nổi cộm nhất của giải đấu vẫn là bạo lực và công tác trọng tài. Dù vậy, có cảm giác rằng người trong cuộc chưa thẳng thắn về các sai phạm của giám sát trọng tài…
Không thể công khai sai sót của giám sát trọng tài?
Trong bản báo cáo sơ kết 7 vòng đấu đầu tiên, VPF đã nhìn thẳng vào tình trạng bạo lực trên sân cỏ Việt Nam thời gian qua. Họ cũng thừa nhận rằng sự thiếu kiên quyết và việc bỏ sót lỗi của các trọng tài trong thời gian vừa rồi chính là một trong những nguyên nhân khiến cho bạo lực có cơ hội bùng phát.
Dù vậy, có điều chưa thỏa đáng là những người điều hành cuộc chơi bàn rất sơ sài về vai trò của các giám sát trọng tài, bất chấp việc chính những “báo cáo láo” của các vị giám sát này đã góp phần khiến cho người ta không thể đánh giá hết các sai phạm của giới “vua sân cỏ”, dẫn đến công tác trọng tài không được chấn chỉnh kịp lúc.
Khá hài hước là người chưa làm nghiêm luật, báo cáo sót về sai phạm của trọng tài là ông Bùi Như Đức (thứ 2 từ trái sang) lại ngồi bàn chủ tọa, rao giảng về luật và đạo đức nghề nghiệp
Và một điều đáng ngạc nhiên nữa nằm ở chỗ, người bị cho rằng có báo cáo thiếu sót nhất (đỉnh điểm là trong trận SL Nghệ An – HV.An Giang ở sân Vinh, nơi có tình huống Đình Đồng đạp gãy chân Anh Hùng) là giám sát trọng tài Bùi Như Đức lại ngồi ngay bàn chủ tọa, thao thao nói về luật và đạo đức của trọng tài.
Điều này rõ ràng là không nên, vì bản thân ông Đức đang bị mang tiếng làm luật không nghiêm (báo cáo thiếu, nếu không muốn nói là thiếu trung thực), lại đang bị đồn là dính án kỷ luật ngầm, thì e rằng khi ông Đức nói chuyện về luật về về đạo đức nghề nghiệp thì không đủ sức thuyết phục người nghe.
Trong khi đó, đại diện BTC giải là ông Nguyễn Minh Ngọc lại cho biết “về nguyên tắc, không được tiết lộ báo cáo của giám sát”?! Chính phát biểu vừa nêu càng khiến cho người ta mơ hồ về vai trò của các giám sát. Rằng những người đã giám sát các trọng tài đã làm đúng chức năng hay chưa, và sai sót của họ nếu có là đến đâu? Hoặc trách nhiệm của họ ở đâu xung quanh sự yếu kém của các trọng tài, dẫn đến tình trạng bạo lực leo thang?
Không fair-play, thiếu công bằng
Như đã đề cập, bạo lực trên sân cỏ Việt Nam là điều không thể chối cãi, sai phạm của các trọng tài trong việc thiếu kiên quyết với bạo lực đã rành rành. Án kỷ luật dành cho cầu thủ vi phạm và trọng tài vi phạm đều đã được công khai.
Vậy thì có thực sự công bằng với tất cả những người đã tham gia cuộc chơi hay không, khi bản thân các giám sát trọng tài lúc không hoàn thành nhiệm vụ chỉ bị xử lý nội bộ theo kiểu đóng cửa bảo nhau?! Thế thì làm sao đảm bảo tính răn đe.
Mặt khác, một khi VPF và VFF đang tha thiết yêu cầu giới truyền thông thông tin chính xác về giải đấu, bản thân người trong cuộc lại không cung cấp thông tin đầy đủ về cái đúng – cái sai của các bộ phận tạo nên giải đấu, thì e rằng điều mong mỏi của những người điều hành bóng đá nội xem ra quá mâu thuẫn.
Ủy viên Ban trọng tài, đồng thời là giám sát trọng tài trong trận SL Nghệ An – HV.An Giang ở vòng 7, ông Bùi Như Đức nói: “Việc Ban trọng tài, giám sát trọng tài nhắc nhở các trọng tài là một chuyện, còn việc xảy ra sai sót lại là chuyện khác, dù không ai muốn sai sót”.
“Nếu chúng tôi thật sự tinh tường hết tất cả mọi tình huống, nếu chúng tôi cụ thể hơn thì có lẽ không cần đến camera. Chúng ta cần thông cảm cho các trọng tài, vì có khi họ rơi vào điểm gọi là điểm mù, không quan sát hết” – ông Đức nói thêm.
Đúng là rõ ràng cần phải xem lại vai trò và khả năng của các giám sát trọng tài, rằng họ có còn cần thiết nữa không, sau khi họ gần như đã thừa nhận không thể bao quát diễn biến? Và sau quá nhiều sự cố nhưng lực lượng này vẫn bình chân như vại.
Đến nỗi TGĐ VPF, ông Phạm Ngọc Viễn cũng phải nói: “Khi báo cáo của giám sát trọng tài không đầy đủ, chúng tôi sẽ dựa vào những kênh thông tin khác, trong đó có báo chí. Từ vòng 8 trở đi, chúng tôi sẽ xử các án phạt nguội mạnh tay hơn”. Cũng từ vòng 8, chuyên gia Tanaka Koji (Nhật Bản) sẽ chính thức giữ cương vị Trưởng BTC V-League 2014.
Theo Dân Trí