ĐT Việt Nam với một HLV tạm quyền, làm việc theo kiểu bán thời gian; dàn cầu thủ được tập trung theo mô hình “2 trong 1”…, sao có thể gặt hái thành công?!
Những cầu thủ trẻ như Hoàng Thịnh (phải) rất ít có cơ hội thi đấu ở ĐTQG
Các cụ vẫn có câu: “Bóc ngắn cắn dài”. Ý nói lối làm ăn cò con, lại tham lam, bỏ ít công sức, vốn liếng mà lại muốn thu lợi nhuận nhiều. Thật vậy, trong làm ăn kinh tế hay mỹ miều hơn gọi là trên thương trường, chẳng có đầu tư hời hợt nào lại mang lại hiểu quả cao cả. Nhưng, điều đó có liên quan gì đến bóng đá, với giấc mơ nâng tầm – tham vọng chinh phục ở đỉnh cao mà chúng ta đang hướng đến? Việc ĐT Việt Nam vừa thua Hong Kong (Trung Quốc) ngẫm ra cũng bình thường.
Tất cả những đầu tư hời hợt ấy, cho ra một nghiệm chung: Thất bại. Vậy có gì phải buồn, phải thất vọng sau một trận thua ở cái sân chơi mà chúng ta hoàn toàn không đặt mục tiêu cụ thể nào?! Nhưng, con người chứ đâu phải sắt đá, mà không ngẫm nghĩ, không so đo, nhất là khi chúng ta gần như đã phá sản luôn các kế hoạch chuẩn bị cho “đội hình 2” sẽ đá SEA Games 27, như tiêu chí ban đầu?!
Có đứng mũi chịu sào mới hiểu được cảm giác của HLV tạm quyền Hoàng Văn Phúc, rằng tại sao ông chỉ sử dụng rất nhỏ lẻ các cầu thủ trẻ. Đẳng cấp chơi bóng giữa người trẻ và một tuyển thủ QG là điều cần bàn tới. Ngót một năm chuẩn bị, dài hay ngắn cũng còn tùy tình hình cụ thể. Chiếc HCV SEA Games mà bóng đá Việt Nam vẫn theo đuổi, là cái đích (gần nhất) hướng tới, nhưng không bao giờ là bắt đầu, là khởi thủy cho cả một chiến lược phát triển!
Tính từ thời điểm cầu thủ 23 tuổi (độ tuổi đá SEA Games), giá trị sử dụng cũng cạn dần. Từ đội hình ĐT U23 Việt Nam chơi SEA Games 2011, sau chỉ hơn một năm, Thành Lương, Văn Hoàn và Văn Quyết là 3 cái tên hiếm hoi còn đứng trong đội hình chính ĐT Việt Nam. Còn nếu cột mốc là SEA Games 2009, cũng chỉ còn mỗi Thành Lương. Nên nhớ, năm nay Lương mới 25 tuổi (theo giấy tờ). Vậy có nhất thiết phải hạ quyết tâm giành HCV SEA Games bằng mọi giá không?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)