Thứ Ba, 05/11/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam dưới góc nhìn ĐKVĐ thế giới Đức: Mấu chốt vẫn là bóng đá trẻ

Thứ Sáu 18/07/2014 06:20(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Rõ ràng chiến công vừa rồi của Mannschaft tại World Cup 2014 dựa rất nhiều vào hệ thống đào tạo trẻ được cải tổ lại ở xứ sở này hàng chục năm về trước. Không còn nghi ngờ gì, sẽ chẳng có thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu không chịu khó đầu tư cho tương lai…

V-League đang thả nổi công tác đào tạo trẻ

Để bằng được cái đội Đức vừa vô địch World Cup 2014 có lẽ 

bóng đá Việt Nam sẽ không bao giờ bằng. Nhưng không phải không có những khâu mà chúng ta có thể học kinh nghiệm từ họ, có thể cải thiện ngay tức thì, đấy là khâu đào tạo.

V-League 2014 mới chỉ khuyến khích các đội bóng sử dụng cầu thủ U21 trong đội hình, chứ chưa bắt buộc. BTC V-League sau nhiều năm bị phản ứng vẫn chưa có sự ràng buộc đáng kể với các CLB, buộc họ phải cải thiện khâu đào tạo của chính mình.

Để tìm lại thành công, bóng đá Việt Nam cần cải thiện khâu đào tạo trẻ
Để tìm lại thành công, bóng đá Việt Nam cần cải thiện khâu đào tạo trẻ

Dễ thấy rằng nhiều CLB đang chơi ở V-League cho đến giờ vẫn không mấy quan tâm đến các tuyến trẻ. Ví như Hải Phòng, đội bóng đất Cảng hầu như không có tuyến kế cận. Hải Phòng tồn tại ở V-League cho đến giờ này cũng bằng cách sang tên, đổi chủ, mua lại suất từ K.Khánh Hòa, chứ không phải tồn tại bằng con đường đi lên từ nội lực.

Cũng rất khó hình dung là các đội trẻ của Quảng Nam, B.Bình Dương, HV.An Giang hiện nay ra sao? Ngay đến ĐT Long An, thuộc vào loại kỳ cựu trong làng cầu Việt Nam, đã làm bóng đá chuyên nghiệp hơn chục năm nay, nhưng các đội trẻ của Gạch chỉ thuộc dạng tồn tại cho có, chứ nói đấy là thế hệ đủ sức đảm bảo cho tương lai thì không đúng!

Cái chính ở chỗ BTC V-League và VFF nhiều năm qua vẫn để cho tình trạng ấy tồn tại. Người ta để cho tình trạng các CLB chuyên nghiệp giành giật cầu thủ của nhau để tồn tại, mà không hề đòi hỏi lộ trình cho tương lai của chính các đội bóng đang đá tại V-League.

Rồi thay vì dành sân chơi cho cầu thủ trẻ vươn lên trong bóng đá đỉnh cao, người ta lại để cho tình trạng cầu thủ nhập tịch tràn lan, khi các đội muốn lách luật tìm thành tích. Dễ thấy là những chuyên gia sử dụng cầu thủ nhập tịch gồm B.Bình Dương, V.Ninh Bình và XM Xuân Thành Sài Gòn đều là những đội có vấn đề ở tuyến kế cận.

Số phận của V.Ninh Bình và XM Xuân Thành Sài Gòn thì đã rõ. B.Bình Dương vẫn còn hào nhoáng vì họ vẫn còn rất giàu. Nhưng ngoài chuyện giàu có, đội bóng đất Thủ Dầu làm được gì cho tương lai của bóng đá Việt Nam lại là câu hỏi rất khó trả lời?

Cải thiện chất lượng cầu thủ trẻ?

Quay trở lại câu chuyện của bóng đá Đức. Không phải không có thời kỳ người Đức khủng hoảng tài năng, nhất là ở giai đoạn từ năm 1998 – 2004. Đấy là giai đoạn mà bóng đá Đức chỉ có vài cầu thủ đáng được gọi là sao ở đẳng cấp thế giới như Ballack, Kahn hay Effenberg (riêng Effenberg thời đó không chịu khoác áo đội tuyển) – một con số quá nghèo nàn với cường quốc bóng đá cỡ Đức.

Đấy cũng là giai đoạn mà bóng đá Đức bị cho là tụt hậu so với phần còn lại của thế giới về mặt kỹ thuật và sự sáng tạo. Bây giờ thì khác hẳn, Đức đang mạnh lên, thậm chí mạnh nhất thế giới về những điểm vốn trước đây họ bị đánh giá là yếu: Số lượng cầu thủ giỏi ở Đức rất dồi dào, trong khi chất lượng kỹ thuật khỏi chê!

Bóng đá Việt Nam muốn thay đổi chất lượng con người dứt khoát cần phải thay đổi cung cách đào tạo con người! Bóng đá ở ta cũng đang đối diện với tình trạng cầu thủ nghèo nào về kỹ thuật, nên cần một cách làm khác, khoa học hơn trong việc cho ra lò những cầu thủ của tương lai.

Cho đến giờ, mô hình học viện mà bầu Đức đang xây dựng 6 – 7 năm qua là một trong những mô hình có thể thay đổi chất lượng kỹ thuật của cầu thủ nội. Nhưng đấy mới là nỗ lực riêng lẻ của bầu Đức, hay của PVF hoặc Viettel, trong khi mô hình ấy cần được nhân rộng và thậm chí cần được phát triển để hoàn thiện hơn nữa, trên bình diện vĩ mô hơn.

Công tác đào tạo trẻ chắc chắn là công tác cần nhiều thời gian và cần tiền. Nhưng chắc là cũng không tốn hơn những khoảng tiền khủng mà những người làm bóng đá bỏ ra để giành giật cầu thủ của nhau, hay nhập tịch cho các cầu thủ ngoại. Đấy là công tác cần người có tâm, có tầm nhìn, có cả sự kiên nhẫn để gõ cửa các cơ quan hoạch định chiến lược liên quan đến con người mang tầm quốc gia!

Theo Dân Trí

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X