Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn từ thất bại của đội tuyển Việt Nam: Dấu hỏi lớn cho nguồn nội lực

Thứ Hai 03/12/2012 06:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một trong những sự khác biệt lớn nhất của ĐT Việt Nam khi đến với AFF Cup 2012 chính là việc lần đầu được dẫn dắt bởi HLV trong nước, điều mà các nhà quản lý chuyên môn trong nước thường tự hào với cụm từ "phát huy nguồn nội lực". Nhưng rồi, cái đội tuyển bằng nội lực "xịn" ấy đã thất bại nặng nề và để lại những dấu hỏi to đùng.

Trở lại với đấu trường quốc tế vào năm 1991, khoảng 4 năm sau, trào lưu thầy ngoại đã bắt đầu bằng sự có mặt của Tavarez và lập tức bóng đá Việt Nam có cuộc chuyển mình lớn về chất, khi hầu hết thành công trên sân cỏ đều gắn với các HLV nước ngoài. Nhưng cũng qua gần 2 thập kỷ ấy, bóng đá Việt trở thành cái "lò xay thầy ngoại" mà nguyên nhân xuất phát từ căn bệnh "ăn xổi" thành tích. Và AFF Cup 2012, đánh dấu chuyển của VFF trong tư duy khi quay lại nguồn nội lực vốn đã bị bỏ quên quá lâu.

"Canh bạc một cửa"...

Đã có quá nhiều tranh cãi vào thời điểm VFF đưa ra chủ trương này, nhưng có vẻ như nó xuất phát nhiều từ sự... sỹ diện hơn là tính hiệu quả thực sự. Có thể trong gần chục ông thầy ngoại mà bóng đá Việt "đã xài" có những vị là kém thực sự như kiểu Dido, hay Letard... nhưng với Weigang, Riedl và đặc biệt là Calisto, phải khẳng định đó là những HLV giỏi, có trình độ chuyên môn, đẳng cấp vượt trội so với các HLV trong nước. Việc quay lại với thầy nội được viện dẫn từ thành công của người hàng xóm Malaysia (liên tục thành công với HLV Rajagobal), sự tiến bộ của các HLV trong nước sau nhiều năm làm việc với HLV nước ngoài và kể cả là những cơ chế quản lý, mức lương thưởng được xây dựng mới cho phù hợp hơn, hấp dẫn hơn.

Thành phần BHL người Việt đã được VFF tin tưởng nhưng kết quả thu được không như mong đợi.
Thành phần BHL người Việt đã được VFF tin tưởng nhưng kết quả thu được không như mong đợi.

Tất nhiên, nếu thành công với thầy nội thì đó là cái kết thật tuyệt vời. Nhưng tới khi ĐT Việt Nam rời AFF Cup 2012 với những thất bại nặng nề, hóa ra cái nguồn "nội lực" khi... không hề... hay ho như nhiều người vẫn tưởng. Ngay trên đất Thái, đích thân Trưởng đoàn ĐT Việt Nam và cũng là TTK VFF, ông Ngô Lê Bằng cho biết, HLV Phan Thanh Hùng là sự lựa chọn duy nhất cho chiếc ghế thuyền trưởng. Vấn đề kiêm nhiệm của ông Hùng mà báo chí từng lo lắng rất nhiều cũng bị VFF "bỏ qua" bởi... không còn lựa chọn nào khác!

Và "canh bạc một cửa" kết thúc thế nào thì ai cũng rõ, thậm chí, ông thầy CLB HN T&T còn bị chính "cấp trên" của mình... đá lại "quả bóng tương lai" bằng tuyên bố: "Câu trả lời đang nằm trong quyền quyết định của anh Hùng, dù thế nào thì VFF cũng sẽ tôn trọng lựa chọn của ông Hùng”.

... Vẫn còn tiếp diễn?

Cũng theo ông Ngô Lê Bằng, dù ĐT Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2012 thì VFF vẫn "trung thành" với chủ trương sử dụng HLV nội cho ĐTQG. Điều đó có nghĩa là VFF sẽ tiếp tục đặt niềm tin vào nguồn nội lực. Nếu HLV Phan Thanh Hùng không tự từ chức thì đương nhiên ông thầy người Quảng - Đà tiếp tục dẫn dắt ĐTQG dự vòng loại ASIAN Cup 2015 và đặc biệt là SEA Games 2013 tới tại Myanmar. Còn nếu ông Hùng từ nhiệm thì chỉ trong vòng 2 tháng tới, VFF buộc phải tìm kiếm HLV trưởng nội mới dẫn dắt ĐT Việt Nam thi đấu trận mở màn vòng loại ASIAN Cup 2015 trên sân nhà với UAE. Một cuộc tìm kiếm sẽ chẳng hề dễ dàng nếu nhìn vào những gì đã qua.

Nhưng vấn đề với VFF lúc này không phải là chuyện tiếp tục với ông Hùng hay ông thầy nội nào khác mà cấp thiết hơn là phải có chiến lược thực sự trong việc tiếp tục sử dụng nguồn nội lực này. Sự tin tưởng, những cơ chế và cả chuyện lương thưởng cho HLV nội là cần thiết nhưng rõ ràng, nhìn vào cả cuộc hành trình tại AFF Cup vừa qua, VFF đã không có sự kiểm soát, điều chỉnh kịp thời. Người hâm mộ không cần tới 1 ông Trưởng đoàn, kiêm TTK VFF tham gia... nhặt bóng, dọn dẹp trên sân tập mà phải là người có đủ uy quyền can thiệp vào những mâu thuẫn trong đội bóng, trên cabin của BHL.

Thầy nội giỏi chúng ta không thiếu mà chỉ thiếu cách làm hiệu quả mà thôi. Cách làm không chỉ với các ông thầy mà cả với nền bóng đá. Đó chính là những dấu hỏi lớn

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X