ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2019 đã trải qua 2 trận đấu, và chưa giành được bất kỳ điểm số nào. Có nhiều lý do cho thấy đây là chuyện không hề bất ngờ.
Sự khác biệt từ pha bóng cố định
Trong trận thua tâm phục khẩu phục trước Iran – một trong những ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch, ĐT Việt Nam tạo ra được duy nhất 1 cơ hội đáng kể, pha bỏ lỡ của Công Phượng. Còn lại, có thể kể ra cú sút phạt của Quang Hải đưa bóng trúng vị trí thủ môn đối phương.
Bỏ qua sự tiếc nuối từ cú dứt điểm của Công Phượng, có nhiều điều đáng nói hơn ở tình huống Quang Hải sút phạt. Ở góc sút khá thuận lợi, chỉ mình “Hải con” đứng trước bóng, không hề có bất kỳ dấu hiệu nào của “động tác giả”, và Hải sút trúng thủ môn của Iran. Chấm hết.
Đó là một tình huống thất bại trong tận dụng quả bóng chết, khi ĐT Việt Nam thậm chí còn chẳng thèm dàn xếp đá phạt. Tất nhiên không thể cho rằng Quang Hải biếu bóng cho đối phương, bởi thực chất cầu thủ này sút phạt rất tốt. Nhưng chẳng lẽ, QBV Việt Nam 2018 quá tự tin với pha dứt điểm của mình?
|
Chỉ một mình Quang Hải đứng trước bóng, và sút đúng người thủ môn |
Quay trở lại trận ra quân với ĐT Iraq, hậu vệ Ali Adnan cũng đặt bóng ở góc tương tự, và cũng chỉ một mình anh đứng trước bóng. Và rồi, cầu thủ đang thi đấu ở Serie A găm thẳng bóng vào góc gần chữ A, không cho Đặng Văn Lâm bất kỳ cơ hội nào để cản phá.
Còn với cái tên được lựa chọn sút phạt của ĐT Việt Nam, Quang Hải đã chọn góc xa để “né” hàng rào, nhưng đó là nơi Iran chờ sẵn. Từ 2 tình huống sút phạt tương tự, thủ môn đứng vị trí giống nhau, nhưng sự khác biệt giữa 2 chân sút đều thuận chân trái là rất lớn.
Đừng quên, Iran chỉ cử 2 người lập hàng rào trong pha bóng của Quang Hải. Còn trong trận gặp Iraq, Việt Nam có 5 người đứng chắn nhưng vẫn thủng lưới như thường.
|
Cùng góc, cùng không có nhân tố đánh lừa hàng rào, nhưng khác biệt là quá lớn |
Việt Nam thích “chữa bệnh hơn phòng bệnh”
Đó là chênh lệch trong khả năng tận dụng những tình huống bóng chết. Ngược lại trong những tình huống chống đá phạt, thầy trò Park Hang Seo cũng cho thấy sự chênh lệch lớn với những đối thủ hàng đầu châu lục.
Nếu để ý, có 1 tình huống hàng thủ Việt Nam chơi chiến thuật kiểu Serie A, dồn toàn bộ nhân sự ngay trước thời điểm cầu thủ Iran treo bóng vào vòng cấm địa. Chúng ta đã thành công trong tình huống đó, khi đối phương vị thổi việt vị. Nhưng điều này nói lên một điều rõ ràng: Việt Nam không tự tin chống đỡ những pha bóng cố định của đối thủ.
Một lần nữa trở lại với cú sút của Ali Adnan, khi Quang Hải đã làm một cú “Brozovic” – nằm bên dưới hàng rào để ngăn đối thủ sút phạt chìm. Tất cả những chi tiết đó cho thấy – ông Park đã rèn rất kỹ những “tuyệt chiêu” này trong các buổi tập. Nhưng tại sao phải khổ vậy?
|
Quang Hải "chui gầm" trong cú sút phạt của Ali Adnan |
Với việc các cầu thủ bóng đá ngày nay liên tục cải thiện khả năng sút phạt của mình, những cái tên kiểu Ali Adnan là nỗi kinh hoàng với mọi hàng phòng ngự. Ở đó, hàng rào được lập ra để ngăn chặn hướng sút thì ít, mà che mắt thủ môn thì nhiều. Hay nói cách khác, cơ hội dành cho thủ môn trong những tình huống chống đá phạt, bao giờ cũng ít hơn người dứt điểm.
Với việc HLV Park Hang Seo liên tục cho các học trò dùng mọi “thủ đoạn” để hạn chế sự nguy hiểm từ tình huống cố định, có thể thấy rõ Việt Nam đang tìm mọi cách để hạn chế đẳng cấp quá lớn này. Nhưng có một điều đơn giản, nếu không muốn phải nhận những quả phạt nguy hiểm, thì đừng phạm lỗi ở những vị trí nhạy cảm.
Nhưng rồi, ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2019 vẫn luôn phải đối mặt với những pha bóng như vậy trong mỗi trận đấu. Và chẳng cần phải chiến thuật, thể lực hay điều gì quá cao siêu, đối thủ chỉ cần tận dụng điểm yếu bóng chết là có thể phá lưới Đặng Văn Lâm. Đó mới là nỗi kinh hoàng với HLV Park, khi ông không thể cải thiện điều này trong thời gian ngắn.
Nguyệt Anh – TTVN