Năm 2018 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của bóng đá Đông Nam Á ở cấp độ trẻ khi các đội tuyển liên tục gây ấn tượng ở VCK U23 châu Á cho đến ASIAD 2018.
Không còn phận lót đường
Trong hai giải đấu gần cấp độ đội tuyển quốc gia nhất ở châu Á năm 2018 là VCK U23 và ASIAD, các đội tuyển đại diện cho bóng đá Đông Nam Á đều gây ấn tượng mạnh mẽ. Ngoại trừ "anh cả" Thái Lan, Việt Nam hay Malaysia đều để lại dấu ấn lớn.
|
ĐT U23 Việt Nam gây ấn tượng mạnh với ngôi á quân tại VCK U23 châu Á 2018. |
Tại VCK U23 châu Á, Malaysia và Việt Nam khai sáng con đường mới cho bóng đá Đông Nam Á khi lần đầu tiên vượt qua vòng bảng. Thậm chí, U23 Việt Nam còn khiến cả châu lục phải ngả mũ khi tiến tới trận chung kết, chỉ để thua U23 Uzbekistan ở những phút cuối thời gian đá hiệp phụ.
Đến ASIAD, bóng đá Đông Nam Á tiếp tục đưa ra lời khẳng định mạnh mẽ. Ngoài Lào và Timor Leste vốn bị đánh giá thấp, cũng như Thái Lan bất ngờ thi đấu thiếu ổn định, các đại diện còn lại đều chơi hay một cách bất ngờ.
Việt Nam và Malaysia tiếp tục vượt qua vòng bảng, thậm chí với ngôi đầu. Malaysia đánh bại Hàn Quốc đầy tham vọng với ngôi sao Son Heung-min để chắc chắn giành ngôi đầu bảng E chỉ sau hai trận, trong khi Việt Nam thắng Nhật Bản ở trận cuối để giữ thành tích toàn thắng ở vòng bảng. Chủ nhà Indonesia cũng đã chắc suất vượt qua vòng bảng.
|
ĐT Olympic Malaysia gây bất ngờ khi đánh bại Olympic Hàn Quốc tại ASIAD 2018. |
Myanmar trong trận đấu cuối với Iran - một trong những nền bóng đá hàng đầu châu Á - giành chiến thắng 2-0. Nếu cú dứt điểm của Dway Ko Ko không bị từ chối bởi xà ngang, Myanmar sẽ vượt qua vòng bảng, đẩy Iran và Saudi Arabia phải giành vé đi tiếp bằng cách bốc thăm.
Tại VCK Asian Cup 2019, bóng đá Đông Nam Á cũng đóng góp ba đại diện gồm Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Với những gì các cầu thủ U23 và Olympic đã làm được, các đội bóng tại châu lục chắc chắn sẽ không dám coi đại diện đến từ "vùng trũng của bóng đá thế giới" là những kẻ lót đường như trước nữa.
Đâu là nguyên nhân thành công?
Có thể thấy điểm chung của những thành công này đến ở cấp đội đội trẻ, phản ánh đúng thực tế rằng các nền bóng đá Đông Nam Á đang có hướng đi đúng đắn hơn. Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Philippines hay cả Campuchia những năm gần đây đang xây dựng lộ trình phát triển bóng đá trẻ bài bản hơn.
|
Những trung tâm đào tạo như PVF giúp bóng đá Việt Nam sản sinh ra nhiều cầu thủ trẻ chất lượng. |
Ví dụ tiêu biểu nhất là Việt Nam với những lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG, Hà Nội, PVF hay Viettel đang đóng góp cho các cấp độ đội tuyển những cầu thủ chất lượng.
Vấn đề thứ hai là các đội bóng ở khu vực đang có xu hướng định hình phong cách bóng đá đặc trưng. Thay vì liên tục thay đổi những huấn luyện viên ngoại với phong cách bóng đá khác nhau, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam bắt đầu sử dụng các chiến lược gia nội để khai thác tốt nhất điểm mạnh, cũng như hạn chế điểm yếu của cầu thủ quốc nội.
Những Kiatisak (Thái Lan), Ong Kim Swee (Malaysia) hay Hữu Thắng (Việt Nam) đều góp phần quan trọng trong việc định hình cách chơi xuyên suốt cho đội tuyển. Ngay cả khi thay HLV ngoại như trường hợp của Việt Nam, HLV Park Hang Seo cũng xây dựng cách chơi dựa theo định hướng trước đó để phù hợp với các cầu thủ.
|
HLV Park Hang Seo luôn khẳng định cầu thủ Việt Nam không hề kém so với Hàn Quốc hay Nhật Bản. |
Các đội tuyển ở khu vực cũng đã hạn chế được điểm yếu tự ti về mặt tâm lý. HLV Ong Kim Swee luôn truyền đạt với các cầu thủ Malaysia rằng họ bị xem là "kẻ lót đường", thế nên các cầu thủ cần phải ra sân và chơi máu lửa để thể hiện điều ngược lại.
HLV Park Hang Seo cũng chơi bài tâm lý rất tốt khi luôn khẳng định cầu thủ Việt Nam về phẩm chất không hề kém Nhật Bản hay Hàn Quốc. Điều còn khuyết thiếu là sự tự tin, chiến thắng Nhật Bản tại ASIAD 2018 như một cách để thầy Park khẳng định điều đó, đồng thời "bơm" thêm doping tự tin cho các học trò.
Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về ĐT Việt Nam tại ASIAD 2018:
Như Đạt (TTVN)