"Anh trai" Kim Sang Sik và câu chuyện quản lý con người trong bóng đá

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Năm 06/06/2024 10:28(GMT+7)

Zalo

“Anh em như thể tay chân” - chúng ta có thể dành tặng HLV Kim Sang-sik tục ngữ này trước trận ra mắt ĐT Việt Nam. Và dù chiến lược "Anh trai" ông đang xây dựng là đậm tính nhà nghề hay thực lòng muốn dốc sức để kiến tạo di sản cuộc đời như tiền bối Park Hang-seo, chỉ mong ông biết một điều giản dị: người Việt trọng tình và trọng ân tình. Nếu ông chân thành cống hiến tài năng cho đội-tuyển-của-chung, “mấy đứa em” cầu thủ và “bà con” Việt Nam sẽ luôn nhớ và không để ông chịu thiệt.

Kim Sang Sik
 

1. Có một tình huống nhỏ gần đây của ĐT Việt Nam mà có lẽ bà con quan tâm.

Khuất Văn Khang khẽ quệt mồ hôi trên trán, khép cả hai tay vào người, lóng ngóng như cậu học sinh vừa thi 9 lên 10 trong ngày nhận lớp. Khang chần chừ mãi trước lời gọi tiến lại gần của các giáo viên. Và nhìn quanh, bạn cùng lớp của cậu người thì xoa tay, người bẻ khớp ngón tay răng rắc. Thoải mái nhất là những cái cười mỉm.

Trái với những biểu hiện ngại ngùng là sự thân thiện như đã quen từ lâu của những người thầy mới. Dùi phá băng là nụ cười tươi và những cái kéo tay. Văn Khang còn là người đầu tiên nhận được cái vỗ vai từ ông thầy mà anh e ngại nhất - HLV trưởng.

Khoảnh khắc ấy mở màn buổi tập đầu tiên thời HLV Kim Sang-sik của ĐT Việt Nam, hôm 1/6. Hoạt động đầu tiên của cựu HLV Jeonbuk Hyundai Motors là chia các cầu thủ thành hai nhóm: một tập với HLV thể lực, một nói chuyện với ông và trợ lý Choi Won Kwon.

Toàn cảnh buổi tập cuối của Việt Nam trước trận gặp PhilippinesToàn cảnh buổi tập cuối của Việt Nam trước trận gặp Philippines
Vào 17h30 ngày 5/6, đội tuyển Việt Nam đã có buổi tập cuối cùng trên sân Mỹ Đình để sẵn sàng cho trận đấu với Philippines vào ngày mai

Nhóm nói chuyện không chỉ có những gương mặt trẻ như Văn Khang, Nguyễn Thái Sơn mà cả những người kỳ cựu như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức, Bùi Hoàng Việt Anh. Nhưng mọi người đầy ngại ngùng, đứng dàn hàng cách xa các HLV. Khi được các thầy gọi lại gần, chân thì bước nhưng vẫn… dàn hàng ngang.

Lựng khựng vài khắc, ông Choi và các trợ lý khác phải xông xáo hơn để bẻ hàng ngang ấy thành đường tròn. Văn Khang từ thế ngoài rìa bỗng thành đứng gần ông Kim nhất trong vòng tròn mới lạ, hoang mang đến tội.

Chuyện vốn dễ hiểu và không có gì đáng nói: một nhóm cầu thủ còn ngại tiếp xúc với tân HLV. Nhưng cái bình thường ấy lại tạo cảm tình với các CĐV và một đội tuyển vừa tỉnh cơn ác mộng, sau thời một HLV xa cách và gây bất hòa chưa từng thấy.

Thực tế trước cả khi buổi tập bắt đầu, nhận thấy bầu không khí gượng gạo, trợ lý phân tích số liệu Nguyễn Anh Tuấn đã cất lời: “Ơ sao hôm nay trầm thế? Mọi khi thấy nói nhiều lắm cơ mà? Tiến Linh các kiểu đâu rồi, nói chuyện đi, thoải mái lên”. Để rồi chỉ ít phút sau đó, “cây hài” từ Becamex Bình Dương đã xẵng giọng trêu Nguyễn Tuấn Anh trong bài đá ma có HLV Kim tham gia: “Anh trai kìa! Chuyền anh trai đi”. Nguyễn Quang Hải cũng không ngại khen người thầy mới sau đường chuyền thoát hiểm lúc bị hai “con ma” áp sát: “Hay quá coach ơi!”.

video

Video: Buổi tập vui vẻ của ĐT Việt Nam

“Thoải mái” là từ khóa được lặp đi lặp lại nhiều nhất của các cầu thủ khi trả lời phỏng vấn về những ngày tập luyện vừa qua. “HLV Kim Sang-sik gần gũi với cầu thủ, luôn tạo tiếng cười để không gian tập luyện thoải mái”, lời Hoàng Đức. “Thầy Kim là người gần gũi, đang cố gắng hòa nhập cùng các cầu thủ và tạo cho mọi người không khí thoải mái nhất có thể”, lời Nguyễn Văn Toàn. “Chúng tôi bắt nhịp khá nhanh, cảm thấy hứng khởi với từng buổi tập cùng HLV mới. HLV Kim Sang-sik vừa là thầy, vừa là một người anh. Khi ra sân thấy HLV trưởng tạo cho mình sự gần gũi, thân thiết, chúng tôi thấy thoải mái. Đó là sự tin tưởng dành cho cầu thủ để chúng tôi thấy tự tin ra sân thi đấu hết khả năng”, Quang Hải cho biết.

Nhiều phóng viên tác nghiệp hiện trường cũng khẳng định, từ rất lâu rồi họ mới quay được những nụ cười sảng khoái như thế trên sân tập ĐTQG.

2. Trong khi thoải mái hay gần gũi là tiếng lòng chung của cầu thủ, HLV Kim liên tục nhấn mạnh mong muốn làm “Anh trai” từ khi xuất hiện. Lần đầu là ngay trong lễ ký kết, ông bảo tiền bối Park Hang-seo đã là appa (người cha) không thể thay thế của bóng đá Việt Nam, nên ông muốn trở thành hyeong (anh trai) của các cầu thủ. Gần đây nhất, ông tự giải thích cặn kẽ mong muốn này trong buổi họp báo quốc tế đầu tiên cùng ĐT Việt Nam:

“Tôi mong muốn trở thành người anh của các cầu thủ đội tuyển Việt Nam. Chữ anh có nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn như trong cuộc sống hàng ngày, tôi sẽ là người anh trong gia đình. Còn trong tập luyện, tôi sẽ cố gắng hướng dẫn, định hướng cầu thủ để họ hiểu được và làm theo yêu cầu chuyên môn một cách chính xác nhất. Tôi sẽ cố gắng tạo sự kết nối để mang đến điều tốt nhất cho các cầu thủ”.

Anh trai Kim Sang Sik và câu chuyện quản lý con người trong bóng đá 1
 

Đây thực ra là cách tiếp cận đậm tính nhà nghề. Cụ thể là về phương diện quản lý con người trong bóng đá. “Đối phó với những tính cách khác nhau là điều khó khăn nhất trong huấn luyện”, Micky Adams, cựu HLV Brighton và từng đưa “Chim mòng biển” lên hạng hồi đầu thế kỷ, khẳng định.

“Tôi đã chứng kiến rất nhiều HLV mất việc vì cố giả tạo các mối quan hệ cá nhân. Bạn phải hiểu cảm xúc của cầu thủ, thể hiện sự đồng cảm, vỗ về nhưng cũng đồng thời yêu cầu những tiêu chuẩn cao nhất từ phía họ”.

“Ngày còn thi đấu, tôi không phiền khi một HLV hét thẳng mặt và bảo tôi đá như c*t. Tôi sẽ tự bảo lòng: ‘Tôi sẽ chứng minh ông sai và khẳng định mình không phải như vậy’. Nhưng ngày nay không còn kiểu đó nữa, các cầu thủ hiện đại cần HLV củng cố tâm lý. Và ở bất kỳ thời đại nào, HLV cũng cần sự hỗ trợ từ những cá nhân giàu ảnh hưởng trong phòng thay đồ”.

Viết trên The Set Pieces, ký giả Ben Welch khẳng định các cầu thủ cá tính thường là các thủ lĩnh và định đoạt trận đấu. Các HLV thường dùng những kỹ thuật khác nhau để “nạp điện” cho các “trung úy” của họ, ví dụ khoác vai là kiểu thường thấy của HLV Harry Redknapp. Bạn có thể tiếp năng lượng cho cầu thủ bằng những lời khen ngợi và cho họ sự tự do nhất định trên sân, miễn là họ chơi hiệu quả. Paolo Di Canio, Rafael van der Vaart và Paul Merson đều từng là những nhà kiến thiết tự do hưởng lợi từ phương pháp này.

Trong mùa giải 2002-03, Merson từng xin Redknapp đi trị thương nhưng kỳ thực là bay đến Barbados nghỉ dưỡng. Merson nghĩ mình nói dối trót lọt cho đến khi chạm mặt một trong những người bạn thân của Redknapp trong kỳ nghỉ. Song, thay vì trừng phạt đội trưởng của mình, HLV của Portsmouth đã nhắm mắt làm ngơ. Merson sau đó ghi tổng 12 bàn góp công giúp CLB vô địch giải hạng Nhất và giành quyền lên Premier League. “Ngày ấy, tôi quay lại CLB sau kỳ nghỉ chui với làn da rám nắng - dù lúc đó đang là tháng Một mùa Đông ở Anh!”, Merson kể. “Ông ấy chỉ phớt lờ nó, không nói một lời về chuyện đó cho đến tận hai năm sau”.

Jurgen Klopp thì “gieo trồng” sự nể phục từ các cầu thủ bằng cách tạo ra các mối quan hệ rất cá nhân. Bằng xúc giác và thể hiện sự quan tâm thực sự trong cuộc sống của họ, ông xây dựng một sự tin tưởng và kết nối giúp Liverpool đứng dậy sau những thất bại trong các trận chung kết lớn để rốt cuộc vô địch Champions League và Premier League.

Anh trai Kim Sang Sik và câu chuyện quản lý con người trong bóng đá 2
 

Một trong những trụ cột trên hành trình đó, Gini Wijnaldum từng bỏ qua lời mời của Tottenham để gia nhập Liverpool sau cuộc trò chuyện với Klopp. “Tôi đã nói chuyện với cả Mauro Pochettino và Jurgen Klopp”, anh kể hồi 2016. “Nhưng trong cuộc gặp với Jurgen, chúng tôi đã cười to và không chỉ nói chuyện về bóng đá. Ông ấy quan tâm đến cuộc sống cá nhân của tôi và điều đó tốt cho tôi. Jurgen không chỉ quan tâm đến cầu thủ Wijnaldum mà còn cả con người Wijnaldum”.

“Khi bạn không trực tiếp xỏ giày ra sân, bạn cần giao tiếp và sẽ thật tốt nếu bạn thấu hiểu các cầu thủ. Mọi thứ từ đó sẽ dễ dàng hơn. Các buổi tập cũng sẽ hòa hợp và hiệu quả hơn, càng cạnh tranh càng hiệu quả. Điều đó khác với những gì tôi từng trải nghiệm trước đây. Một HLV như thế cho bạn sự tự tin. Jurgen không phải một nhà quản lý sẽ hét vào mặt hoặc tức giận bất cứ khi nào bạn phạm sai lầm. Ông ấy chỉ nổi điên nếu bạn không làm được những điều bạn giỏi”, Wijnaldum tiết lộ.

Giáo sư Sophia Jowett của đại học Loughborough đã “chưng cất” phương pháp này thành một công thức ngắn gọn: 3+1Cs, bao gồm các yếu tố: closeness, commitment, complementarity và co-orientation (sự gần gũi, sự cam kết, sự bù trừ và đồng định hướng). Trường hợp của Klopp với Wijnaldum phác thảo việc chia sẻ chi tiết cá nhân (sự gần gũi), các buổi tập đầy cạnh tranh (sự cam kết), một quan điểm tương tự về cuộc sống (sự bù trừ và đồng định hướng) cũng như những cuộc nói chuyện kết nối sâu. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học, Jowett phát hiện 4 yếu tố này sẽ tạo ra một mối quan hệ “tích cực, hiệu quả và hài hòa”, cũng như có thể “cung cấp một nền tảng có thể chia sẻ những điểm yếu, những nhu cầu của các bên và từ đó hỗ trợ nhau đạt được mục tiêu”.

Thế nên trên cơ sở khoa học, những cái ôm của Klopp không chỉ khiến người ta nghẹt thở. Oxytocin là hóc-môn “yêu thương” được não tiết ra khi con người ta ôm ấp hoặc khoác vai nhau. Khi Klopp vòng tay ôm lấy một cầu thủ, ông đang kích hoạt loại hóc-môn tạo cảm giác dễ chịu này.

Tất nhiên, phương pháp này không áp dụng cho tất cả các trường hợp. Steven Gerrard từng bảo phù hợp với sự lạnh nhạt của Rafa Benitez vì thích cảm giác “đói khát lời khen”. Wayne Rooney thường xuyên bị Sir Alex Ferguson mắng xa xả trong phòng thay đồ để làm gương cho các đồng đội. John Terry bị Jose Mourinho ngó lơ mỗi lúc bị chấn thương hòng khích tướng anh trở lại nhanh hơn.

Anh trai Kim Sang Sik và câu chuyện quản lý con người trong bóng đá 3
Sir Alex Ferguson

Nhà tâm lý học thể thao Dan Abrahams cho biết, dù cách tiếp cận của Benitez, Ferguson và Mourinho khác nhau, chúng được thiết kế với cùng một mục đích. Abrahams, người từng làm việc với các cầu thủ Premier League và đội tuyển bóng bầu dục Anh, giải thích: “Họ đang tạo ra một môi trường có nhiều thách thức và kỳ vọng cao”.

“Về bản chất, thách thức cao có thể tạo ra văn hóa đối đầu và đó chắc chắn là trường hợp khi bạn nhìn vào một phần sự nghiệp của Mourinho. Họ có thể nói với toàn đội kiểu: ‘Đây là kế hoạch và triết lý của tôi. Bạn có thể chọn làm theo hoặc không, nhưng nếu không làm thì bạn bị loại’. Đó là một cách tiếp cận có rủi ro cao với những cầu thủ ngày nay, họ có thể kiệt sức vì nó sau thời gian ngắn. Rất khó để vừa có thách thức vừa có sự hỗ trợ cao và điểm ngọt ngào nằm ở giữa. Từng làm việc với HLV Eddie Jones của ĐT bóng bầu dục Anh, tôi biết anh ấy từng phải mềm mỏng hơn trong cách tiếp cận để hiểu được nhu cầu cá nhân của từng cầu thủ”.

Tài năng của đội hình đóng vai trò quan trọng trong thành công của một HLV, nhưng điều quan trọng nhất là khả năng họ có được sự cam kết của những cầu thủ có thể mở ra tiềm năng của đội.

3. HLV Kim Sang-sik có triển vọng giành được cam kết đó. Cảm xúc của cầu thủ là một trong những yếu tố quan trọng mà ông chú tâm. Những ngày vừa qua, ông sớm có biệt danh mới là “sư huynh náo nhiệt” vì hễ có hội nào trập trầm trầm một tí là ngay lập tức có ông đứng cạnh để vỗ tay động viên và kêu gọi tập xung lên. “HLV Kim quan tâm đến cảm xúc của các cầu thủ. Cảm xúc khi tập luyện, cảm xúc thi đấu sẽ giúp cho năng lực của các cầu thủ được khuếch tán lên”, nhà báo Minh Hải nhận định.

Ngày còn cầm quân ở Jeonbuk, HLV Kim từng được ví với… Lưu Bị trong tích “ba lượt đến lều tranh” mời Khổng Minh, khi từng 5 lần tiếp cận thuyết phục mới mời được đồng đội cũ Park Ji-sung về làm cố vấn. Để rồi trước trận tứ kết AFC Champions League 2002 với Vissel Kobe tại sân Saitama, HLV Kim lấy chính Park làm tấm gương cho các cầu thủ trẻ, vì anh từng ghi bàn vào lưới Nhật Bản ngay tại sân đấu này. Ngôi sao khi ấy đang khoác áo Manchester United đã ăn mừng ngạo nghễ trước các CĐV Nhật Bản với thần thái “cửa trên” mà người Hàn luôn tự hào trước kình địch. Kết quả? Jeonbuk quật ngã Kobe ngay trên đất khách.

Anh trai Kim Sang Sik và câu chuyện quản lý con người trong bóng đá 4
 

Dù lịch sử cầm quân ngắn ngủi, HLV Kim đã lận lưng 1 chức vô địch K. League năm 2021, đoạt FA Cup Hàn Quốc 2022 và 1 lần được vinh danh HLV xuất sắc nhất mùa. Thống kê đáng chú ý nhất của ông là giúp đội thủng lưới ít nhất K.League 1 mùa 2021 với chỉ 37 bàn thua. Kim cho biết đã học hỏi từ hai chiến lược gia đình đám năm ấy - Thomas Tuchel (giúp Chelsea vô địch Champions League) và Christophe Galtier (giúp Lille lật đổ PSG ở Ligue 1).

Dẫu vậy, giới quan sát Hàn Quốc khẳng định chiến thuật không phải điểm mạnh nhất của ông, mà chính là điều ông đang cố gắng xây dựng với ĐT Việt Nam, là yếu tố chúng ta bàn luận kỹ từ đầu bài: “nhân trị”.

“Về phong cách huấn luyện, HLV Kim Sang Sik gây nhiều ấn tượng hơn ở khả năng quản trị con người hơn là sự nổi bật về chiến thuật. Lối chơi của đội Jeonbuk dưới thời ông Kim không được phóng khoáng cho lắm. Ông Kim đề cao sự an toàn, cho nên ông biến đội bóng vốn mang phong cách nặng về kiểm soát của HLV tiền nhiệm là Jose Morais trở nên khô khan, thiếu sự đột biến. Tuy nhiên, nhờ được lòng các cầu thủ, những lúc cần thiết HLV Kim Sang Sik luôn hiệu triệu được các trụ cột thể hiện được hết năng lực của họ”, Matthew Binns (Tổng biên tập K-League United - tạp chí tiếng Anh của giải) khẳng định trong bài viết gần nhất. Binns cho rằng ông Kim sẽ cố gắng đi theo con đường của ông Park, kết nối thật sâu với các cầu thủ.

Điểm mạnh này bắt nguồn từ ngày còn thi đấu. Xuất thân là tiền vệ phòng ngự hay bậc nhất mà bóng đá Hàn Quốc từng sản sinh, Kim Sang-sik có lối chơi máu lửa không ngại va chạm và phá vỡ khuôn khổ; sẵn sàng làm mọi cách để ngăn chặn đối phương đến độ có biệt danh là “Rắn lục” hay “Vua thẻ”.

Nhưng máu lửa không đồng nghĩa với cộc cằn và khô cứng. Kim được kể là người lạc quan, hòa đồng và đôi chút dí dỏm. Thời thi đấu, ông thường xuyên đăng ảnh và những chia sẻ hài hước lên Cyworld, trang blog đầu tiên của Hàn Quốc để chọc cười người hâm mộ. Ông thậm chí còn đăng ảnh Park Ji-sung trong màu áo MU kèm dòng chú thích: “Ji-sung ơi, nhớ nói tốt về anh. Cậu hãy bảo với Sir Alex Ferguson rằng Hàn Quốc có một tiền vệ phòng ngự giá rẻ mà tốt lắm”.

Chả trách sao, lối chơi, khí chất “đàn anh” lẫn tính cách của Kim được nhiều đồng đội mến nể. Họ gọi ông là Sik-sama - một từ ghép giữa tên riêng với kính ngữ trong tiếng Nhật, thể hiện sự tôn trọng rất cao. Đó chắc hẳn cũng lý do mà sau này, ông giữ yên ổn phòng thay đồ của đội bóng nhiều sao số Jeonbuk trong 3 năm tại vị.

Anh trai Kim Sang Sik và câu chuyện quản lý con người trong bóng đá 5
HLV Kim Sang Sik

Ngay cả khi bước qua tuổi 40, Kim vẫn giữ được nét hoạt náo khi nhảy điệu Stones trong lễ đăng quang của Jeonbuk. Đó là cả một sự chuẩn bị thay vì ngẫu hứng: “Tôi thích nhảy và đọc rap sôi động. Tôi thích xem chương trình Show Me the Money (King of Rap ở Việt Nam). Điệu nhảy đó xuất hiện trên YouTube của tôi dưới dạng đề xuất thuật toán. Tôi nghĩ sẽ rất vui nếu giành chiến thắng và nhảy. Tôi đã cố gắng nhảy nhẹ nhàng vì sợ cỏ bị hỏng”.

Một người sếp với đầy “chất keo” trong tay như vậy có nhiều lợi thế trong khâu kết dính đội ngũ, giành được tình cảm và sự cam kết của các cầu thủ. Điều đáng nói là khả năng cao, ông thực sự có tâm khi làm điều đó: luận văn Thạc sĩ ngành Khoa học Thể chất của ông cũng là làm về tâm lý cầu thủ (Mối quan hệ giữa thái độ của các cầu thủ bóng đá đại học trong cuộc sống ở trường và những căng thẳng của họ trong thể thao).

Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý lần nữa rằng kết nối sâu không phải là cách duy nhất để thành công trong quản lý con người trong bóng đá.

Có người như cựu tiền đạo Jon Stead của Blackburn: “Tôi cần một HLV cởi mở và trung thực. Bởi mỗi khi không biết HLV đang nghĩ gì hoặc không nhận được câu trả lời trực tiếp, điều đó có lẩn quẩn trong đầu và gây rắc rối cho tôi”.

Cũng có người như Gerrard: “Trong mối quan hệ bình thường, tôi thích những người dễ mến như Gerard Houllier hay Brendan Rodgers. Nhưng với bóng đá, tôi thực sự không ngại làm việc với một HLV lạnh lùng hơn. Một mối quan hệ xa cách và vô cảm với những người như Rafa Benitez và Fabio Capello đôi khi có thể mang lại nhiều thành công hơn”.

Vẫn có đầy HLV thành công nhờ đối đầu hay khích tướng, nên điều quan trọng nhất là sự phù hợp giữa phương pháp và con người. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, sẽ còn là phù hợp với nòi giống, tính cách đặc trưng của cả một dân tộc.

So sánh phép thử Philippe Troussier và quá khứ dễ chịu với thầy Park, hi vọng chúng ta đã xác định được phương pháp phù hợp - như nhà báo Phạm An nhận định trên Thể thao & Văn hóa: “Tiêu chí ‘phù hợp với bóng đá Việt Nam’ có lẽ chính là chi tiết này: Người Việt sống thiên về tình cảm, và chuyện quan tâm những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống của nhau rất có ý nghĩa”.

Trần Hoài Thuận

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow