Ngày 16/6 vừa qua đã diễn ra buổi họp trực tuyến của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF). Nội dung chính của buổi làm việc là các vấn đề liên quan tới AFF Cup 2020, giải đấu dự kiến vẫn được diễn ra dù khu vực và thế giới đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Theo đó, Ban điều hành của AFF đã chấp nhận những phương án đã được đưa ra từ trước như tăng số lượng cầu thủ đăng ký sơ bộ lên 70, tăng số lượng cầu thủ đăng ký chính thức tham dự giải lên 30 người. Ngoài ra, các đội bóng sẽ được phép thay 5 người trong 3 lượt ở mỗi trận đấu.
Ngoài ra, còn có một nội dung khác rất đáng chú ý, khi đại diện của Liên đoàn bóng đá Việt Nam đề xuất thay đổi thể thức thi đấu của AFF Cup 2020. Cụ thể, các bảng đấu sẽ được thi đấu ở một quốc gia nhất định. Rồi sau đó, vòng bán kết và chung kết sẽ diễn ra với 2 lượt với sân nhà, sân khách như bình thường. Như vậy, về cơ bản, AFF Cup 2020 sẽ diễn ra giống với các kỳ AFF Cup cũ như 2016, 2014… chứ không diễn ra sân nhà, sân khách ngay từ vòng bảng như AFF Cup 2018.
Việt Nam có thể trở thành chủ nhà 1 bảng của AFF Cup 2020 |
Đề xuất này được đưa ra để giảm thiểu các ảnh hưởng của Covid-19 và đang được ban điều hành của AFF xem xét. Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng thay đổi này được duyệt là rất cao. Và nếu được đồng ý, phương án kể trên được nhận định là có lợi cho Việt Nam.
Cụ thể, khi đề xuất tổ chức vòng bảng trên hai quốc gia nhất định, gần như Việt Nam sẽ chắc chắn có được một suất. Chúng ta là quốc gia đi đầu khu vực (và cả trên thế giới) về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết để giành được suất đăng cai. Cộng với kinh nghiệm tổ chức ở các giải đấu cũ, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của AFF.
Những quốc gia khác hiện nay vẫn chưa có thể đảm bảo sự an toàn cho người dân trước những diễn biến của dịch Covid-19. Đơn cử như Singapore thời điểm hiện tại, khi họ đang đối mặt với đợt bùng phát mới ở trong nước thì thật khó để quốc gia này có thể đăng cai giải AFF Cup vào cuối năm.
Chúng ta vượt trội các đối thủ trong khu vực ở những năm qua |
Nếu được thi đấu trên sân nhà, ĐT Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các đội bóng khác là điều dễ hiểu. Ngoài việc đã quen thuộc với mặt cỏ Mỹ Đình, được thi đấu dưới sự cổ vũ của 45.000 khán giả chắc chắn sẽ giúp những Quang Hải, Công Phượng… có thêm những động lực.
Ngoài ra, một lợi thế không nhỏ khác là chúng ta sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn kể sau vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Cụ thể, trận đấu cuối cùng của ĐT Việt Nam tại bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á là trận làm khách trên sân của ĐT UAE vào ngày 17/11. Trong khi đó, AFF Cup 2020 sẽ khai mạc vào ngày 23/11.
Nếu xét về thể thức thi đấu cũ của AFF Cup, ĐT Việt Nam sẽ phải làm khách vào ngày 23/11. Điều này sẽ khiến các cầu thủ mệt mỏi vì phải di chuyển nhiều lần. Sau đó, với mật độ 4 ngày 1 trận thì chúng ta cũng không có thời gian để hồi phục trước những trận đấu quan trọng.
Mặt khác, nếu được làm chủ nhà, chúng ta chỉ cần phải di chuyển 1 lần từ UAE về Hà Nội. Như vậy, các cầu thủ sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn và BHL có có thêm thời gian để chuẩn bị cho các trận đấu quan trọng tại AFF Cup.
ĐT Việt Nam là nhà đương kim vô địch AFF Cup 2020 |
Việc danh sách các cầu thủ đăng ký chính thức tăng lên 30 người cũng là một lợi thế không nhỏ dành cho các nền bóng đá top đầu khu vực. Như Việt Nam, Thái Lan sở hữu một đội hình có chiều sâu, hoàn toàn có thể thay thế lứa cầu thủ đang đá chính ở cấp ĐTQG sẽ có nhiều lợi thế hơn so với những đội bóng sử dụng chính sách nhập tịch như Malaysia và Indonesia, nơi khoảng cách của 11 cầu thủ đá chính so với các cầu thủ dự bị là rất lớn.
Những thay đổi của AFF Cup 2020 hiện tại vẫn chỉ là trên giấy nháp. Hiện tại, vẫn chưa thể khẳng định ĐT Việt Nam sẽ có được những lợi thế như đã nêu. Nhưng phải nhắc lại rằng, ‘Những chiến binh sao vàng’ đang là nhà đương kim vô địch của AFF Cup. Chúng ta sẽ luôn là ứng viên số 1 cho chức vô địch của giải đấu dù AFF Cup 2020 sẽ diễn ra theo thể thức nào.