Trong trường hợp AFC tổ chức Nations League giống UEFA, liệu bóng đá Việt Nam có chung nỗi sợ với phần lớn các nền bóng đá trong khu vực Đông Nam Á?
Từ nỗi lo chung
Bắt đầu từ sau World Cup 2018, UEFA cho ra mắt một giải đấu hoàn toàn mới ở cấp độ đội tuyển quốc gia mang tên Nations League. Về cơ bản, UEFA muốn kết thúc những trận đấu giao hữu thuộc diện "vô thưởng vô phạt", giúp các đội tuyển có được một sân chơi giàu tính cạnh tranh hơn.
|
UEFA Nations League khiến các đội tuyển ở châu Á lo lắng khi ít có cơ hội cọ xát với những đội tuyển hàng đầu châu Âu. |
Xét về bản chất, cách làm này có lợi cho bóng đá châu Âu, nhưng lại bất lợi với những nơi có mặt bằng bóng đá thấp hơn, tiêu biểu là châu Á. Thay vì được tự do giao hữu với các đội tuyển có trình độ cao hơn ở châu Âu, các đội bóng ở châu Á buộc phải tìm kiếm những đối thủ "vừa miếng" hơn tại phần còn lại của thế giới.
Nhìn từ những trận giao hữu gần nhất, ai cũng có thể thấy sự khác biệt. Trong loạt giao hữu diễn ra vào cuối năm 2017, Saudi Arabia gặp Bồ Đào Nha và Bulgaria, trong khi đối thủ hiện giờ của họ là Bolivia. Nhật Bản từ giao hữu với Bỉ nay đá với Costa Rica, Hàn Quốc cũng thay thế các đội bóng châu Âu là Nga và Serbia bằng Costa Rica cùng Chile.
Ngay cả với những đội bóng có trình độ thấp hơn ở châu Á, sự tác động này cũng thấy rõ. Ba đối thủ giao hữu gần nhất của Singapore là Maldives, Mauritius và Fiji. Malaysia cũng chỉ có thể lựa chọn Đài Loan (Trung Quốc).
|
AFC manh nha ý định tổ chức giải đấu theo dạng Nations League của châu Âu. |
Không cần là chuyên gia bóng đá, ai cũng thấy rằng điều này ảnh hưởng lớn đến sự tiến bộ của các đội tuyển ở châu Á. Nên nhớ rằng trong BXH FIFA, 8 trong 10 đội tuyển đứng đầu thế giới nằm ở châu Âu (rộng hơn là 30 trong top 50), việc các đội bóng châu Âu "chỉ đá với nhau" làm thu hẹp cơ hội cọ xát của những nơi trình độ bóng đá phát triển thấp hơn.
HLV Tan Cheng Hoe lo ngại nếu AFC cũng tổ chức một giải đấu dạng Nations League của riêng mình, các đội tuyển yếu như Malaysia khó có cơ hội nâng cao trình độ. Ông cũng khẳng định các đội tuyển ở Đông Nam á cần những trận đấu với các đối thủ có trình độ cao hơn một bậc để cầu thủ hoàn thiện bản thân hơn".
Đến chuyện của bóng đá Việt Nam
Nếu một số nền bóng đá trong khu vực Đông Nam Á cảm thấy lo lắng thì với ĐT Việt Nam, chuyện này tác động trên thực tế... không lớn. ĐT Việt Nam thường ít khi có những trận giao hữu quốc tế khi lịch thi đấu tại giải VĐQG trùng với thời điểm đá giao hữu.
|
Bóng đá Việt Nam trên thực tế không bị ảnh hưởng nhiều bởi Nations League. |
Nhìn chung, bóng đá Việt Nam chỉ tập huấn và đá giao hữu khi chuẩn bị bước vào giải đấu quan trọng. Thường đối thủ đá giao hữu là các đội bóng ở nơi diễn ra tập huấn, tiêu biểu là việc ĐT Việt Nam sẽ có một số trận giao hữu với các đội bóng ở Hàn Quốc trong chuyến tập huấn chuẩn bị cho AFF Cup 2018.
Như HLV Hoàng Anh Tuấn nhận xét, bóng đá Việt Nam đang trong quá trình tiến bộ, chứ chưa phải đã bước lên tầm châu lục ngay như nhiều người lầm tưởng sau thành công trong năm 2018. Cầu thủ Việt Nam cho đến nay chủ yếu vẫn cọ xát trong nước, rất hiếm trường hợp ra nước ngoài thi đấu.
|
Nếu AFC tổ chức Nations League, Việt Nam nhiều khả năng sẽ nằm trong League 2 theo BXH FIFA. |
Việc sống trong một "ốc đảo" bóng đá như thế khiến những tác động từ bên ngoài vào ĐT Việt Nam chưa lớn. Hơn nữa ngay cả khi AFC tổ chức một giải đấu riêng nếu giữ vị trí ở BXH FIFA như hiện tại, Việt Nam sẽ nằm trong League 2, đối đầu với những đối thủ không quá yếu ở châu lục, khác với phần đa các đội tuyển còn lại ở khu vực Đông Nam Á phải nằm ở League 3 hay 4.
Trừ khi bóng đá Việt Nam điều chỉnh lịch thi đấu để có thời gian đá giao hữu trùng với quốc tế, nếu không UEFA Nations League, hay thậm chí là giải đấu của AFC cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Thậm chí, nhiều người còn mừng nhiều hơn là lo, bởi các cầu thủ sẽ có cơ hội cọ xát ở phạm vi quốc tế nhiều hơn.
Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về bóng đá châu Á:
Như Đạt (TTVN)