Bài "thánh ca" này không chỉ giúp Liverpool vươn đến những đỉnh cao hay thực hiện những cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, nó còn giúp cho Lữ Đoàn Đỏ vượt qua những đau khổ hay những thời khắc đen tối nhất, trong đó phải kể đến sự kiến Hillsborough, một sự kiện gây chấn động cho cả CLB lẫn thành phố Cảng.
Với những ai đã trót đem lòng yêu màu áo đỏ của Liverpool, You'll Never Walk Alone chắc chắn là bài hát mà họ đã thuộc nằm lòng. Nhưng ít ai biết rõ nguồn gốc của bài hát này cũng như lý do vì đầu nó trở thành bài "thánh ca" của Lữ Đoàn Đỏ. Vậy, vì đâu mà Liverpool quyết định đưa bài hát này trở thành bài hát truyền thống của họ? Và từ đâu mà bài hát này xuất hiện ? Bài viết dưới đây sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi đó.
Ở những năm đầu của TK 20, Budapest đang trải qua giai đoạn phục hưng về văn hóa. Đây chính là giai đoạn cực thịnh của đế chế Áo-Hung và là giai đoạn mới của văn hóa Châu Âu. Thành phố khi đó lung linh trong hào quang của sự huy hoàng. Sông Danube long lanh chia cắt đôi bờ thành phố, Buda và Pest. Cây cầu Szecsenyi và tuyến tàu điện ngầm đại lộ Andrassy khi đó là những điểm tham quan hấp dẫn du khách. Cùng với đó là những kiệt tác kiến trúc tô điểm cho thành phố vốn đã rất hiện đại này.
Tụ điểm văn hóa chính của thành phố, quán cà phê New York, tọa lạc ở đại lộ chính của trung tâm thủ đô Budapest. Đó là một nơi tuyệt vời. Một quán cà phê với mặt tiền được trang trí bởi những bức tượng và những họa tiết trang trí tinh xảo. Lọt vào khung cảnh đó là những chiếc chụp đèn treo dưới trần nhà được đỡ bằng những cột trụ bằng đá cẩm thạch.
Chính nơi đây, ở Budapest thanh lịch và lộng lẫy này, các nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới thời ấy đã tìm ra nàng thơ để đưa vào tác phẩm của mình. Họ dự các buổi ăn tối, lắng nghe những ban nhạc tuyệt vời để ghi lại những gì mình trông thấy bằng những từ ngữ tuyệt mỹ nhất.
Ferenc Molnar cũng như bất cứ ai. Anh ngồi trong quán cà phê, tự gọi một bát súp ăn kèm với thịt nhồi kế bên, sau đó, anh sẽ kéo một hơi xì gà, nhặt bút lên và viết. Khi anh sáng tác Liliom vào năm 1909, anh không hề biết rằng vở kịch của anh sẽ trở thành một trong những bài hát bóng đá nổi tiếng nhất thế giới.
Ngày đó, Liverpool mới chỉ hiện diện được vài năm. Không rõ Molnar có biết gì đến CLB hay không, hoặc ông có tính tạo ảnh hưởng lên Liverpool hay không, nhưng vở kịch của ông, Liliom, một câu chuyện về một gã trộm người Hungary vong mạng sau một phi vụ bất thành, đã trở thành nguồn cảm hứng cho You'll Never Walk Alone.
Tuy nhiên, vở kịch của Molnar chưa bao giờ thành công. Liliom ban đầu gặp phải rất nhiều trở ngại. Budapest thịnh vượng khi đó không thích vở kịch có phần ảm đạm của Molnar về một tay ăn trộm thuộc tầng lớp dưới nhằm nuôi sống cho đứa con gái mới sinh của mình, một phần vì chính họ cũng chưa từng trải qua cảnh đó. Vì vậy, các khán giả không thể đồng cảm với cái thế giới mệt mỏi và bi thương do Molnar khắc họa. Buổi công chiếu đầu tiên của Liliom là một thảm họa: Molnar bị chỉ trích rất nặng nề bởi giới phê bình khi đó.
Với nhiều người, có lẽ đây chính là dấu chấm hết cho sự nghiệp. Nhưng Molnar luôn vững tin vào tác phẩm của mình. Vì vậy, ông quyết định lưu diễn trên toàn Châu Âu. Nếu không có quyết tâm của ông, You'll Never Walk Alone có lẽ sẽ không bao giờ được sinh ra. Molnar khi đó lưu diễn khắp Châu Âu, trình chiếu cho các khán giả từ Varshava, Praha, Viên và Berlin. Dần dà, Liliom trở thành một vở kịch được tôn sùng.
Sau Đại Thế Chiến Thứ 1, kể cả khán giả thành Budapest cũng đón nhận vở kịch này, nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn và Hiệp Định Trianon đem lại cũng như 5 năm chinh chiến. Thế giới ảm đạm của Liliom đã dần ăn nhập với Budapest thời hậu chiến. Vào năm 1939, Liliom được đón nhận nồng nhiệt ở London sau buổi công chiếu đầu tiên.
Khi Đại Chiến Thứ 2 kết thúc, giới nghệ sĩ không còn đổ về Budapest nữa. Thay vào đó, họ chuyển đến những nơi an toàn hơn ở bờ bên kia của Đại Tây Dương như Mỹ. Molnar cũng hòa vào dòng người này khi trốn chạy khỏi chế độ tàn ác của Hitler.
Ở thời điểm Molnar chuyển đến nước Mỹ, năm 1940, ông đã 62 tuổi. Đích đến của ông là New York, cụ thể hơn, khách sạn New York Plaza ở khu Manhattan. Ông sau đó ở lại khách sạn này trong 12 năm còn lại của đời mình. Người ta kể lại rằng Molnar ít khi ra ngoài, thay vào đó, ông thường sống đời ẩn dật trong căn phòng khách sạn.
Sau khi nghe qua số phận bi thảm của những người bạn Do Thái trong trại tập trung, Molnar rơi vào trầm cảm. Ông kiếm tiền bằng cách bán tác quyền dịch tác phẩm của mình sang tiếng Anh. Đây chính khởi điểm cho sự ra đời của Carousel, phiên bản nhạc kịch Broadway của Liliom.
Ở thời điểm Richard Rodgers và Oscar Hammerstein tìm ra Liliom, họ đang tìm kiếm một vở kịch để chuyển thể thành một vở nhạc kịch. Câu chuyện về những mảnh đời khó khăn mà vở kịch khắc họa đã khiến cả hai quyết định mua lại tác quyền từ Molnar.
Rodgers và Hammerstein đổi tên tác phẩm thành Carousel. Rodgers phổ nhạc cho vở kịch, trong khi đó, Hammerstein viết phần lời. Bài hát mà cả hai sáng tác sau đó cho vở kịch được thế giới biết tới dưới tên gọi You'll Never Walk Alone.
You'll Never Walk Alone được dành cho con gái của nhân vật chính, Billy Bigelow, sau khi cha của cô qua đời vì một vụ trộm bất thành. Lời bài hát cũng như nhịp điệu của nó nhằm giúp cô bé vượt qua nỗi đau này. Bài hát cũng được tấu lên ở cảnh cuối của vở kịch khi Bigelow thăng thiên trong lễ tốt nghiệp của con gái mình.
Những lời hát liên quan tới việc vượt qua nỗi đau và vững tin vào phía trước của You'll Never Walk Alone đã chạm vào trái tim của những siêu sao âm nhạc lớn nhất của thời kỳ đó, trong đó có thể kể đến Elvis Presley, Johnny Cash và Frank Sinatra. Nhưng phải đến thập kỷ 60, bài hát này mới được biết đến rộng rãi ở Liverpool.
|
Jurgen Klopp mặc áo phông in dòng chữ The Beatles |
Đây là thời kỳ đỉnh cao của The Beatles. Ở thời điểm đó, Cilla Black đang trên con đường trở thành siêu sao. Thành phố Cảng khi đó đang bước vào giai đoạn cực thịnh về mặt văn hóa. Liverpool tràn đầy âm nhạc. Âm nhạc có mặt ở khắp nơi, từ nguồn nước mà người dân Liverpool uống đến không khí mà họ thở. Thế nhưng, không phải Black hay The Beatles đưa bài hát đến với thành phố Cảng. Vinh dự đó thuộc về một ban nhạc ít danh tiếng hơn tới từ thị trấn công nghiệp Bootle: Gerry and the Pacemakers.
Gerry and the Pacemakers không nổi tiếng như The Beatles hay Cilla Black, nhưng họ từng thu âm cùng một hãng đĩa với 2 ngôi sao đất Cảng. Phiên bản You'll Never Walk Alone của họ đứng đầu bảng xếp hạng Vương Quốc Anh trong nhiều tuần. Thành công của họ được công nhận bởi giới mộ điệu nước Mỹ, thậm chí được mời biểu diễn ở xứ Cờ Hoa. Chính lần xuất hiện trên chương trình Ed Sullivan của họ đã khiến CLB Liverpool quyết định công nhận bài hát đó là "thánh ca" của mình.
Ở thời điểm đó, bài hát đã được hát trên khán đài Liverpool, nhưng phải đến khi bài hát đến đất Mỹ, NHM Liverpool mới thực sự đón nhận You'll Never Walk Alone vào tim. Liverpool, khi đó được dẫn dắt bởi Bill Shankly, đang du đấu ở Mỹ, và cùng được mời đến chương trình Ed Sullivan. Tình cờ thay, họ lên cùng xe buýt với ban nhạc Gerry the Pacemakers. Nhờ đó, Marsden, giọng ca chính của Gerry and the Pacemakers, đã giới thiệu bài hát cho Shankly.
Ban nhạc sau đó ngồi xuống ghế, Shankly khi đó khoanh tay, mặt đăm chiêu. Ông không hề quan tâm tới những bài nhạc trên bảng xếp hạng mà ông cho là "rác rưởi". Tâm trí của ông chỉ có bóng đá. Đối với ông, thà nghe ban nhạc nói về cơ hội đoạt cúp hoặc họ có nên mua hậu vệ phải còn hơn. Dù vậy, Shankly vẫn quyết định nghe Marsden chơi nhạc.
Khi Marsden cùng ban nhạc bắt đầu cất tiếng hát, những nếp nhăn trên khuôn mặt của HLV người Scotland như giãn ra, khuôn mặt vốn cau có của ông dần chuyển thành một nụ cười. Khi những nốt cuối cùng của điệp khúc: "and you'll never walk alone" (và bạn sẽ không bao giờ phải đi một mình-ND) được tấu lên, Shankly tỏ ra phấn chấn. Ông nhìn thẳng vào Marsden rồi nói: "Gerry, con trai của ta. Ta cho con xem đội bóng của mình, còn con cho chúng ta một bài nhạc."
Liverpool khi đó đã nổi danh trong làng bóng đá. Ở thời điểm thập niên 50 và 60 của TK 20, dưới sự dẫn dắt của Shankly, các khán đài của họ luôn tràn ngập trong âm nhạc như thể một dàn giao hưởng. Hàng ngàn khán giả địa phương đã dồn đến sân, ngồi vai kề vai để tấu lên những câu cổ động hoặc đôi khi là những bài hits của Beatles để khích lệ đội nhà.
Một phóng viên của BBC Panorama khi đó đã nói rằng NHM Liverpool là những khán giả cuồng nhiệt nhất ông từng thấy. Có lẽ minh chứng rõ nhất đó là cái cách họ khiến đối thủ sợ hãi và khích lệ đội nhà dồn lên tấn công trong từng trận đấu của Liverpool.
Cũng như Shankly, khán đài The Kop nhanh chóng tiếp nhận You'll Never Walk Alone. Giai điệu nhẹ nhàng, phần lời có phần buồn của bài hát cùng một kết thúc tươi sáng, là điều mà người dân đất Cảng có thể đồng cảm. Điều đó xuất phát từ việc Carousel được ra đời khi thế giới đang tràn đầy cảnh đói nghèo và cơ hàn.
Ở thời kỳ đầu những năm 60, dù rất nổi bật về mặt văn hóa, Liverpool vẫn là "thủ đô" của thất nghệp. Tình trạng của thành phố khi đó cực kỳ ảm đạm. Ngành công nghiệp, thứ giữ vững nền kinh tế của Liverpool, đang bị đình đốn. Những công việc duy nhất mà họ có thể làm lại là những công việc cực nặng như khai thác than hoặc lau dọn.
Carousel cũng thể hiện một bối cảnh tương tự: nước Mỹ chật vật với thời kỳ Đại Khủng Hoảng, khiến một người đàn ông phải sống ngoài vòng pháp luật để nuôi sống gia đình của mình. Khúc "thánh ca" này được hát cho cô con gái và vợ của anh để khích lệ họ vượt qua nỗi đau dù phải đương đầu với gian nan. Đây chính là một điều mà người dân Liverpool có thể đồng cảm.
Trong giai đoạn khó khăn này, thành phố rơi vào khánh kiệt. Hệ thống công cộng bị ngó lơ, thậm chí không được sử dụng. Hầu hết các hoạt động giao thương diễn ra ở phía nam thành phố, khiến họ không thể bắt kịp với sự phát triển của London cũng như các thành phố khác.
Ở thời điểm năm 1981, sự bất mãn đã dẫn đến cuộc nổi loạn Toxteth, một cuộc nổi loạn khiến 450 sĩ quan cảnh sát bị thương cùng 500 người bị bắt giữ. Cuộc nổi loạn bắt đầu khi cộng đồng gốc Phi của thành phố phản đối sự ngược đãi của cảnh sát. Tuy nhiên, càng về sau, các cuộc nổi loạn bắt đầu trở thành những cuộc biểu tình quy mô lớn, nơi người dân tấn công cảnh sát và chính quyền để thể hiện sự bất mãn của mình với chính quyền Thatcher, khi đó đã ra lệnh đóng cửa rất nhiều ngành công nghiệp và nhà máy trong vùng.
Dù không có một phương án nào được đề ra, các cuộc bạo loạn vẫn chấm dứt. Bản báo cáo Scarman sau đó cho thấy nguyên do của các cuộc bạo loạn xuất phát từ đói nghèo và sự bất mãn. Tuy vậy, chẳng có một phương án nào được đề ra nhằm xoa dịu những nỗi đau này. Trong bầu không khí nặng nề này, bóng đá trở thành nơi để người ta thoát khỏi những lo toan bộn bề của cuộc sống thương ngày. You'll Never Walk Alone nhờ thế trở thành khúc "thánh ca" của thành phố.
Điều thể hiện rõ nhất tinh thần của You'll Never Walk Alone của Liverpool có lẽ chính là những cuộc lội ngược dòng thần thánh mà Lữ đoàn đỏ đã thực hiện xuyên suốt lịch sử, nhất là ở đấu trường Châu Âu.
Họ giành được 4 danh hiệu C1 trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 1984, đánh bại những đối thru hàng đầu như Real Madrid vào năm 1981 hay Roma vào năm 1984. Gần đây, Liverpool được nhớ đến với những màn ngược dòng trước Alaves ở UEFA Cup năm 2001, trước AC Milan vào năm 2005 và gần đây nhất, trước Barcelona ở trận bán kết lượt về mùa giải 2018-2019.
Vào ngày 7 tháng 5 năm 2019, Liverpool bước vào sân Anfield khi bị dẫn trước với tỷ số 3-0 bởi Barcelona, đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ 21. Những tưởng Liverpool sẽ chỉ có một trận thắng danh dự trước Blaugrana, nhưng những diễn biến trên sân đã cho thấy một kết quả ngược lại: Barcelona liên tiếp bị các cầu thủ của Lữ Đoàn Đỏ nã vào lưới. Tổng cộng 4 bàn thắng được ghi trong trận đấu hôm đó. Liverpool chính thức hoàn thành câu chuyện cổ tích đẹp nhất của họ, thậm chí còn đẹp hơn cả chiến tích trên đất Istanbul cách đó 14 năm.
Trong ngày đoàn quân của Jurgen Klopp vượt qua Barcelona, những giai điệu của You'll Never Walk Alone một lần nữa được vang lên khắp bốn mặt sân Anfield như một lời khẳng định: những chàng trai áo đỏ này sẽ không bao giờ đầu hàng, dù là trước một Barcelona hùng mạnh.
Bài "thánh ca" này không chỉ giúp Liverpool vươn đến những đỉnh cao hay thực hiện những cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, nó còn giúp cho Lữ Đoàn Đỏ vượt qua những đau khổ hay những thời khắc đen tối nhất, trong đó phải kể đến sự kiến Hillsborough, một sự kiện gây chấn động cho cả CLB lẫn thành phố Cảng.
Bài hát thực sự đã hàn gắn và giúp cho người dân Liverpool vượt qua nỗi đau đang bao trùm lên thành phố. Nó cho thấy You'll Never Walk Alone không chỉ là một bài hát, mà còn là một liều thuốc tinh thần và là một biểu tượng của thành phố Cảng.
|
Hình ảnh chụp lại cảnh chen chúc ở Hillsborough năm 1989 |
Liverpool sau đó đối đầu với Everton ở chung kết FA Cup. Hillsborough vẫn còn hiện diện trong tâm trí của mỗi người. Cả thành phố đang ngập tràn trong đau đớn, thế nhưng vẫn có hàng nghìn người kéo đến London để theo dõi trận đấu. Trước khi trận đấu diễn ra, cầu thủ cũng như NHM hai bên đã cùng nhau hát vang You'll Never Walk Alone. Bài hát được vang vọng khắp 4 mặt khán đài khi Garry Marsden đang cất cao lời hát trên sân. Cả hai nhóm CĐV cùng thành phố vai kề vai hát với nhau, ôm chầm lấy nhau khi nước mắt đang rơi để tưởng niệm những nạn nhân xấu số.
Sau thảm họa Hillsborough, bài "thánh ca" này đã được trao cho một thông điệp mới mẻ. Khi You'll Never Walk Alone được xướng lên ở thời điểm hiện tại, nó không chỉ dành cho các cầu thủ, mà còn dành cho những người đã qua đời vì những thảm họa. Một lời nhắc nhở rằng bi kịch hay những tai ương mà ta gặp phải sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Bài hát đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến đòi lại công lý cho những nạn nhân, vốn được biết đến dưới tên gọi: "Justice for 96" (Công lý cho 96 nạn nhân-ND), được khởi xướng bởi Anne Williams, một người phụ nữ đã vĩnh viễn mất đi cậu con trai Kevin trong thảm họa Hillsborough. Cuối cùng, vào năm 2012, giới chức Anh cũng chính thức sửa sai và công khai xin lỗi những người đã mất trong thảm họa Hillsborough năm đó. Về phần Anne Williams, bà đã chính thức đoàn tụ cùng cậu con trai Kevin bên kia thế giới vào năm 2013 sau một quãng thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.
You'll Never Walk Alone không chỉ là một bài "thánh ca" của Liverpool. Nhịp điệu nhẹ nhàng cùng lời ca đầy tươi sáng của bài hát đã trở thành một phần triết lý của CLB cũng như NHM. Lời ca của nó chính là lẽ sống, là một kim chỉ nam đạo đức mà ai cũng muốn học theo. Trong khoảng thời gian tăm tối của cuộc đời, nó xoa dịu nỗi đau và đem lại cho ta hy vọng. Khi cuộc đời ta tươi sáng, nó trở thành một bài hát ngợi ca vinh quang của những người đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống, những người không bao giờ đầu hàng số phận.
Bài hát thực sự đã kết nối người dân Liverpool cũng như vực dậy tinh thần các cầu thủ Liverpool, giúp họ thực hiện những phép màu thực sự trên sân. Với những gì mà nó đem lại cho CLB nói riêng cũng như NHM nói chung, không khó để thấy được lý do vì sao mà You'll Never Walk Alone đã trở thành một phần của CLB nói riêng cũng như của thành phố nói chung.
Dịch và bổ sung từ bài viết: "The origins of You’ll Never Walk Alone and how a TV Show in the US helped it become Liverpool’s anthem" trích từ quyển sách The Story of You’ll Never Walk Alone của tác giả Bence Bocsak đăng trên These Football Times.